Việc người dân không chịu phân loại rác thải theo quy định đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác xử lý rác thải. Ở Việt Nam chỉ còn cách chôn lấp để xử lý.
Thời gian vừa qua, liên tiếp các vụ việc người dân chặn xe vào bãi rác diễn ra trên nhiều địa phương, từ Hà Nội đến Đà Nẵng. Đây quả là một nghịch lý khi khu xử lý rác thải lại bị người dân phản đối, xử lý rác nhằm bảo vệ môi trường nhưng lại gây ô nhiễm môi trường.
Do ảnh hưởng từ việc người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn, chỉ mấy ngày không có người tới thu gom rác, dọc đường Hà Nội đâu đâu cũng thấy rác chất đống, bốc mùi khủng khiếp. Nhiều gia đình ở mặt đường, cửa không kín là cả ngày đêm không thể nào thở nổi. Nhất là vào những ngày nắng nóng, không khi càng trở nên ngột ngạt, bức bối.
Rác mới chỉ để ngoài đường 1-2 ngày mà người dân thành phố đã không thể chịu được. Vậy mà bao người dân sống ở gần bãi rác từ nhiều năm nay vẫn phải ngày này qua tháng khác chấp nhận. Vì lẽ đó, việc người dân khu vực bãi rác Nam Sơn hay Khánh Sơn chặn xe vào bãi rác cũng đáng được thông cảm lắm chứ?
Rác thải là vấn đề cực kỳ nan giải. Rất nhiều nơi, người dân đã phải khốn đốn vì rác, chỉ biết than trời và chấp nhận sống chung với rác dù nhiều nguy hiểm đến sức khỏe. Vậy nên, việc họ phản ứng cũng là lẽ đương nhiên. Không ai muốn sống chung với rác cả. Họ bây giờ đang khổ ra sao khi phải chung sống với hàng nghìn tấn rác ngay cạnh nhà của mình? Con cái họ ăn uống có bị nhiễm độc hay không? Ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào? Chúng ta không chịu được sao bắt họ phải chịu?
Ở đây, không đơn giản chỉ là việc giải quyết, đền bù của chính quyền thành phố với người dân ở bãi rác. Chúng ta cần những giải pháp căn cơ và lâu dài hơn mới mong xử lý được tận gốc rễ vấn đề này. Lượng rác thải đang ngày một lớn do gia đình, quán xá, nhà hàng, khách sạn... xả quá nhiều mỗi ngày. Không thể cứ trông chờ vào quá trình thu gom và xử lý như những gì đã tồn tại suốt bao năm qua.
Chôn lấp rác thải quá tốn kém và gây ra hệ lụy rất xấu cho nguồn nước và môi trường xung quanh về lâu dài. Chúng ta phải có công nghệ xử lý rác thải tiên tiến mà quan trọng nhất là tái chế. Nhưng trước khi nghĩ đến chuyện xử lý rác thải thế nào, mỗi người cần phải thay đổi nhận thức về việc phân loại rác. Người Việt mình chưa có thói quen phân loại rác. Rác các loại chỉ cần cho vào túi vứt đi là xong, ai dọn, ai chuyển, xử lý như thế nào không cần biết. Đó là lí do chúng ta vẫn chỉ biết mang rác đi chôn lấp. Hậu quả, chúng ta đã và đang phải trả giá cho tất cả những thói quen hàng ngày của mình.
Đã đến lúc phải nghiêm túc với thói quen phân loại rác và các quy trình xử lý tại các gia đình trước khi đổ rác, hạn chế lượng rác thải và thời gian đổ rác... như cách thực hiện quy trình 4.0 của các nước bạn trong xử lý rác, đấy chính là biểu hiện cho một thành phố thông minh. Nếu không thì sẽ không có ngân sách nào đáp ứng nổi và không có khu đất nào có thể xử lý hết được rác thải, và khi ấy người Việt sẽ ngập trong rác, ô nhiễm môi trường, không khí, nguồn nước, bệnh tật phát sinh...
Chúng ta đang gánh chịu hệ quả tất yếu của việc quá chú trọng đến phát triển cầu, đường, nhà cửa, công trình, đô thị... mà quên mất vấn đề môi trường, đặc biệt là khâu xử lý rác thải vẫn đang còn nhức nhối. Phát triển kinh tế là tốt nhưng không quan tâm đến môi trường sống thì sẽ chẳng còn giá trị gì nữa. Hành động của chúng ta ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng tới không chỉ chính chúng ta mà còn quyết định tương lai của thế hệ trẻ sau này. Hàng chục năm ăn ngủ với rác là quá đủ rồi, người Việt cần chung tay thay đổi bằng hành động cụ thể chứ không chỉ là những lời nói suông.