Việc virus covid-19 đang lây lan mạnh mẽ tại nhiều thành phố ở châu Âu, trong đó có các kinh đô thời trang như Milan hay Paris, đang khiến ngành công nghiệp này hoàn toàn bị tê liệt.
Cứ hai lần mỗi năm, các nhà mốt xa xỉ trên thế giới lại trình bày những trang phục may sẵn cho mùa tới. Điều này tạo ra một thế giới riêng của những nhà bán lẻ, phóng viên thời trang, người có ảnh hưởng trên Instagram, khách hàng giàu có và các chuyên gia PR, tất cả sẽ đi từ New York đến London rồi Milan và cuối cùng là Paris.
Năm nay, đội quân này đến Milan vào giữa tháng 2, trùng thời điểm với đợt bùng phát dịch Covid-19 ở chính khu vực miền Bắc Italy - nước tới nay đang là quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus.
Hàng loạt biên tập viên thời trang hàng đầu và người mua từ các trung tâm thương mại đã phải tự cách ly sau khi trở về từ tuần lễ thời trang ở Paris và Milan. Theo South China Morning Post, ít nhất một khách tham dự tuần lễ thời trang ở Milan đã được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bên ngoài show diễn Mùa thu 2020 của Christian Dior tại Paris hôm 25/2. Ảnh: Getty.
Hàng nghìn người đã gặp gỡ, tiếp xúc rồi đi lại tỏa ra khắp nơi trong vòng vài tuần. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có trở thành mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng toàn cầu hay không, khi vô tình trở thành những người mang mầm bệnh từ các show thời trang tới phần còn lại của thế giới.
Địa điểm dừng chân cuối cùng trong lịch trình bận rộn kéo dài một tháng này là Paris - thủ đô hoa lệ của nước Pháp - nơi các show diễn bắt đầu vào ngày 24/2. Trong ngày đầu tiên này, số ca nhiễm virus corona ở Pháp chỉ là 14, nhưng đến ngày cuối cùng của tuần lễ thời trang, đã có hơn 200 ca nhiễm mới được ghi nhận.
Với những hoạt động dày đặc, nhiều người tham dự thiếu ngủ, một số đã hắt hơi và ho do cảm lạnh theo mùa. Nhiều show diễn phát khẩu trang cho người dự khán trước khi bắt đầu. Trước tình hình bệnh dịch, một số khách hàng cao cấp và biên tập viên các tạp chí nổi tiếng của Mỹ đã quyết định rời Paris sớm, thậm chí một số người còn không tới đây. (Các nhân viên truyền thông ở Mỹ của Channel và Louis Vuitton được yêu cầu ở nhà).
Đến giữa tuần, những người Mỹ ở Paris bắt đầu hỏi cấp trên của họ ở New York rằng liệu họ có phải tự cách ly hay làm việc ở nhà khi trở về hay không.
Tại show diễn của hãng Lacoste, diễn ra vào ngày gần cuối cùng của tuần lễ thời trang Paris, gần 30% khách từ giới truyền thông đã hủy tham dự.
Tại show diễn của Miu Miu, nhà thiết kế của hãng là Miuccia Prada đã hủy buổi gặp gỡ vào chào hỏi sau khi màn trình diễn kết thúc, mặc dù trước đó 2 tuần ở Milan, việc này vẫn được thực hiện.
Đã có rất nhiều khách mời trở về từ các show diễn thời trang ở Anh, Ý, Pháp dương tính với Covid-19.
Có tin đồn nói rằng vì giao thông ở Italy bị hạn chế, hãng Louis Vuitton đã sử dụng máy bay riêng của ông chủ Bernard Arnault, người giàu thứ 3 thế giới - để chuyển những chiếc túi LV từ Italy về Pháp.
Tại buổi trình diễn của Louis Vuitton được tổ chức bên trong bảo tàng Louvre, ông Antonio Belloni, giám đốc điều hành của thương hiệu, chào mọi người bằng cách đấm tay thay vì bắt tay và hôn hai má - điều đã trở thành tiêu chuẩn trong ngành.
Khách tham dự show diễn được phát khẩu trang tại Milan hôm 23/2. Ảnh: Reuters.
Cuộc khủng hoảng lần này đã khiến người ta nhắc nhiều hơn đến một câu hỏi đã có từ trước. Các chương trình biểu diễn trên sàn catwalk là rất tốn kém, tốn nhiều công sức, gây hại cho môi trường - mọi thứ có nên kéo dài tới cả một tháng hay không?
Trước show diễn của Alexander McQueen tại Paris hôm 2/3, ông Francois-Henri Pinault, giám đốc điều hành tập đoàn xa xỉ Kering - chủ sở hữu của Gucci, Saint Laurent và Balenciaga - đã đặt câu hỏi rằng ngành công nghiệp thời trang có nên số hóa tất cả mọi thứ, và trình chiếu các show diễn và cửa hàng trên mạng Internet hoặc một hệ thống nào khác.
Tổng biên tập đầy quyền lực của tạp chí Vogue cũng cho biết mình đang nghĩ về tương lai. "Trong thời điểm khủng hoảng, chúng ta phải suy nghĩ về việc thiết lập lại mọi thứ một cách triệt để", bà Anna Wintour nói.
Cuộc khủng hoảng của ngành thời trang
Virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tới nay đã lây nhiễm cho hơn 110.000 người trên toàn cầu, và khiến hơn 4.000 người thiệt mạng. Và ngành công nghiệp thời trang đang đứng trước cuộc khủng hoảng lớn.
Tuần lễ thời trang Rakuten, dự kiến bắt đầu ngày 16/3 ở Tokyo, đã bị hủy bỏ. Những tuần lễ thời trang sau đó ở Thượng Hải và Bắc Kinh cũng bị hoãn.
Ralph Lauren có kể hoạch tổ chức show diễn ở New York vào tháng 4 này, nhưng cũng đã hủy bỏ. Burberry hoãn vô thời hạn show của họ ở Thượng Hải. Gucci cũng hủy bỏ show diễn tại San Francisco tháng 5 tới, và Prada cũng sẽ không có show ở Tokyo trong tháng đó dù đã có kế hoạch.
Ông Pascal Morand, chủ tịch của đơn vị tổ chức Tuần lễ Thời trang Parism,cho rằng "những chiếc ghế trống ở các show diễn không phải là vấn đề, mà vấn đề nằm ở các show room và chuỗi cung ứng bị gián đoạn".
"Vấn đề nằm ở sự không chắc chắn, và việc không biết tình hình sẽ kéo dài bao lâu", ông Morand nhận định.
Các đơn đặt mua đồ hiệu từ các nhà bán lẻ lớn ở Mỹ, như Nordstrom và Bloomingdale hay các nền tảng thương mại điện tử như Net-a-Porter hay Matches Fashion, đã giảm hẳn trong thời gian vừa qua, theo các nhà mốt.
Việc một phần lớn người dân Trung Quốc gần như không ra đường mua sắm kể từ Tết Nguyên đán tới giờ khiến cho doanh số của các thương hiệu xa xỉ tại đây giảm tới 90%. Trong khi đó, tại kinh đô đồ hiệu Paris, các cửa hàng cũng không còn đông khách như trước, vì đơn giản là người mua giàu có từ Trung Quốc và châu Á đã quyết định ở nhà.
Các nhân viên lắp đặt sàn diễn cho show của nhà mốt Valentino tại Paris hôm 1/3. Ảnh: Reuters.
Jefferies Group, ngân hàng đầu tư có trụ sở tại New York, ước tính rằng người Trung Quốc chiếm tới 40% trong tổng số 305 tỷ USD được chi trả để mua hàng xa xỉ trên toàn cầu trong năm 2019, khiến nước này trở thành thị trường hàng xa xỉ phát triển nhanh nhất thế giới.
"Rõ ràng là đã có sự sụt giảm người mua hàng xa xỉ từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong", bà Ayse Ege, nhà sáng lập của một thương hiệu thời trang xa xỉ dành cho phụ nữ ở Paris, chia sẻ.
Thường thì đến cuối tuần lễ thời trang Paris, những khách hàng giàu có sẽ trở lại Milan để thực hiện các cuộc hẹn may đồ với các nhà mốt và show room của Italy. Năm nay, những cuộc hẹn như vậy đã bị hủy bỏ. Milan giờ đây nhìn giống như một thành phố ma, theo một chủ cửa hàng.
Thêm nữa, việc chính phủ Italy quyết định phong tỏa đất nước khiến cho chuỗi cung ứng của một loạt nhãn hiệu thời trang xa xỉ sẽ bị gián đoạn.
Theo Zing