Hiệu trưởng Đại học Đông Đô bị khởi tố về việc mua bán bằng cấp

Tuần qua, Hiệu trưởng Đại học (ĐH) Đông Đô và các cộng sự đã bị khởi tố về việc mua bán bằng cấp trong nhiều năm. Xuất phát từ nhu cầu cần văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ phục vụ cho kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch viên chức, công chức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Bộ Nội vụ,… mà một số trường ĐH, các cá nhân đã bất chấp ‘bán bằng’…


“Học giả, bằng thật”- bao giờ dứt? (Ảnh minh họa)

Bao nhiêu tấm bằng “học giả, bằng thật”?

Có thể nói, mặt trái của các yêu cầu nguyên tắc về bằng cấp của cán bộ công chức, viên chức đã nảy sinh ra một loại tội phạm mới: Tội phạm sản xuất, kinh doanh bằng cấp giả. Công nghệ giả mạo này có khả năng cung cấp cho hàng ngàn, hàng vạn người có ngay bằng trung cấp, bằng ĐH, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ. Đã có thông tin về “chợ” luận văn thạc sĩ giá bèo 15-20 triệu đồng, đủ để có thêm một cán bộ cao học “I tờ” tiếng Anh.

Còn nhớ, Công an Hoàng Mai, Công an quận Bắc Từ Liêm…, Hà Nội đã khám phá một “xưởng” sản xuất văn bằng giả với quy mô công nghiệp. Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2015, “xưởng” sản xuất các loại giấy tờ giả đặt tại quận Hà Đông với rất nhiều thiết bị phục vụ cho việc chế tạo văn bằng giả rồi giao cho mạng lưới tiêu thụ theo thông tin quảng cáo công khai trên mạng xã hội.

Mỗi bộ hồ sơ, giấy tờ giả được bán với giá từ 500.000 đồng đến 25 triệu đồng, tùy từng loại. Khám xét khẩn cấp nơi ở của tên cầm đầu, cơ quan công an phát hiện khoảng 2.000 phôi bằng thạc sỹ, 3.000 phôi bằng ĐH, 5.000 các loại giấy tờ giả… y như thật.

Tuy vậy, các vụ việc bán bằng giả này khó kín kẽ bằng cách kinh doanh bằng ĐH (thật) bán cho sinh viên (giả) của ông Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô vừa bị khởi tố, bắt tạm giam. Cụ thể, nhiều năm qua, dù không được phép đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh, ĐH Đông Đô vẫn liên tục chiêu sinh.

Riêng năm 2018, Hiệu trưởng ĐH Đông Đô là ông Dương Văn Hòa đã công nhận tốt nghiệp và cấp phát bằng cho hàng trăm sinh viên văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. Theo cơ quan điều tra, Hiệu trưởng Hòa “liên kết” với 200 trung tâm, tổ chức bên ngoài cấp (bán) văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh cho những người cần văn bằng ngoại ngữ để hoàn thiện hồ sơ cán bộ mà không cần học.

Để hợp thức hóa sai phạm, Trường ĐH Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần gồm 27 tín chỉ và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong vài ngày. Học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ coi như thi thật để nộp, để chấm, để có điểm trong hồ sơ và sau đó là có bằng tốt nghiệp hợp pháp.

Bởi thế, không cần học, học viên chỉ cần nộp hồ sơ, đóng tiền là đỗ. Để thu hút học viên, Trường ĐH Đông Đô ra thông báo chiêu sinh với những lời giới thiệu hấp dẫn về lợi ích của việc học văn bằng ĐH thứ hai ngành Ngôn ngữ Anh tại trường này, như: được miễn thi môn tiếng Anh trong việc thi tuyển, thi chuyển ngạch công chức, viên chức, thi đầu vào, đầu ra trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên, giảng viên chính, chuyên viên, chuyên viên chính… theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Mức học phí áp dụng đối với loại hình văn bằng 2 tiếng Anh do hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô ký năm học 2018-2019 có mức thu toàn khóa học 29,82 triệu đồng và 35 triệu. Từ năm 2018, Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô đã công nhận 2 đợt tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên văn bằng 2 tiếng Anh.

Theo cơ quan điều tra, việc tuyển sinh nhận hồ sơ tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh của Trường ĐH Đông Đô chỉ là hình thức, học viên khi đã nộp hồ sơ, đóng tiền là đỗ. Với mức học phí mà các học viên đã nộp, các cá nhân liên quan tại Trường ĐH Đông Đô đã thu lợi bất chính hàng tỉ đồng.

Bất chấp đào tạo “chui”

Trên thực tế, không chỉ Trường ĐH Đông Đô mà không ít trường ĐH khác cũng “qua mặt” Bộ GD-ĐT để đào tạo văn bằng hai không phép. Theo Thanh tra Bộ GD-ĐT, qua thanh tra cho thấy Trường ĐH Chu Văn An cũng có hành vi vi phạm tương tự như Trường ĐH Đông Đô.

Hồi tháng 5/2019, thanh tra giáo dục cũng đã thanh tra đột xuất việc đào tạo văn bằng 2 ở Trường ĐH Thành Đô, trong đó tập trung vào việc đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. Theo thông báo tuyển sinh của trường này, với văn bằng ĐH thứ hai ngành Ngôn ngữ Anh, người học được miễn thi môn tiếng Anh trong việc thi tuyển, thi chuyển ngạch công chức, viên chức, thi đầu vào, đầu ra trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên, giảng viên chính, chuyên viên, chuyên viên chính… theo quy định của Bộ GD-ĐT…

Thanh tra giáo dục cho biết hiện chưa có kết luận thanh tra việc đào tạo văn bằng hai ở Trường ĐH Thành Đô.

Theo quy định hiện hành, việc đào tạo bằng ĐH thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD-ĐT hoặc của các ĐH đối với các trường thành viên hoặc khoa trực thuộc. Các cơ sở đào tạo muốn đào tạo văn bằng 2 một ngành nào đó thì phải có văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT hoặc với ĐH nếu là đơn vị thành viên của ĐH.

Vậy vấn đề đặt ra là tại sao quy định chặt chẽ như vậy mà nhiều trường vẫn ngang nhiên đào tạo văn bằng hai không phép từ nhiều năm nay? Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, nơi được giao trách nhiệm quản lý văn bằng, chứng chỉ, cho rằng theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ trong việc cấp phát văn bằng và phải chịu trách nhiệm về việc quản lý và cấp phát văn bằng của mình.

Các cơ sở này phải thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ. Bộ GD-ĐT định kỳ hoặc đột xuất thực hiện việc thanh tra, kiểm tra công tác này của các cơ sở giáo dục ĐH. Ông Trinh cho hay, khi có dấu hiệu về việc Trường ĐH Đông Đô cấp phát văn bằng không đúng quy định, Bộ GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xác minh để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của một số cá nhân có trách nhiệm tại cơ sở giáo dục này.

Lý giải về việc phôi bằng tốt nghiệp mà Trường ĐH Đông Đô cấp cho học viên chính là phôi bằng do bộ GD-ĐT cung ứng, ông Trinh cho hay theo quy định hiện hành các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ in phôi văn bằng, chứng chỉ theo mẫu do Bộ GD-ĐT quy định. Và một số trường do có những khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng nên vẫn nhận phôi bằng từ Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ GD-ĐT giao cho các trường quyền tự chủ, nhưng tự chủ phải đi kèm sự minh bạch, tự chịu trách nhiệm. Tự chủ không có nghĩa là Bộ GD-ĐT để các trường muốn làm gì thì làm mà phải tăng cường thanh tra, giám sát để mọi hoạt động đi vào quy củ, đúng pháp luật…

Điều đáng nói, khi mọi chức danh công chức đều gắn với bằng cấp thì việc “hợp thức hóa” cho đầy đủ văn bằng theo quy định dường như là một câu chuyện dài khó có hồi kết khi mà mặt trái của xã hội luôn là “có cầu” sẽ “có cung”. Và người ta sẵn sàng kinh doanh cả… người thầy…

“ Kiếm tiền trên giáo dục là không ổn”

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học của ngành Giáo dục mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cần tập trung trong năm học mới. Ở khối ĐH, Thủ tướng yêu cầu, đẩy mạnh sắp xếp các trường sư phạm, tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm.

“Các trường sư phạm phải đào tạo sinh viên ra trường thành các nhà giáo dục chứ không phải thành “thợ dạy”; phải gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và bồi dưỡng giáo viên”, Thủ tướng nói và yêu cầu tiến tới các địa phương phải chủ động đặt hàng các trường sư phạm trong việc đào tạo giáo viên cho địa phương mình.

Đáng chú ý, Thủ tướng nêu trực trạng, nhiều trường hiện nay không bảo đảm điều kiện chất lượng, nên có việc hạ điểm chuẩn, “vơ vét” học sinh đầu vào với điểm rất thấp, mượn giáo viên cơ hữu…

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT phải tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường ĐH “có tên mà không có thực, hữu danh vô thực”; trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài, không chấp nhận tình trạng chất lượng giáo dục ĐH thấp”. Cùng với đó là kiểm tra và dừng các ngành đào tạo mà có chất lượng kém, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh nề nếp hơn, “không để tình trạng có bằng nhưng không biết làm việc”.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ban hành cơ chế, chính sách cho các trường ĐH thực hiện tự chủ ĐH; trong đó cần đảm bảo vai trò hội đồng trường đúng thẩm quyền, đúng quy định. Cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm củng cố hội đồng trường, không can thiệp hành chính vào hoạt động của nhà trường nhưng có trách nhiệm kiểm tra giám sát theo đúng quy định.

Theo Thủ tướng, “xã hội hóa là cần thiết nhưng kiếm tiền trên giáo dục là không ổn”. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ trình phải trình Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài; kiểm tra và dừng các ngành đào tạo có chất lượng kém…