Có vô vàn những lý do khiến 2 người chia tay, có thể là bất đồng về tính cách hay đối phương phạm phải sai lầm không thể tha thứ… Dù là lý do gì đi chăng nữa, đó thực sự sẽ là một tổn thương rất lớn. Nhiều người sẽ luôn nhớ về khoảng thời gian hạnh phúc trước đây, cảm thấy thật khó có thể buông bỏ mối quan hệ này trong một sớm một chiều.
Sau khi suy nghĩ, đau khổ nhiều ngày, họ cảm thấy mình không thể sống thiếu đối phương, quyết định giải hòa, quay lại yêu nhau từ đầu. Người ta đặt cho nó một thuật ngữ mỹ miều là "gương vỡ lại lành".
Nếu 2 người yêu nhau sâu đậm, khi chia tay và muốn quay lại với nhau, liệu cả 2 sẽ vẫn như cũ? Nhưng hiệu ứng “cửa sổ vỡ” chứng tỏ rằng, sẽ không khôn ngoan nếu bạn quay trở về với người mình từng yêu sâu đậm.
Hiệu ứng “cửa sổ vỡ” là gì?
Một mảnh kính của cửa sổ bị ai đó làm vỡ, nếu không nhanh chóng sửa chữa kịp thời, sẽ có nhiều kẻ phá hoại khác đến đập những tấm kính khác trong tòa nhà.
Một bức tường sạch sẽ bị ai đó vẽ bậy một góc, nếu không nhanh chóng sơn sửa lại, chẳng bao lâu bức tường sẽ bị người ta tô vẽ đủ thứ hình bậy bạ lên.
Một thùng rác đầy chưa kịp đổ, nếu để nguyên như vậy mà không có ai dọn dẹp, người ta sẽ tranh thủ đổ bừa bên cạnh.
Hiện tượng này gọi là hiệu ứng “cửa sổ vỡ” trong tâm lý học. Nó đề cập đến tâm lý của con người. Khi một cái cửa bị vỡ đầu tiên mà không được ngăn chặn hay sửa chữa, mọi người sẽ tiếp tục phá vỡ các cửa ra vào khác một cách vô thức.
Hiệu ứng này trong tình yêu như thế nào?
“Cửa sổ vỡ đầu tiên” thường là điểm khởi đầu cho một sự việc xấu đi. Ví dụ, một người lần đầu tiên phản bội tình cảm của mình, nửa kia không thực hiện bất kỳ biện pháp trừng phạt nào và chọn cách tha thứ nhẹ nhàng. Sau đó, họ sẽ nghĩ rằng nếu mình có làm việc gì đó quá đáng lần sau thì cũng sẽ được tha thứ.
Sự tan vỡ cuối cùng của một mối quan hệ không phải là một quyết định đột ngột. Khi vấn đề chưa được giải quyết, mà bạn lại chọn sự tái hợp, sau này những sai lầm tương tự sẽ lặp lại như cũ.
Sở dĩ khi chia tay, 2 người có lẽ tồn tại một lý do nào đó không thể hàn gắn, không thể khắc phục được. Vì vậy, khi vấn đề cốt yếu nhất vẫn chưa được giải quyết, mà bạn đã muốn ghép lại như cũ, liệu mọi việc có tốt đẹp lên không?
Giữa 2 bạn đã tồn tại mâu thuẫn, nếu tiếp tục ở bên nhau vẫn sẽ xảy ra những cuộc cãi vã, thậm chí là thất vọng tràn trề sau hy vọng. Điều này sẽ khiến bạn mất đi sự kỳ vọng đáng lẽ phải có trong tình yêu.
Có một câu thoại như thế này trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc "Nhiệt độ tình yêu": “Xác suất 2 người tái hợp sau khi chia tay là 82%, nhưng chỉ 3% trong số họ có thể đi đến cuối cùng sau khi tái hợp. 97% lý do vì chia tay lần nữa thực sự giống như lần đầu”.
Cho dù tình cảm có sâu đậm đến mấy, chẳng có cách nào quay lại quá khứ để thay đổi. Việc bạn cần làm là dọn dẹp cảm xúc tiêu cực của mình, dũng cảm đối mặt với mối quan hệ tiếp theo. Suy cho cùng, cuộc sống vẫn luôn phải hướng về phía trước.
Có rất nhiều thứ chẳng thể khôi phục lại như cũ, nhưng thời gian sẽ làm phai nhòa dần những cảm xúc đau đớn này. Đến một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra, nỗi đau mà mình từng trải qua trong tình yêu hóa ra chẳng phải là một điều gì đó quá ghê gớm.