Dù nhặt được 1.000 đồng hay tài sản trị giá 150 triệu đồng, học sinh Trường tiểu học Giồng Găng (xã Tân Phước, H.Tân Hồng, Đồng Tháp) đều trả lại cho người đánh rơi.
Trường tiểu học Giồng Găng, nơi có nhiều học sinh không tham của rơi
Cuốn sổ nhật ký theo dõi gương “Nhặt của rơi” đặt tại phòng truyền thống của trường ghi đầy đủ họ tên và thời gian học sinh (HS) nhặt tài sản mang đến nhờ trường trả lại.
Hoàn cảnh khó khăn nhưng nhặt của rơi đều trả lại
Ngày 11.9.2017, có 5 HS các lớp 2, 3, 4 nhặt được 25.000 đồng; ngày 29.9.2017 có 5 HS mang đến nhờ trường trả lại 123.000 đồng... Tất cả đều được trường ghi vào sổ theo dõi, qua 2 năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019 có trên 170 lượt HS nhặt được 3 điện thoại, hơn 4 lượng vàng 24K, trên 500.000 đồng tiền mặt và trả lại cho người đánh rơi.
Thầy Huỳnh Văn Quang, Tổng phụ trách Đội của Trường tiểu học Giồng Găng, cho biết: “Đa số HS có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí nhiều em đi học không có tiền ăn quà bánh. Thế nhưng khi nhặt được 1.000 đồng hay vài chục ngàn các em đều mang đến trường nhờ trả lại”.
Tài sản có giá trị nhất mà HS trường nhặt được là 4 lượng vàng 24K của chị Lê Thị Hồng (ngụ xã An Phước, H.Tân Hồng) đánh rơi vào chiều 28.12.2018 tại sân trường. Hai em Huỳnh Thị Như Ý, Nguyễn Thị Ngọc Ý (cùng học lớp 3A) đã nhặt được số vàng trên, ngay lập tức các em báo phụ huynh đến nhờ trường tìm người đánh rơi trả lại.
Ngọc Ý và Như Ý cùng thầy hiệu trưởng và cô chủ nhiệm. ẢNH: TRẦN NGỌC
Giáo dục bài học về giá trị của sức lao động chân chính
Để HS của trường có những nghĩa cử đẹp như thế, ban giám hiệu và tập thể giáo viên nhà trường đã tập trung giáo dục cho các em bài học về giá trị của sức lao động chân chính để tạo ra tài sản cho bản thân, tuyệt đối không được tham của cải do người khác tạo ra. Từ việc chỉ thỉnh thoảng mới có HS trả lại của rơi, đến nay việc này đã trở thành phong trào tại Trường tiểu học Giồng Găng.
HS Nguyễn Thị Ngọc Ý nói: “Em được thầy cô và ba mẹ dạy nhặt được của rơi thì phải trả lại, vì tài sản của người khác làm cực khổ mới có được. Đây là việc nên làm, không chỉ em mà nhiều bạn khác trong trường cũng làm như thế”.
Đối với tài sản HS nhặt được và mang đến nhờ tìm người trả lại, Trường tiểu học Giồng Găng quản lý công khai, minh bạch và ghi vào sổ nhật ký nên được giáo viên và phụ huynh ủng hộ. Sau khi ghi vào sổ theo dõi, Tổng phụ trách Đội sẽ thông tin về tài sản tiếp nhận của HS mang đến trên loa phát thanh nội bộ để người đánh rơi đến liên hệ nhận lại. Nếu không có người nhận tài sản, trường sẽ lưu giữ, sau đó trích ra mua quần áo tặng HS nghèo đang học tại trường. Trong 2 năm học gần đây, từ số tiền HS nhặt được nhưng không có người nhận, trường đã trích ra 400.000 đồng mua 4 bộ quần áo tặng cho HS nghèo.
Bên cạnh đó, để kích thích phong trào HS nhặt của rơi trả lại cho người bị mất, nhà trường luôn kịp thời tuyên dương bằng nhiều hình thức như: Tuyên dương trong chương trình phát thanh Măng non, trong buổi chào cờ đầu tuần, nêu gương trong giờ sinh hoạt lớp. Đối với HS trả lại tài sản nhặt được có giá trị lớn, ngoài việc tặng giấy khen, khen thưởng đột xuất, trường còn đề nghị Hội đồng Đội huyện khen khích lệ và làm báo cáo đề xuất Phòng GD-ĐT đề nghị Sở GD-ĐT khen thưởng. Điển hình là Như Ý và Ngọc Ý nhặt được số vàng trị giá gần 150 triệu đồng, sau khi được khen thưởng và nêu gương ở trường đã được nhận giấy khen của Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp và được Huyện ủy Tân Hồng biểu dương.
Nhân rộng mô hình
Ông Đặng Thành Nam, Phó phòng GD-ĐT H.Tân Hồng, cho biết: “Trường tiểu học Giồng Găng gần đây đã triển khai cho HS thực hiện tốt trả lại tài sản cho người đánh rơi. Trong năm học tới, phòng sẽ đề nghị trường báo cáo cụ thể cách triển khai để nhân rộng các trường học trực thuộc trên địa bàn để góp phần giáo dục đạo đức HS”.