Lương xe ôm cao gấp 3-4 viên chức nhà nước, người lao động ồ ạt chuyển nghề

Vài năm trở lại đây, sức mạnh công nghệ đã tạo ra lực lượng lớn lao động được gọi là xe ôm 4.0, phát triển mạnh mẽ tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Gần đây, lực lượng lao động này ngày càng đông đảo hơn bởi mức thu nhập trung bình 1 tháng của họ từ 8 – 12 triệu, cao gấp 3-4 lần lương cơ bản hàng tháng của viên chức nhà nước hiện nay.

Vài năm trở lại đây, lực lượng xe ôm công nghệ ngày càng trở nên đông đảo hơn, bao gồm đủ giới tính, độ tuổi từ 18 đến 60. Sở dĩ lực lượng xe ôm 4.0 ngày càng phát triển mạnh ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh là bởi mức thu nhập hiện nay của họ được xếp vào hàng “cao” so với mặt bằng chung tại Việt Nam. 

Thời đại 4.0: Lương xe ôm cao gấp 3-4 lần viên chức nhà nước - 1

Lực lượng xe ôm công nghệ đông đảo tại các bến xe

Theo khảo sát của phóng viên, mức thu nhập của 1 xe ôm công nghệ tại Hà Nội dao động từ 8 – 12triệu/tháng. Với mức thu nhập này, thu nhập của một tài xế 4.0 có thể cao gấp 3-4 lần lương cơ bản của viên chức nhà nước hiện nay (khoảng 3-4 triệu/tháng).

Chị Trịnh Thị Báu (sinh năm 1977, Hà Nội) – một Grab Bike cho biết, chị đã đăng ký làm Grab Bike được hơn 3 năm. Trước đây chị là nhân viên trông hàng, thu nhập chỉ khoảng 4 triệu/tháng, thời gian rảnh chị tranh thủ làm thêm xe ôm. Sau khi thấy tiềm năng của nghề này, khoảng 4 tháng gần đây chị đã chuyển hẳn sang làm Grab Bike.

Thời đại 4.0: Lương xe ôm cao gấp 3-4 lần viên chức nhà nước - 2

Chị Trịnh Thị Báu đã từ bỏ công việc trông hàng để chuyển hẳn sang làm Grab Bike vì mức thu nhập cao gấp 2-3 lần công việc cũ

Giờ đây trung bình mỗi ngày chị kiếm được từ 200.000 – 300.000 đồng, sau khi trừ hết các chi phí nộp lại cho hãng Grab, xăng xe… mỗi tháng thu nhập của chị khoảng 8 - 10 triệu đồng. Ông xã chị trước đây làm nghề bảo vệ cũng chuyển hẳn sang làm Grab Bike.

Anh Mai Văn Đông (sinh năm 1989) làm cho hãng Go-Viet cho biết, trước đây anh là nhân viên văn phòng của một công ty tư nhân. 4 tháng trở lại đây anh chuyển hẳn sang làm tài xế của Go-Viet. Trung bình 1 ngày anh làm từ 8-12 tiếng, bao gồm cả chở khách, giao hàng, giao đồ ăn… tổng thu nhập 1 tháng của anh từ 12-15 triệu.

Tương tự, anh Hà Văn Định (sinh năm 1991), tài xế của Be cũng cho biết đã làm công việc này khoảng 7 tháng, trung bình mỗi ngày làm từ 8-10 tiếng, thu nhập một tháng của anh khoảng 12 triệu đồng.

Thời đại 4.0: Lương xe ôm cao gấp 3-4 lần viên chức nhà nước - 3

Anh Hà Văn Định, tài xế của Be cho biết thu nhập trung bình một tháng khoảng 12 triệu đồng

Bên cạnh nguồn thu nhập hấp dẫn, các tài xế còn chủ động được công việc hàng ngày, linh hoạt về thời gian, thích làm lúc nào thì làm, nghỉ lúc nào thì nghỉ, không bị gò bó trong văn phòng, cũng không có “sếp” nào soi khi làm việc. 

Tuy nhiên, đây cũng là một công việc khá vất vả khi muốn có mức thu nhập cao cần phải làm việc thường xuyên từ 8-12 tiếng ở ngoài trời, không được hủy chuyến. Vất vả nhất là vào những ngày thời tiết bất lợi như nắng nóng hay mưa bão.

Ngoài ra, các tài xế cho biết, bên cạnh tình trạng khi đến điểm đón, khách hàng hủy chuyến thường xuyên thì cũng có rất nhiều khách hàng đặt đồ ăn rồi “bùng” không nhận hàng. Dù các hãng có chia sẻ một chút rủi ro cùng tài xế nhưng có những ngày họ phải bù ra đến 1 triệu tiền khách “bùng” không nhận hàng. 

Hơn thế, một lượng lớn tài xế công nghệ hiện nay là sinh viên, cử nhân đại học, vì ham kiếm tiền trước mắt mà quên việc cần phải trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để có một tương lai tương sáng hơn.

Có thể thấy rằng, nhờ cuộc cách mạng 4.0, từ người cao tuổi, đã về hưu, phụ nữ hay những người vốn chỉ làm công việc lao động chân tay cũng có thể làm chủ cuộc sống của mình bởi sự hỗ trợ của công nghệ. Tuy nhiên các bạn trẻ cũng cần nhìn nhận rõ mục tiêu của mình để lựa chọn một công việc có thể phát triển cho tương lai xa.