Trung tâm địa chấn châu Âu - Địa Trung Hải (EMSC) cho biết rạng sáng 23/4 đã ghi nhận 2 trận động đất liên tiếp làm rung chuyển quần đảo Kuplauan Batu của Indonesia. Trận động đất thứ nhất có độ lớn 6,1 với tâm chấn ở độ sâu 43 km. Trận động đất thứ hai có độ lớn 5,8 với tâm chấn ở độ sâu 40 km.
Động đất tại Cianjur, Tây Java hồi tháng 11/2022 khiến hàng trăm người thiệt mạng, nhiều nhà cửa hư hại.
Trước đó, chiều 22/4, một trận động đất có độ lớn 6,4 xảy ra ở ngoài khơi tỉnh Đông Nam Sulawesi của Indonesia. Tâm chấn động đất ở độ sâu 32 km dưới đáy biển. Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa Vật lý Indonesia (BMKG) cho biết đây là trận động đất tương đối nông, xảy ra do sự đứt gãy, chuyển động trượt ngang ở biển Banda.
BMKG đã ghi nhận 2 dư chấn sau động đất với độ lớn mạnh nhất là 5,5. Cùng ngày 22/4, tỉnh Bắc Maluku của Indonesia rung chuyển bởi trận động đất có độ lớn 5,0. Theo Trung tâm BMKG, động đất do hoạt động đứt gãy địa chất khu vực Sorong - Nam Sula.
Đến nay, chưa có báo cáo về thiệt hại do các trận động đất. Nhà chức trách Indonesia không ban bố cảnh báo sóng thần. Tuy nhiên, BMKG đề người người dân ở các khu vực ảnh hưởng động đất kiểm tra lại các tòa nhà, nếu phát hiện dấu hiệu nứt vỡ thì không được vào bên trong. Người dân được yêu cầu bình tĩnh.
Một số nhà khoa học Indonesia gần đây cho rằng Indonesia cần đề phòng các trận động đất mạnh xảy ra liên tiếp, trong đó đứt gãy chia thành nhiều đoạn và đứt gãy này liền kề với đứt gãy khác. Việc đứt gãy tiếp tục hoạt động với chuyển động trượt ngang có thể gây ra những trận động đất thảm khốc và phức tạp. Hiện tượng tương tự đã từng xảy ra trong chuỗi động đất trên đảo Lombok của Indonesia vào năm 2018, khi đảo này rung chuyển bởi 5 trận động đất mạnh chỉ trong vòng 3 tuần, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, phá huy nhiều nhà cửa.
Các nhà khoa học kêu gọi Indonesia cần có một nghiên cứu tổng thể để tìm hiểu về hàng loạt khu vực đứt gãy địa chất trượt ngang trải dài Indonesia như đứt gãy Great Sumatra, đứt gãy Palu-Koro chạy từ phía Bắc xuống phía Nam đảo Sulawesi; các đứt gãy Matano, Cimandiri, Opak, Gorontalo, Sorong...
Nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương - nơi các mảng kiến tạo địa chất va chạm, Indonesia thường xuyên hứng chịu các trận động đất, sóng thần. Năm 2004, thảm họa “kép” động đất, sóng thần đã xảy ra ở tỉnh Aceh trên đảo Sumatra khiến hơn 180.000 người dân Indonesia thiệt mạng. Đây được coi là thảm họa tự nhiên tang thương nhất trong lịch sử Indonesia.