Lực lượng hỗ trợ của Bộ Quốc phòng đã tiến hành điểm danh vào lúc 15h chiều 30/10 (giờ địa phương) và thống kê được thiệt hại trên. Hiện 4 người bị thương đang được điều trị tại các bệnh viện quân sự và dân sự.
Quân đội Hàn Quốc cũng đã bố trí 150 thành viên phục vụ của Bộ Tư lệnh Phòng thủ Thủ đô trong tình trạng sẵn sàng hỗ trợ nếu được yêu cầu. Cũng theo thông tin mới nhất từ chính quyền Seoul, số người nước ngoài thiệt mạng trong vụ giẫm đạp này đã tăng lên 22 người.
Với mức độ khủng khiếp của vụ giẫm đạp, Văn phòng Tổng thống Yoon Suk-yeol được đặt ở mức độ phản ứng khẩn cấp để giải quyết hậu quả.
Tổng thống Yoon Suk-yeol đã yêu cầu các bộ liên quan và chính quyền địa phương nỗ lực hợp tác để chăm sóc từng thành viên trong gia đình các nạn nhân và những người bị thương, đồng thời chỉ đạo các quan chức cung cấp thông tin chính xác cho công chúng, nhanh chóng tiến hành công tác xác định danh tính các nạn nhân trong quá trình xem xét các gia đình đang chờ nghe tin tức về người thân của họ và thông báo cho báo chí khi họ đã được xác định danh tính.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông xã hội và các nhà khai thác cổng thông tin trực tuyến ở Hàn Quốc kêu gọi người dùng kiềm chế phát tán các đoạn video đáng lo ngại hoặc thông tin không có căn cứ về vụ giẫm đạp.
Nhà điều hành cổng internet hàng đầu Naver đã đưa ra một thông báo tương tự kêu gọi hạn chế lưu hành các hình ảnh, cảnh quay hoặc bình luận chưa được xác nhận có thể tiết lộ danh tính của các nạn nhân.
Twitter cũng yêu cầu người dùng ngừng đăng lại các bài đăng nhạy cảm về vụ việc.
Trong lịch sử Hàn Quốc đã có những vụ tại nạn thương tâm tương tự xảy ra. Vào ngày 26/1/1960, 31 người thiệt mạng và khoảng 40 người khác bị thương sau khi một đám đông tụ tập để lên tàu tại ga Seoul trước chuyến xuất hành hàng năm cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Vào ngày 11/2/1980, 5 học sinh đã thiệt mạng và 18 học sinh khác bị thương sau khi ngã cầu thang tại một trường tiểu học ở phía nam thành phố Busan khi khoảng 1.000 học sinh cố gắng tham gia một buổi họp mặt.
Vào ngày 16/12/1996, 2 sinh viên đã thiệt mạng sau khi một đám đông người dân đổ xô vào một sân vận động hòa nhạc ở phía đông nam thành phố Daegu để xem một chương trình trực tiếp do một chương trình phát thanh nổi tiếng tổ chức.
Vào ngày 3/10/2005, 11 người thiệt mạng và 145 người bị thương tại một sự kiện hòa nhạc ở Sangju, cách Seoul khoảng 200 km về phía đông nam. Thị trưởng Sangju lúc đó đã bị kết án tù treo 1 năm rưỡi vì tội ngộ sát không tự nguyện trong vụ tai nạn.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hôm nay (30/10) đã gửi lời chia buồn tới các nạn nhân của vụ giẫm đạp tại quận Itaewon của Seoul vào tối hôm qua.
Trên trang Twitter của mình, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết ông "rất sốc và đau buồn" trước vụ tai nạn thương tâm khiến ít nhất 151 người thiệt mạng và 82 người khác bị thương, nhiều người trong số họ ở độ tuổi 20.
Thủ tướng Kishida Fumio đã thay mặt chính phủ và người dân Nhật Bản gửi lời chia buồn chân thành tới các nạn nhân và gia quyến đồng thời bày tỏ sẵn sàng chia sẻ với Hàn Quốc trong thời điểm khó khăn này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản xác nhận cho đến thời điểm chiều nay chưa có thông tin nào về thiệt hại liên quan đến công dân người Nhật Bản.
Trong quá khứ, tại Nhật Bản đã xảy ra một vụ tai nạn tại cầu đi bộ Akashi ở tỉnh Hyogo vào năm 2001 làm 11 người chết và 247 người bị thương khi tham gia lễ hội bắn pháo hoa trên cầu./.