Hà Dĩ Thâm phiên bản Việt: Giảng viên ĐH Luật Hà Nội điển trai, đa tài khiến sinh viên muốn tiết học kéo dài mãi

Ngoại hình cao ráo với những bộ trang phục đơn giản như áo sơ mi, quần âu, áo vest lịch lãm, cộng thêm nụ cười nam tính đầy thu hút, giảng viên này từ lâu đã trở thành động lực tới trường của sinh viên ĐH Luật.

Thú nhận đi, bất kỳ cô gái nào là sinh viên luật cũng sẽ từng nhiều lần mộng mơ tìm được "soái ca vạn người mê" Hà Dĩ Thâm phiên bản đời thật! Nhưng để tìm kiếm chàng trai trường luật vừa đẹp trai, giỏi giang vừa đa tài, hiếm có khó tìm như Hà "tổng" chưa bao giờ dễ dàng.

Tuy nhiên, ở một ngôi trường nức tiếng như Đại học Luật Hà Nội (HLU) vẫn xuất hiện những nhân vật đình đám khiến cộng đồng mạng chao đảo, ráo riết "xin info" vì thần thái cuốn hút cũng như profile cực "đỉnh". Đặc biệt, các thầy giáo điển trai từ lâu đã lọt vào tầm ngắm của hội HLUer.

Người thầy ấy đây!

Nhiều nữ sinh còn tự hào khẳng định giảng viên trường mình rất có khí chất của một "tổng tài" y như trong truyện ngôn tình. Quả thật, nhìn vào ai cũng sẽ ghen tị với các ngôi trường có sự xuất hiện của "thầy giáo quốc dân" giỏi về chuyên môn, đẹp về ngoại hình, đã thế lại còn sở hữu nhiều tài lẻ độc đáo. Hiển nhiên đến lớp nào mà được học thầy giáo đẹp trai như "nam thần" thì môn học đó dù khó nhằn đến đâu cũng sẽ trở nên "auto" dễ chịu và đơn giản trông thấy, thậm chí sinh viên còn muốn tiết học đừng bao giờ kết thúc nữa cơ!

Gần đây, nhân vật đang chiếm rất nhiều cảm tình từ các sinh viên luật là thầy Nguyễn Tiến Dũng, giảng viên bộ môn Luật Lao động, khoa Pháp luật Kinh tế trường Đại học Luật Hà Nội. Thầy Dũng là cựu sinh viên khoa Pháp luật kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội nên thầy đã có 10 năm gắn bó với trường, cụ thể là 4 năm đại học và 6 năm làm công tác giảng dạy tính đến thời điểm hiện tại.

Trong những năm là sinh viên HLU, thầy Dũng luôn xuất sắc giành học bổng cao nhất. Thầy chia sẻ: "Điều đặc biệt nhất khi còn sinh viên là lần đầu tiên mình đại diện cho cả khoá phát biểu trong ngày khai giảng. Rồi sau 4 năm học một lần nữa, mình đại diện cho sinh viên phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp ra trường. Đối với bản thân mình, kỷ niệm ấy rất vinh dự và mình cũng chỉ nhớ điều đó thôi".

Giảng viên trẻ cho biết trong tiềm thức, bản thân chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ chọn Đại học Luật nhưng đây là định hướng của gia đình mà người tác động lên thầy nhiều nhất chính là bố. Tuy nhiên, thầy Dũng vẫn luôn biết ơn bố mình vì đã có một quyết định đúng đắn.

Thầy không hề hối tiếc, ngược lại còn rất mãn nguyện về điều đó bởi cho đến thời điểm hiện tại, ngành Y và ngành Luật là 2 ngành được các nước phát triển rất trọng dụng và tất nhiên, Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Những thành tích mà thầy Dũng sở hữu khéo phải dài "hàng mét" mất thôi!

Thêm vào đó, môi trường như Đại học Luật Hà Nội là một cơ hội tốt để thầy phát huy năng lực của mình vừa nghiên cứu pháp luật thực định, vừa có khả năng tiếp xúc với các doanh nghiệp nhiều hơn thông qua hoạt động tư vấn. Môi trường học tập, giảng dạy và làm việc ở bậc đại học thực sự năng động bởi quy tụ nhiều thành phần, đối tượng tham gia học tập cũng như trao đổi nên sẽ nâng cao kinh nghiệm, nhiều cơ hội làm việc hơn.

Thầy Dũng cho hay, bản thân có rất nhiều kỷ niệm ở HLU nhưng nhớ nhất người thầy trực tiếp giảng dạy môn Luật Lao động hồi đó. Đây cũng chính là người đã làm cho giảng viên trẻ cảm thấy có lửa, có nhiệt huyết với môn học này.

“Đó là một người thầy vô cùng nghiêm khắc, đến giờ lớp ổn định trật tự, điểm danh xong rồi mà còn sinh viên vào muộn thì thầy sẽ không điểm danh nữa. Bài giảng của thầy rất hay và cuốn hút cho nên giờ lý thuyết đi muộn là không có chỗ để ngồi. Mặc dù nhiều sinh viên không phải thầy dạy chính nhưng vẫn muốn sang lớp thầy nghe giảng. Vì thế, nếu có tiết mà mình không đến sớm thì sẽ không lựa được chỗ ngồi ưng ý.", thầy Dũng kể lại.

Ban đầu, thầy giáo trẻ muốn trở thành giáo viên dạy các môn tự nhiên bởi cũng từng có một thời oanh liệt với khối khoa học tự nhiên. Mẹ thầy hy vọng con trai sẽ theo Kinh tế nhưng bố lại định hướng cho ngành Luật nên bây giờ thầy làm giảng viên Luật Kinh tế.

Đó phải chăng là "mối duyên may" đưa thầy Dũng với sự nghiệp trồng người? Vừa đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh mà lại thoả mãn đam mê của chính mình, thầy Dũng cũng thích làm việc trong môi trường này vì nó nhiều người trẻ, năng động, theo guồng quay ấy bản thân cũng sẽ giữ được cái gọi là nhiệt huyết.

Mỗi lần lên lớp cùng các bạn sinh viên, thầy Dũng luôn cảm thấy bản thân như đang trẻ ra, đôi khi còn quên mất độ tuổi thật. Với giảng viên trẻ, thanh xuân không phải thời gian mà thanh xuân tồn tại ở cảm xúc bởi vậy động lực duy nhất đến lớp mỗi ngày không gì khác chính là các bạn sinh viên. “Sự trưởng thành của các em là hạnh phúc của mình.", thầy tâm sự.

Trong cuộc sống, thầy giáo điển trai này luôn đặt ra quy tắc riêng cho bản thân. Với thầy, cho và nhận là những yếu tố vô cùng quan trọng. Nhận được yêu thương từ mọi người, từ sự tôn trọng của sinh viên thì bản thân cũng phải đền đáp xứng đáng với tình cảm đó bằng sự tận tâm và nhiệt huyết trong công việc để có những sản phẩm khoa học, những bài giảng hay cống hiến cho các bạn sinh viên, nâng bước cho sinh viên trưởng thành, ra trường.

Thầy Dũng luôn nhận được rất nhiều sự yêu mến từ các sinh viên, không ít lần thầy bị chụp lén.

Với gốc là sinh viên theo khối khoa học tự nhiên và có kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu thực tế ở một số doanh nghiệp, tuy vẫn nhận thấy tầm quan trọng của người thầy trong xã hội hiện đại nhưng giảng viên trẻ quan niệm: "Không trò đố thầy dạy ai? Dưới con mắt của dân Luật Kinh tế, giáo dục bản chất là một dịch vụ mà thầy cô là người cung ứng dịch vụ còn sinh viên là người sử dụng dịch vụ. Bởi vậy, với tư cách của một người cung ứng dịch vụ, giảng viên sẽ đưa ra những dịch vụ mới lạ để sinh viên thích nghe, thích xem, thích học, đam mê tìm hiểu, nghiên cứu”.

Bên cạnh lý thuyết, thầy Dũng cho rằng, giảng viên cần cố gắng đan xen những câu chuyện thực tế vào các giờ giảng, thậm chí chỉ kể chuyện thực tế với sinh viên mỗi khi lên lớp, điều đó sẽ có ích cho công việc của sinh viên nhiều hơn là lý thuyết thuần tuý.

Đa số mọi người nhận xét thầy khá ít nói, thích lắng nghe nhưng tương đối thẳng thắn, chân thành trong các mối quan hệ, đặc biệt với người học. Thầy Dũng mong muốn các bạn sinh viên trong xã hội hiện đại ngày nay, bên cạnh kiến thức chuyên môn thì nên tham gia hoạt động phong trào.

Bản thân thầy cũng từng có tuổi trẻ rực rỡ với các hoạt động ý nghĩa như thi hát, thi học thuật, hoạt động tình nguyện tại HLU. Xuất sắc hơn, thầy  Dũng là một trong những sinh viên đầu tiên của khoá được kết nạp vào Đảng từ năm thứ 3 đại học.

"Mình nghĩ tuổi trẻ chỉ có một lần, sống sao để không hối tiếc thế nên còn trẻ, tay còn khoẻ, chân còn vững, còn muốn đi mình vẫn có thể cống hiến cho cuộc sống, hết mình không hẳn phải vì mục đích nào đó. Tuy nhiên, với sinh viên thì học tập vẫn phải đặt lên hàng đầu, cần cân đối, quản lý quỹ thời gian, cân đối mọi mối quan hệ.", thầy giáo HLU chia sẻ.

Thầy giáo "soái ca" hướng đến một cuộc sống chủ động với thời gian biểu chi tiết, phù hợp để tâm lý tốt hơn, hiệu quả công việc cao hơn. Đam mê duy nhất những lúc rảnh rỗi của thầy là âm nhạc. Một ngày không âm nhạc thì thấy hơi nhạt nhẽo, thầy thích đàn hát tình ca vì cảm giác nó giúp xua tan áp lực công việc, cuộc sống. Ngoài ra, thầy giáo trẻ thi thoảng vẫn đi chơi, du lịch với bạn bè, tự lái xe đi để trải nghiệm cuộc sống một vài ngày, sau đó quay lại công việc, với thầy Dũng lúc ấy chính là những khoảng thời gian cân bằng.

Theo Helino.vn


* Nội dung liên quan: