Hai bạn trẻ chụp hình… tục ngữ, thành ngữ

Từ những câu tục ngữ, thành ngữ Việt Nam đơn điệu về mặt văn bản, hai bạn sinh viên trường ĐH Kiến trúc TP. HCM là Hoàng Ngọc Anh và Xuân Vi đã sáng tạo bằng cách… chụp ảnh, tạo ra những tác phẩm lạ mắt và thú vị với góc nhìn hiện đại của người trẻ.

Hai bạn trẻ chụp hình… tục ngữ, thành ngữ - 1

Bộ ảnh mang tên “Tục ngữ 2020” đã khoác lên mình những câu nói dân gian một vẻ đẹp mới mẻ. Theo hai bạn, thành ngữ, tục ngữ Việt Nam không chỉ là kết quả của tri thức, quan sát mà còn chứa đựng bên trong những câu chuyện, bài học đúc kết kinh nghiệm sống của cha ông trong suốt chiều dài lịch sử. Mỗi câu nói diễn đạt một nhận xét, đánh giá, kinh nghiệm, tâm lý nhằm giáo dục khuyên răn, hướng dẫn con người trong ứng xử.

Đây cũng chính là cảm hứng để Hoàng Ngọc Anh và Xuân Vi tìm kiếm một góc nhìn khác khi làm đồ án môn Nghệ thuật nhiếp ảnh. Tính sáng tạo và mới mẻ của “Tục ngữ 2020”, tên bộ ảnh, là tiêu chí đặt ra khi cả hai bắt tay thực hiện đồ án.

Theo Ngọc Anh, tục ngữ và thành ngữ quá quen thuộc với người Việt, dễ thuộc và dễ ứng dụng trong mỗi giải thích về cuộc sống. Nhưng lâu nay, tất cả chỉ dừng lại ở văn bản, truyền miệng, chưa có nhiều ý tưởng để “sinh động hóa” từng sự đúc kết của cha ông. “Mọi thứ đều có thể trở nên thú vị nếu mình nhìn nhận chúng theo một góc độ mới mẻ”, hai bạn chia sẻ.

Để phù hợp cho việc “chuyển thể” từ văn nói sang nhiếp ảnh, công việc của Xuân Vi và Ngọc Anh là phải tìm và lọc ra những câu thành ngữ, tục ngữ có tính gợi hình cao, hoặc sử dụng các từ tượng thanh tượng hình ấn tượng trong kho tàng hàng ngàn hàng vạn câu. Cả hai khai thác mạnh vào tính tượng hình của tục ngữ, như những câu: “Chuột sa hũ nếp”, “Chọc gậy bánh xe”, “Gắp lửa bỏ tay người”, “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, “Cá lớn nuốt cá bé”...

Hai bạn trẻ chụp hình… tục ngữ, thành ngữ - 2

Khai thác tối đa tính giàu hình ảnh của thành ngữ, tục ngữ. 

Sau khi đã tìm được các câu ưng ý, hai bạn sẽ phác thảo bố cục hình ảnh và tìm kiếm vật dụng phù hợp để minh họa cho câu nói, sắp xếp và chụp ảnh. Cuối cùng là thực hiện phần typographic, làm chuyển động và dàn layout để đăng tác phẩm. Mỗi tác phẩm đều có chú thích bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

 Điểm khác biệt trong bộ ảnh này là không chỉ phần dàn dựng chụp ảnh đúng với nội dung từng câu tục ngữ, mà còn có thêm phần chữ chuyển động. Để xem trọn vẹn bộ ảnh, phải có các thiết bị điện tử, đây cũng chính là mục tiêu của hai bạn nhằm tăng độ tương tác với người xem qua công nghệ. Xuân Vi và Ngọc Anh mất khoảng 2 tháng và thêm 2 tuần cho phần “hậu kỳ”.  

Hai bạn trẻ chụp hình… tục ngữ, thành ngữ - 3

Hậu trường chụp ảnh: "Chọc gậy bánh xe". 

Bộ ảnh này khi được công bố trên Behance khiến người xem thích thú vì sự sáng tạo. Đó là cây nến sinh nhật số 3 nằm dưới nước và bên trên là một cây khác số 7 ("Ba chìm bảy nổi"), hay phía trên quả quýt chín mọng vàng ươm là  ngón tay thon thả với móng nhọn hoắt đang chĩa xuống ("Vỏ quýt dày có móng tay nhọn")...

Hai bạn trẻ chụp hình… tục ngữ, thành ngữ - 4

Theo Xuân Vi và Ngọc Anh, “Tục ngữ 2020” là tính tương phản và giao thoa về nội dung lẫn hình thức, kết hợp giữa phần tĩnh của nghệ thuật nhiếp ảnh với phần động của nghệ thuật chữ tạo nên tương phản, đem đến cho người xem cảm giác sinh động, vui mắt và góc nhìn lạ của người trẻ.

Hai bạn trẻ chụp hình… tục ngữ, thành ngữ - 6

"Ba chìm bảy nổi". 

“Thông qua dự án này, tụi mình muốn truyền tải một góc nhìn khác về tục ngữ, thành ngữ và bằng một công cụ khác là hình ảnh với hi vọng có thể tạo được cảm hứng cho người xem bằng góc nhìn hiện đại và thú vị nhưng vẫn trân trọng vẻ đẹp và ý nghĩa nguyên thủy từng câu nói của cha ông. Từ đó, có thể khai thác các góc nhìn khác về nhiều đề tài văn hóa, lịch sử truyền thống của người Việt bằng các công cụ khác nhau”.

Hai bạn trẻ chụp hình… tục ngữ, thành ngữ - 7

"Gắp lửa bỏ tay người".