Làn sóng di cư trái phép vào châu Âu gợi nhớ những câu chuyện bi thảm

Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, số vụ vượt biên trái phép vào Liên minh châu Âu đã lên mức cao nhất kể từ năm 2016.

Làn sóng nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu lúc này gợi nhớ những chuyện bi thảm đã xảy ra cách đây 7 năm. Vẫn những dòng người từ châu Phi và Nam Á liều mạng sống, vượt biển, băng rừng, tìm mọi cách vào được lãnh thổ Liên minh châu Âu. Vẫn những bất đồng giữa các nước châu Âu về chia sẻ gánh nặng, phân bổ nhập cư…

Ông Matteo Piantedosi - Bộ trưởng Nội vụ Italy cho biết: "Những người di cư bị kẹt trên biển lâu như vậy không phải do chúng tôi, mà vì thời tiết biển xấu đi. Nhưng tôi cũng muốn nhắc lại rằng, trách nhiệm cũng thuộc về những con tàu treo cờ nước khác, vớt người tị nạn rồi đưa về nước chúng tôi".

Ông Gerald Darmanin - Bộ trưởng Nội vụ Pháp nói: "Nước Pháp lấy làm tiếc rằng Italy đã không hành xử như một quốc gia châu Âu có trách nhiệm. Việc quản trị các dòng di cư là một vấn đề chung tác động đến tất cả chúng ta, cần giải pháp nhất quán của toàn bộ châu Âu".

Làn sóng di cư trái phép vào châu Âu gợi nhớ những câu chuyện bi thảm - Ảnh 1.

Làn sóng di cư lúc này không chạy trốn chiến tranh ở quê nhà như cách đây 7 năm, mà vì hệ lụy gián tiếp của một cuộc chiến khác. Lương thực đắt đỏ, lạm phát phi mã, khủng hoảng kinh tế… chưa xong covid lại tới chiến sự Ukraine. Tình cảnh của người nghèo ở châu Phi và Nam Á thêm trầm trọng. Dòng người Maroc, Algeria, Libya, Tunisia vượt biển sang Tây Ban Nha và Italy. Hoặc bay tới Serbia, nhập với dòng người từ Syria, Afghanistan, Pakistan và Ấn độ băng rừng sang, tìm cách lọt vào Hungary để tìm đường tới Đức và Anh. Khu vực Balkan hiện là con đường phổ biến nhất của người nhập cư bất hợp pháp.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói: "Chúng ta phải đẩy tuyến phòng thủ càng xa về phía nam càng tốt. Bây giờ biên giới phía Nam châu Âu chính là biên giới Serbia - Hungary. Như vậy không tốt cho Serbia và cả chúng tôi".

Các nước châu Âu cũng đang lo ngại một làn sóng tị nạn khác từ phía Đông. Ba Lan đang xây hàng rào thép gai dọc theo biên giới Nga và Belarus.

Ông Mariusz Kaminskin - Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan cho biết: "Chúng tôi phải đề phòng các kịch bản khác nhau có thể xảy ra. Đã từng xảy ra chuyện dồn người tị nạn ở biên giới chúng tôi để tạo bất ổn, tạo thêm dòng di cư bất hợp pháp vào châu Âu".

Làn sóng di cư trái phép vào châu Âu gợi nhớ những câu chuyện bi thảm - Ảnh 2.

Sau khủng hoảng tị nạn 2016, Liên minh châu Âu đã thiết lập cơ chế chia sẻ gánh nặng di cư, theo đó các nước tự nguyện nhận về một số lượng người nhất định, những nước không nhận thì phải đóng góp tài chính. Những gì đang xảy ra từ mấy tháng nay cho thấy, cơ chế đó chưa đủ ràng buộc để cải thiện tình hình.

Các nước châu Âu đã nhất trí được về một cơ chế phân bổ người tị nạn để giảm tải cho các nước Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp, Chypres và Malta, là nơi dòng người tị nạn xâm nhập châu Âu. Cơ chế đó khuyến khích các nước thành viên Liên minh châu Âu tự nguyện nhận về một số lượng người nhất định, nước nào không muốn nhận người thì phải đóng góp bằng tiền. Nhưng cơ chế đó chưa có dịp triển khai thì xảy ra đại dịch, dòng di cư sụt giảm.

Từ mấy tháng nay tái diễn cảnh người tị nạn dồn đến Italy, các trại tạm cư quá tải, cho thấy cơ chế tự nguyện đó có thể có tác dụng nếu có nhiều thời gian, chứ không thể đáp ứng tình huống khẩn cấp. Từ đầu năm nay có khoảng 88.000 người tị nạn tràn vào Italy, nhưng cơ chế ấy mới chỉ tái định cư được cho 164 người.

Làn sóng di cư trái phép vào châu Âu gợi nhớ những câu chuyện bi thảm - Ảnh 3.

Mâu thuẫn xung quanh dòng di cư trái phép không chỉ là giữa các nước châu Âu, mà còn giữa các nước châu Âu và Anh.

Suốt từ khủng hoảng tị nạn năm 2016 tới nay, các nước châu Âu vẫn chưa thể nhất trí được về chính sách nhập cư chung, chưa có một quy tắc nào có tính chất ràng buộc. Vấn đề không chỉ ở các nước châu Âu, một số nước Đông Âu như Ba Lan và Hungary nhất quyết từ chối người tị nạn châu Phi và Nam Á, mà còn tùy thuộc cả vào ý muốn của người nhập cư trái phép, không phải nước châu Âu nào tiếp nhận cho định cư họ cũng đồng ý, mà phải là ở Anh, Đức chẳng hạn. Rồi vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận ở các kỳ họp tiếp theo tại đây, nhưng khó có thể sớm tìm giải pháp cho một vấn đề mà từ 7 năm nay chưa thể giải quyết.

Giới chức châu Âu cảnh báo, dòng người di cư trái phép tới châu Âu còn tiếp tục tăng mạnh trong năm tới. Giữa lúc hàng loạt khó khăn bủa vây, như lạm phát tăng cao, khan hiếm năng lượng, đời sống người dân bấp bênh, giới lãnh đạo EU phải tiếp tục đau đầu xử lý hệ lụy của cuộc khủng hoảng di cư, nhất là những áp lực về mặt an ninh và an sinh xã hội.