Bản thân họ là nhà giáo, do điều kiện khách quan nên nhà trường phân công họ kiêm nhiệm công tác văn phòng nên họ cần được hưởng đủ chế độ của giáo viên.
Trong bài viết đăng ngày 1/8/2019, phản ánh đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, một số nhà giáo thuộc huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cho biết họ không được chi trả chế độ thâm niên nghề, mặc dù có đầy đủ các điều kiện được hưởng.
Nhằm làm sáng tỏ hơn vấn đề, chúng tôi đã tiếp tục tìm hiểu vụ việc.
Như tin đã đưa, một nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận (đề nghị không nêu tên) đã có 18 năm liên tục đứng lớp giảng dạy, 13 năm vừa giảng dạy vừa kiêm nhiệm công tác văn phòng và đảm trách chức vụ chủ tịch công đoàn cơ sở nhưng lại không được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cũng như phụ cấp giảng dạy.
Cô giáo này chỉ còn 03 tháng nữa sẽ được xét nghỉ chế độ theo chính sách tinh giản biên chế của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ.
Theo hồ sơ cô giáo đã cung cấp, năm 1988 cô giáo tốt nghiệp Trung học sư phạm. Từ năm 1998 đến năm 2005 cô được nhà trường phân công giảng dạy trực tiếp.
Từ năm 2005 đến nay (2019) vì ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận thiếu biên chế nhân viên làm công tác văn phòng nên bản thân cô và 60 đồng nghiệp khác (là nhà giáo) đã được nhà trường phân công nhiệm vụ công tác văn phòng.
Riêng trường hợp cô giáo này thì ngoài việc được phân công thực hiện nhiệm vụ phụ trách thiết bị cô còn đảm nhiệm chức cụ Chủ tịch công đoàn cơ sở và hàng năm vẫn tham gia dạy thay mỗi khi có đồng nghiệp nghỉ phép.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang (Ảnh CTV)
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, hiệu trưởng một trường học trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận, nơi có giáo viên đang thực hiện nhiệm vụ tương tự cô giáo này nhưng vẫn chi trả đảm bảo các chế độ dành cho nhà giáo, đã cho biết:
“Năm 2018, đơn vị chúng tôi đã thực hiện đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép dự toán kinh phí để thực hiện chế độ phụ cấp đầy đủ cho nhà giáo.
Bởi, họ là giáo viên, nhưng do đơn vị không có nhân viên văn phòng nên phải phân công họ thực hiện kiêm nhiệm.
Việc phân công họ làm công tác kiêm nhiệm nhiệm vụ của nhân viên văn phòng là do nhu cầu của đơn vị, không phải nhu cầu của cá nhân họ.
Bản thân họ là nhà giáo, được nhà nước thừa nhận bằng quyết định pháp quy.
Nay, do điều kiện khách quan nên phải phân công họ kiêm nhiệm công tác văn phòng.
Trên cơ sở pháp luật, chính danh họ là giáo viên vì vậy họ phải được hưởng chế độ của giáo viên.
Việc thực hiện chi trả chế độ đầy đủ cho họ là do tôi nghiêm túc chấp hành theo các văn bản pháp quy hiện hành, tôi chịu trách nhiệm về việc này trước cấp có thẩm quyền”.
Phân tích về điều kiện để nhà giáo được hưởng đầy đủ các phụ cấp ngành theo quy định, hiệu trưởng một nhà trường khác, cũng trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Thuận cho biết:
“Để được được hưởng đầy đủ các phụ cấp ngành theo quy định, nhà giáo cần đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện quy định tại các văn bản pháp quy chính yếu sau:
Văn bản thứ Nhất: Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 07 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo;
Văn bản thứ Hai: Thông tư số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2011 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo;
Văn bản thứ Ba: Thông tư Số 27/2018/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo và điểm a khoản 2 Mục I Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.
Văn bản thứ Tư: Công văn số 6551/VP-VHXH ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện Thông tư số 27/2018/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 10 năm 2018.
Cụ thể hơn, để có thể được hưởng các chế độ phụ cấp thâm niên, ưu đãi thì về cơ bản viên chức giáo dục phải đáp ứng 04 điều kiện quy định trong các văn bản pháp quy nói trên, là:
(1) Đang giảng dạy, giáo dục ở cơ sở giáo dục công lập;
(2) Được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
(3) Được xếp vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15);
(4)…Hoặc các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các hạng có các ký tự đầu của mã số hạng là V.07).
Như vậy, căn cứ các văn bản pháp quy hiện hành nói trên cùng văn bằng đã có và các quyết định điều động/ phân công nhà giáo; các quyết định nâng lương thường xuyên lương thường xuyên; quyết định về việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức (Quyết định số 5755/QĐ-UBND ngày 15/12/2016 về việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận đã ký), người viết cho rằng cô giáo/ nhân vật trong bài đã có đủ các điều kiện để được hưởng các chế độ phụ cấp dành cho nhà giáo.
Hiện nay, tại huyện Vĩnh Thuận, trường hợp này không phải là ngoại lệ, còn rất nhiều nhà giáo khác cũng đang mong chờ sự quan tâm giải quyết của các cấp có thẩm quyền về chế độ của họ.
Rất mong cấp có thẩm quyền của huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang có sự quan tâm thỏa đáng để bảo đảm quyền lợi cho các thầy cô giáo theo đúng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan.