Dù đã chi tiêu cực kỳ tiết kiệm nhưng cặp vợ chồng trẻ này dù mới kết hôn vẫn tiêu mỗi tháng khoảng 19/25 triệu đồng tổng thu nhập và chỉ để dành được 7 triệu đồng.
Nhắc tới vấn đề chi tiêu của gia đình mình, cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Ngọc và Thúy Ngân (28 tuổi) ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội đều lắc đầu nhăn nhó. Họ cho rằng giờ chưa có con cái đã tiêu pha tốn kém rồi thì không biết sau này có con, liệu họ có đủ tiền để nuôi con không.
Vợ chồng Ngân - Ngọc đều làm việc nơi công sở, tổng thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng được khoảng 25 triệu đồng/tháng. Họ không sống ở trung tâm thành phố mà ở Chương Mỹ, một huyện ngoại thành cách nơi đi làm hàng ngày của hai vợ chồng khoảng 20 km.
"Vợ chồng mình mới cưới 7 tháng này. Nhà chồng mình chỉ có bố mẹ chồng và 2 vợ chồng mình. Vậy mà tháng nào chi tiêu của 2 vợ chồng đều không dưới 18 - 19 triệu đồng. Nhiều lúc mình còn không hiểu mình tiêu pha gì mà tháng hết nhiều tiền đến như vậy.", Ngân than thở.
Theo bà vợ trẻ này chia sẻ, mỗi khi vợ chồng lấy lương về thì Ngân sẽ đưa mẹ chồng tiền đi chợ là 7 triệu đồng/tháng. Hàng ngày do đi làm xa nên vợ chồng Ngân ăn cơm nhà bữa trưa và bữa tối. "Sáng ra lúc nào mẹ chồng cũng nấu cơm và thức ăn cho 2 vợ chồng mình bỏ hộp mang cơm theo đi làm để ăn trưa. Còn tối thì cả nhà ăn cơm chung với nhau. Mẹ chồng mình nấu ăn ngon, lại biết thu vén nên bữa nào cũng đa dạng và ăn rất ngon miệng.", Ngân chia sẻ.
Tiền điện nước, mạng, cáp hai vợ chồng lo, mỗi tháng chi 2 triệu đồng. Đó mới chỉ là tính trung bình hàng tháng, còn thực tế những tháng mùa hè có tháng nhà Ngân hết 1,5 - 1,8 triệu đồng tiền điện. Mùa đông không dùng điều hòa thì tiền điện rẻ nhất cũng hết khoảng 900.000 đồng/tháng.
Mỗi tháng, vợ chồng trẻ này biếu thêm bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng một khoản nhỏ để bố mẹ có tiền tiêu vặt, khoảng 3 triệu đồng. Tiền xăng xe của vợ chồng thì rơi vào khoảng 1 triệu đồng. Do nhà Ngân cả hai vợ chồng đều đi làm xa nên tiền xăng xe của hai vợ chồng đợt xăng chưa giảm giá cũng hết khoảng 500.000 đồng/người.
Tiền ăn sáng, tiêu vặt và điện thoại 2 vợ chồng là 3 triệu đồng. Mỗi ngày đến chỗ làm rồi vợ chồng Ngân mới tranh thủ ăn sáng để đề phòng nhỡ đường tắc, đi làm muộn. "Hôm thì vợ chồng mình ăn bún, phở, miến, hôm thì ăn xôi, bánh mỳ kẹp thịt. Thế là tiền ăn sáng cũng tốn 1 khoản. Chưa kể tiền tiêu vặt mua cái nọ, cái kia nhỏ nhặt, hoặc gọi đồ ăn vặt.", Ngân cho biết.
Ngoài ra, tiền hiếu hỉ, thăm người ốm, sinh con mỗi tháng cũng tốn trung bình 3 triệu đồng. Có tháng khoản này chỉ hết khoảng 1 - 2 triệu đồng nhưng cũng có tháng lại hết 3 - 4 triệu đồng. "Tiền này bao gồm các khoản đối nội, đối ngoại như đám cưới người thân họ hàng, thăm gái đẻ, ma chay, giỗ chạp, người ốm... Tất tật các thứ cũng hết khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng.", bà vợ trẻ nói.
Nhận xét về mức chi tiêu của gia đình mình, Ngân than thở: "Nhiều lúc 2 vợ chồng cũng lo ngay ngáy vì chi tiêu như thế này mà sắp tới chuẩn bị có con nữa thì không biết là sẽ thế nào. Tuy nhiên, mình không biết cắt giảm từ đâu để tiết kiệm chi phí hàng tháng nhiều hơn. Hiện mỗi tháng chỉ dư khoảng 7 triệu đồng bỏ tiết kiệm. Tính chi li ra, vợ chồng mình cũng không có tiêu hoang...
Nghĩ đến chi tiêu mỗi tháng mà mình chóng hết cả mặt. Thu nhập như vậy mà chỉ để dành được 7 triệu đồng! Đó là chưa kể bố mẹ chồng chưa già cả ốm đau, bệnh tật và cũng không phải đi thuê nhà".
Theo Kenh14.vn