Đường đến với nghề y của cô gái vượt qua 27 ca phẫu thuật

Thanh Hóa - Năm 11 tuổi, Nguyễn Anh Nhi gặp tai nạn giao thông, gần như mất cơ hội sống, cô phải trải qua 27 ca phẫu thuật, nỗ lực hồi phục và theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ.

"Bố ơi cứu con" là câu Anh Nhi nói trước khi ngất lịm đi vì tai nạn giao thông cách đây 13 năm. "Hôm đó là một ngày trời mùa đông mưa và rét, trên chuyến xe cấp cứu chuyển tôi ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, bố nắm chặt lấy tay và hứa bằng mọi cách sẽ giữ được mạng sống cho tôi", cô gái 24 tuổi nhớ lại.

Ngày 1/12/2011, trên đường đi học về, Nhi bị hai xe khách tránh nhau đâm trúng, nghiền qua bụng khiến thành bụng dập nát, nội tạng tổn thương hoàn toàn. Cũng từ đó, Anh Nhi trải qua 27 ca phẫu thuật lớn nhỏ, cắt toàn bộ đại tràng, một phần bàng quang, niệu quản, đưa ruột xuống nối ống hậu môn để không phải đeo hậu môn nhân tạo...

Anh Nhi tươi tắn ở hiện tại. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chuỗi ngày nằm viện cùng nỗi đau đớn ám ảnh Nhi đến tận bây giờ. "Tôi còn nhớ trên người đầy dây rợ, muốn cựa cũng khó khăn. Tôi sợ nhất là phẫu thuật nhưng mỗi lần vào phòng mổ, mẹ đều nắm tay tôi, ba thì xoa đầu động viên giúp tôi có thêm sức mạnh để cố gắng", Anh Nhi kể. Bố mẹ cô đều công tác ở trường học nhưng khi con gái điều trị, họ nghỉ việc để chăm con. Tổn thương ở ruột khiến Nhi không được ăn uống mà chỉ truyền dịch. Lúc đó, Nhi đã chán nản, cáu gắt với mẹ. Sau này nghĩ lại, cô mới hiểu ba mẹ buồn và suy sụp nhưng vẫn phải tỏ ra mạnh mẽ để làm chỗ dựa tinh thần cho cô. Có một câu nói của mẹ khiến Nhi nhớ mãi: "Cố gắng lên con, rồi ông trời sẽ thương mình thôi".

Anh Nhi (ngoài cùng bên trái) cùng bố mẹ và em gái. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Nhi (ngoài cùng bên trái) cùng bố mẹ và em gái. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dù sức khỏe yếu, phải phẫu thuật nhiều lần, gia đình vẫn cố gắng cho Nhi đi học. Sợ con không theo kịp các bạn nên mẹ xin nhà trường cho cô học chậm một năm. Mẹ cũng tranh thủ đưa Anh Nhi ra Hà Nội phẫu thuật vào dịp gần Tết hoặc nghỉ hè để ít ảnh hưởng tới chương trình học.

Thời gian đó, gia đình phải vay mượn người thân, ngân hàng để có tiền chi trả cho các ca phẫu thuật của Nhi. Thấy bố mẹ vất vả, vừa mất công sức vừa tốn tiền, Nhi càng cố gắng học để không làm gia đình phải thất vọng. Bạn bè, thầy cô trong trường biết hoàn cảnh của Nhi nên giúp đỡ: các bạn chép bài hộ mỗi khi Nhi nghỉ học để cô có thể đọc lại và theo kịp chương trình; bài nào không hiểu, Nhi hỏi lại thầy cô.

Năm học cấp 3, Nhi dần nghĩ tới việc chọn nghề tương lai. Tình cờ, trong một lần tái khám, cô nói chuyện với bác sĩ chữa trị cho mình và được truyền cảm hứng. Từ đó, Nhi mong ước trở thành bác sĩ để có thể cống hiến và giúp đỡ những người hoạn nạn giống mình.

Tháng 8/2019, Nhi trúng tuyển vào chuyên ngành Xét nghiệm, Đại học Y Hà Nội với số điểm 24. Anh Nhi ra Hà Nội ở nhờ nhà người thân, lần đầu sống xa bố mẹ trong 4 năm học. Trong hai năm đầu, cô vẫn phải mổ đặt "stent" trong ruột (thiết bị được đặt vào mạch máu để mở rộng hoặc thông mạch máu bị tắc nghẽn hay hẹp lại). Đến năm ba, cô chính thức dừng phẫu thuật, sức khỏe ổn định và bắt đầu cuộc sống mới. Hiện, Anh Nhi nặng 38 kg với chiều cao 1,54 m, sức khỏe đã tốt hơn. Cô làm việc tại Khoa huyết học - Truyền máu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa từ năm 2023.

Nguyễn Anh Nhi (thứ tư từ trái sang) tại Lễ tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Anh Nhi (thứ tư từ trái sang) tại Lễ tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Phạm Thị Ngọc, mẹ Anh Nhi, cho biết vui khi nhìn con khỏe mạnh, hòa đồng với mọi người và học tập tốt. Mong mỏi lớn nhất của chị là con có thể tự chăm sóc tốt cho bản thân và có công việc ổn định. Đối với bố mẹ và các bác sĩ, trường hợp của Anh Nhi là kỳ tích, không ai nghĩ cô có thể bình phục tốt như vậy nhưng Anh Nhi nói: "Chỉ cần cố gắng, nỗ lực thì may mắn sẽ luôn đến, chậm nhưng chắc chắn sẽ đến".

Trước đây khi bị tai nạn, Anh Nhi nghĩ cuộc sống sẽ dừng lại và suốt ngày chỉ ở trong bốn bức tường. Cô luôn than thở rằng tại sao trong hàng vạn người ngoài kia, mình lại là người chịu đau đớn nhiều như vậy. Đến một ngày, Anh Nhi đọc được câu nói của nhà sư Thích Nhất Hạnh: "Hãy tin rằng, chỉ cần mình sống thiện lành với thế giới thì cả thế giới tặng mình những điều tốt đẹp nhất". Anh Nhi mong câu chuyện của mình có thể lan tỏa đến nhiều người có hoàn cảnh khó khăn để họ có thêm nghị lực sống.