Hỡi ông chủ X, ra rả chuyện đạo đức nhưng thiện lành thật sự thì dành cho ai?

Ông đã làm đúng trách nhiệm của một người chồng, một người cha chưa? Sao không thấy ông nhắc đến điều này khi nói về mối liên hệ giữa hướng thiện và đạo đức?

Nói chuyện đạo nghĩa thì ai chẳng nói được, nhưng hành xử ra sao mới là chuyện đáng bàn. Khoan nói chuyện phân chia tài sản rồi lợi ích thiệt hơn, khoan nói chuyện ai xứng đáng điều hành tài sản chung rồi tương lai con cái..., hãy nói về một vụ chia tay giữa một người chồng và một người vợ, nói về cái lý, cái tình trong một câu chuyện của quá khứ. Đã từng có thời điểm “thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn” để rồi giờ đây lại biến thành một cuộc chia tay chi phối bởi đồng tiền khi chẳng còn tình cảm với nhau.

Ai đúng ai sai, thiên hạ chẳng có tư cách bàn. Chuyện của họ thì tự họ mới tỏ, đi đến bước đường này hẳn ai cũng có một phần gây ra, nhưng xét cho cùng thì sự thiện lành mà người đàn ông đó vẫn ra rả trên mặt báo, trong các phát ngôn, những ngôn từ duy mỹ mà ông nói ấy, mục đích để dành cho ai?

Chắc chắn không phải là người vợ 20 năm đã từng dành cả thanh xuân, sức lực và tuổi trẻ để ở bên ông, để ngày hôm nay ông có trong tay khối tài sản kếch xù cùng 4 đứa con rồi đứng đó nói về đạo lý, về cách làm người, để át đi một người phụ nữ sồ sề vì kinh qua sinh đẻ, những nét đẹp còn sót lại qua thời gian cũng đã phai tàn nhiều sau những lần nâng lên đặt xuống trong các phiên tòa, chỉ mong muốn ôm lấy tất cả những gì có thể và 4 đứa con sau khi đã mất một tình yêu to lớn nhất và người chồng đã không còn thuộc về mình.

Nếu ai thấy lời của ông hợp tình hợp lý, chắc là họ đã bị đánh lừa. 

Chẳng biết ông tu được những gì, hay thấy được những điều ghê gớm gì sau 5 năm tu tập. Nhưng những gì ông làm với vợ con, nếu là một người gần gũi với quan điểm về lương tri và đạo đức chắc chắn sẽ cười nhạt với ông, rằng ông chỉ được cái mồm!

Nói chuyện đạo đức để làm gì? Khi mà bỏ biền biệt vợ con suốt 5 năm trời như một tu sĩ không vướng chuyện đời người? Ngần ấy năm, vợ con ông sống thế nào? Ông nói nhà không thiếu tiền, các con có giúp việc chăm, có bạn bè ông lo, vậy ông làm gì cho họ? Còn vợ ông, ông nhờ ai chăm sóc cô ấy? Đã bao giờ ông suy nghĩ đến việc, là một người chồng, mình đã đem những gì đến cho vợ, hay là để mặc cô ấy với đống bùng nhùng công việc và con cái để rồi biệt tăm cả gần nửa thập kỷ?

Chẳng có tiền bạc nào an ủi được cảm xúc của con người. Ông nói ông không động đến tiền, vợ ông có cần quá nhiều tiền như thế? Suốt 5 năm để đổi lấy một sự quay lưng, có người phụ nữ nào chịu đựng nổi giá lạnh ấy? Chẳng có! Kể cả những người phụ nữ sắt đá nhất trên đời!

Ông đã làm đúng trách nhiệm của một người chồng, một người cha chưa? Sao không thấy ông nhắc đến điều này khi nói về mối liên hệ giữa hướng thiện và đạo đức? Có khi nào ông nhận ra những giá trị to lớn chưa chắc ai đã hiểu mà quên mất cách làm chồng, làm cha, quên mất cách phải quan tâm đến vợ con như thế nào?

Thế rồi ông phủ nhận trắng dáng dấp của người vợ đã bên ông suốt 20 năm. Một sự phủ nhận mà ắt hẳn trong địa vị của người từng “đầu gối má kề” đang đứng đối diện ông kia sẽ cảm thấy chua chát lắm.

20 năm để từ một cậu trai nhà nghèo với hai bàn tay trắng trở thành một người đàn ông sở hữu khối tài sản đáng mơ ước. Nhưng 20 năm để từ một cô gái xinh đẹp xuất thân giàu có trở thành một người phụ nữ sồ sề, sắc đẹp phai đi theo thời gian tàn nhẫn. Ắt hẳn, người phụ nữ ấy chỉ mong muốn một gia đình và người chồng vẫn như ngày xưa, khi chẳng nói quá nhiều những chuyện phi thường, mà vẫn ngọt ngào như thành quả là 4 người con.

Người thông minh, xinh đẹp lựa chọn dành cả thanh xuân để ở bên ông lúc ông chẳng có xu nào rồi cả khốn khó, sóng gió mãi cho đến hôm nay. Ông có một tập đoàn, có 1 gia đình, có cả 4 đứa con, ông có thử nghĩ lại xem những lúc khó khăn ai ở bên ông, những lúc đói khổ ai chịu cùng ông? Bây giờ chuyện tranh giành tài sản, có dã tâm hay không chưa bàn, nhưng chắc chắn ngày xưa người ta lấy ông, người ta từng một lòng với ông.

Phụ nữ là cái kiểu lúc nào cũng mong muốn hy sinh được gì cho chồng con thì cứ hy sinh, tiền nong chẳng toan tính bao giờ. Lúc chồng hoạn nạn chẳng lẽ không chìa ra giúp đỡ. Vậy mà giờ ông bảo tất cả là không đúng sự thật. Vậy cái gì mới đúng sự thật đây?

Nói chuyện đạo lý nhiều chắc hẳn ai nấy cũng đau đầu. Nhưng xét cho cùng thì tu tập cũng là để tâm hồn thanh thản, để hướng thiện và lan tỏa cái thiện đến mọi người, để bảo vệ những người xung quanh và biết yêu thương họ chứ không phải lôi nhau ra tòa, gay gắt buộc tội người đã từng gần gũi nhất với mình rồi nói kiểu sáo rỗng đâu đâu.

Thực tâm ai cũng đều tổn thương cả, chẳng ai nói ông không đau lòng. Thôi thì tu tập là học cách buông bỏ và chấp nhận, thì đừng gieo cho nhau thêm nỗi đau.../.