Trải nghiệm "vô cùng đau đớn" của một bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ
"Đó là những cơn đau kinh khủng nhất mà tôi từng trải qua trong đời", anh Kyle Planck, 26 tuổi, đang theo học lấy bằng Tiến sĩ dược tại New York, nhớ lại những ngày kinh hoàng khi mình bị mắc đậu mùa khỉ.
Làm việc trong ngành y tế, anh biết về căn bệnh này từ tháng 5 tại châu Âu nhưng khi đó số ca còn ít và anh không nghĩ rằng căn bệnh có thể sớm xuất hiện tại Mỹ. Đến cuối tháng 6, Kyle bị sốt và sau vài ngày, anh bị sưng hạch. Cảm thấy bất thường, Kyle làm xét nghiệm COVID-19 nhưng kết quả là âm tính, khi đó anh nghi ngờ rằng mình có thể đã mắc đậu mùa khỉ. Bác sĩ của Kyle bảo anh hãy chờ vài ngày để xem các triệu chứng tiến triển như thế nào. Đến ngày thứ 4, mối lo của Kyle đã trở thành sự thực.
"Các nốt mụn bắt đầu nổi trên cánh tay rồi bàn tay của tôi, sau đó chúng lan ra khắp cơ thể. Vô cùng đau đớn khiến tôi không thể nào ngủ được", Kyle nhớ về trải nghiệm kinh hoàng của anh trong khoảng 2 tuần mắc đậu mùa khỉ.
Dù không thể xác định cụ thể nguồn lây bệnh cho mình, tuy nhiên Kyle có quan hệ đồng tính và anh là một thành viên sôi nổi trong các hoạt động của cộng đồng LGBT tại New York, Mỹ. Theo CNN, virus đậu mùa khỉ đã lây lan nhanh chóng qua các sự kiện rải khắp nước Mỹ bao gồm các lễ hội âm nhạc, tiệc hồ bơi… nơi đông người tập trung, tiếp xúc gần khiến virus dễ dàng lây lan.
Tiến sĩ Jennifer McQuiston, Phó Giám đốc bộ phận bệnh lý học của CDC Mỹ, nêu quan điểm: "Đến nay, không có bằng chứng cho thấy virus này đang lây lan bên ngoài cộng đồng người đồng tính, song tính và những nam giới khác có quan hệ tình dục với người cùng giới". Theo bà McQuiston, 99% trong số khoảng 2,890 ca đậu mùa khỉ được xác nhận ở Mỹ liên quan đến nam giới có quan hệ với người cùng giới.
Trên quy mô toàn cầu, đậu mùa khỉ cũng đang lây lan ở tốc độ đáng lo ngại với 16,836 ca được ghi nhận tại 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Adhanom Ghebreyesus ngày 23/7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ, mức cảnh báo cao nhất của WHO.
Ông Ghebreyesus cũng nhận định, mối đe dọa của bệnh đậu mùa khỉ hiện ở mức độ vừa phải trên toàn cầu, ngoại trừ ở châu Âu là mức cao. WHO cũng công bố những thông tin quan trọng, cần biết trong bối cảnh nguy cơ dịch ngày càng hiện hữu.
Những thông tin cần biết về đậu mùa khỉ
Theo WHO, đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh lây nhiễm từ động vật do virus gây ra, có nghĩa là bệnh có thể lây lan từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người.
Bệnh này được gọi là bệnh đậu mùa khỉ vì bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở những đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu vào năm 1958. Sau đó bệnh mới được phát hiện ở người vào năm 1970.
Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu, dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Bệnh thường bắt đầu với 1 đến 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể biểu hiện bằng các nốt ban chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy.
Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.
Triệu chứng điển hình thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị. Nếu bạn nghĩ mình có những triệu chứng nghi nhiễm mắc bệnh đậu mùa khỉ, hãy liên hệ với nhân viên y tế để được tư vấn, theo WHO.
Tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ là từ 3% đến 6%
Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần nhưng ở một số người có thể dẫn đến các biến chứng y khoa và thậm chí là tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền là suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.
Biến chứng ở các ca bệnh đậu mùa khỉ nặng bao gồm nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn và nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác. Có khoảng 3% đến 6% ca bệnh được báo cáo đã dẫn đến tử vong ở các nước có bệnh lưu hành trong thời gian gần đây, thường ở trẻ em hay người có bệnh lý khác.
Tỷ lệ tử vong này có thể cao hơn thực tế do hoạt động giám sát ở các nước lưu hành bệnh còn hạn chế.
Một phần mô da được lấy từ vết thương trên da của một con khỉ bị nhiễm virus đậu mùa khỉ vào năm 1968. Ảnh: Reuters
Bệnh đậu mùa khỉ lây lan như thế nào?
Theo WHO, người mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ làm lây nhiễm trong thời gian có triệu chứng (thông thường là từ 2 đến 4 tuần). Bạn có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần với người có triệu chứng. Nốt ban, dịch cơ thể (như dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da) và vảy đặc biệt có nguy cơ làm lây nhiễm. Quần áo, ga gối, khăn mặt hoặc vật dụng khác như dụng cụ ăn bát đĩa bị nhiễm virus do tiếp xúc với người nhiễm bệnh cũng có thể làm lây bệnh cho người khác.
Theo WHO, virus cũng có thể làm lây bệnh từ người đang có thai sang bào thai qua nhau thai hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con do tiếp xúc trực tiếp da với da. Hiện chưa rõ người không có triệu chứng có thể làm lây bệnh hay không.
Các nước gấp rút ứng phó đậu mùa khỉ
Tiến sĩ James Lawler, đồng giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Toàn cầu của Đại học Nebraska, ước tính thế giới cần ít nhất một năm để kiểm soát đợt bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ. Trong thời gian đó, virus có thể đã lây nhiễm cho hàng trăm nghìn người và có thể tồn tại vĩnh viễn tại một số quốc gia.
Tổng giám đốc WHO, ông Ghebreyesus nhấn mạnh mối đe dọa của bệnh đậu mùa khỉ đối với sức khỏe cộng đồng đang ngày càng gia tăng. Ông kêu gọi các chính quyền trên toàn thế giới tăng cường giám sát, truy vết, xét nghiệm và đảm bảo rằng những người có nguy cơ cao được tiếp cận với vaccine và thuốc kháng virus. Nhiều quốc gia đang gấp rút triển khai các biện pháp ứng phó, ngăn dịch lây lan.
Chính phủ Mỹ đã đặt 2,5 triệu liều vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ có tên là Jynneos, do hãng dược Bavarian Nordic của Đan Mạch sản xuất. Dự kiến đến cuối tháng 7, khoảng 780.000 liều vaccine đậu mùa khỉ có thể được cung cấp cho người dân. Washington cũng đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ có tên gọi ACAM2000, hiện do hãng dược BioSolutions của Mỹ sản xuất. Trong tuyên bố vào ngày 24/7, Nhà Trắng tin rằng có thể "loại bỏ" bệnh đậu mùa khỉ khỏi nước Mỹ bằng cách đẩy nhanh việc tiêm vaccine và điều trị.
Một số nước như Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Canada cũng đã đặt mua vaccine ngừa đậu mùa khỉ và triển khai cho nhân viên y tế và những người bị phơi nhiễm. Theo CDC Mỹ, vaccine vẫn có hiệu quả dù được tiêm sau khi phơi nhiễm, do đó khuyến cáo mọi người nên tiêm vaccine trong vòng bốn ngày kể từ ngày phơi nhiễm để vaccine phát huy hiệu quả tốt nhất.
Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã ghi nhận 1 ca mắc đầu mùa khỉ đầu tiên. Bệnh nhân đậu mùa khỉ được xác nhận đầu tiên ở Thái Lan là một người đàn ông 27 tuổi người Nigeria nhập cảnh vào nước này từ tháng 10/2021 và có thị thực hết hạn vào tháng 1/2022. Bệnh nhân này đã trốn sang Campuchia sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh đậu mùa khỉ tại một bệnh viện ở hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket. Người này cuối cùng đã bị bắt giữ tại Phnom Penh vào đêm 23/7.
Các quan chức dịch tễ Thái Lan đã tìm kiếm 154 người tiếp xúc gần với bệnh nhân người Nigeria, trong đó có 6 người có nguy cơ cao nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp nào bị nhiễm bệnh. Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã triệu tập một cuộc họp khẩn với các cơ quan y tế công cộng vào ngày 24/7 để thảo luận về các biện pháp đối phó với bệnh đậu mùa khỉ.
Mặc dù chưa có trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ nào được ghi nhận tại Nhật Bản nhưng Bộ Y tế nước này sẽ xem xét triển khai tiêm vaccine đậu mùa cho các nhân viên y tế như một biện pháp phòng ngừa. Chính phủ Nhật Bản đã dự trữ vaccine phòng bệnh đậu mùa trong thời gian qua. Loại vaccine này được cho là có hiệu quả 85% trong việc giảm các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ và được kỳ vọng sẽ giúp ngăn ngừa bệnh trở nặng.