Cuộc sống hôn nhân không giống như lúc đang yêu. Nó chứa đựng vô vàn vấn đề nhỏ nhặt tới mức tầm thường. Song nhiều khi chính những thứ nhỏ bé ấy lại đủ sức phá tan một tình yêu trước đó vốn mặn nồng.
Thương (29 tuổi) chia sẻ cô và Hoàng từng có thời gian yêu nhau hơn 1 năm trước khi tiến đến hôn nhân. "Chỉ khi chính thức bước vào cuộc sống gia đình thì tôi mới biết anh ấy là người đàn ông gia trưởng thế nào", cô nói.
Sau đám cưới Thương mang thai ngay, vì sức khỏe yếu cô quyết định nghỉ làm ở nhà dưỡng thai chờ sinh con. Vốn có tính gia trưởng, độc đoán, lại thêm tâm lý "là trụ cột kinh tế thì có quyền", Hoàng thường xuyên hạch sách và quát mắng vợ khi gặp chuyện không được như ý.
Thương tâm sự với mẹ đẻ thì luôn nhận về lời khuyên cần nhẫn nhịn, mềm mỏng, cơm sôi bớt lửa để nhà cửa êm ấm. Cô áp dụng lời khuyên bảo của mẹ, quả thật mọi thứ cũng đỡ hơn. Nhưng đó là theo khía cạnh Hoàng nói chán mà vợ im lặng nhẫn nhịn thì anh cũng thôi. Chứ không phải anh thay đổi cách cư xử hay điều chỉnh lời nói với vợ cho bớt cộc cằn. Tuy mâu thuẫn trong gia đình không bị đẩy lên cao nhưng phải chịu đựng ấm ức trong thời gian dài khiến Thương thật sự mệt mỏi.
Hôm ấy Hoàng đi làm về thì Thương đang nấu nướng trong bếp. Lúc anh từ nhà tắm bước ra, Thương đã dọn mâm bát xong xuôi đâu đấy. Cô định đi tắm rồi mới ăn cơm nhưng Hoàng không cho. Trong bữa ăn, anh muốn vợ ngồi bên cạnh xới cơm hoặc sai vặt khi cần. Thương đành nghe lời chồng dù lúc ấy cả người cô ướt dính mồ hôi, ăn uống cũng chẳng thấy ngon miệng nữa.
Ai ngờ đâu Thương vừa ngồi xuống bàn ăn thì Hoàng không nói không rằng cầm bát nước mắm trên mâm đổ ụp lên cô. Nước mắm chảy ròng ròng, dính ướt hết vạt áo Thương. "Tôi đã nói chuyện này bao nhiêu lần rồi", Hoàng nhìn vợ gằn từng tiếng một.
"Chồng tôi khi còn sống với bố mẹ đã có thói quen cho thêm một chút mì chính vào bát nước mắm cho ngọt. Nhưng tôi và gia đình thì không có thói quen ăn uống ấy. Phần nữa tôi nghĩ ăn nhiều bột ngọt không tốt nên trong tiềm thức thường không nhớ đến. Thành ra 10 lần dọn mâm lên thì phải 4 - 5 lần tôi quên thêm mì chính vào bát nước mắm. Và quả thật chồng tôi đã phải nhắc khá nhiều lần rồi…", Thương nói.
Thương từng giải thích cặn kẽ với chồng việc sử dụng lượng lớn bột ngọt không tốt cho sức khỏe nhưng Hoàng luôn gạt đi mọi ý kiến của vợ. Anh ra lệnh cho cô phải làm đúng như lời anh nói. Lần nào Thương quên là một lần phải chịu đựng những lời chát chúa khó nghe từ chồng.
Trước đây cô luôn nhẫn nhịn cho qua song lần ấy có lẽ sức chịu được của cô đã đến giới hạn. Và cũng bởi hành động của Hoàng quá mức nhẫn tâm, coi thường vợ. Vậy mà anh vẫn giải thích làm vậy để cô nhớ thật kỹ, chứ anh đã đánh cô đâu.
Ngồi hóa đá trên bàn ăn, mùi nước mắm quẩn quanh bên mũi, Thương chết lặng không thể nói hay làm được gì. Đến rơi nước mắt cũng chẳng còn sức lực. Cả đêm ấy cô thức trắng. Sáng ra cô để lại lá đơn ly hôn trên bàn rồi dọn đồ rời khỏi căn hộ thuê chung của hai người.
Cô thương con nhưng nếu đứa bé lớn lên trong cảnh bố đối xử với mẹ cộc cằn thô lỗ, gia trưởng, áp đặt khiến không khí trong nhà luôn căng thẳng ngột ngạt, liệu con có được hạnh phúc? Nếu đó là một bé gái, liệu con có đi lại vết xe đổ của cô không, khi bé cho rằng cuộc hôn nhân như vậy là bình thường?
Buổi tối về nhà không thấy vợ đâu, Hoàng gọi điện cho Thương và dùng những từ ngữ nặng nề nhất ném vào cô. Thương lặng lẽ ngắt máy, kết thúc cuộc gọi còn đang dang dở. Một cuộc hôn nhân độc hại với người chồng tiêu cực và "xấu xí" như vậy, có lẽ quyết định ra đi của cô là đúng đắn.
Nhiều người thắc mắc lý do vì sao vợ chồng Thương ly hôn, trong khi trước đó gia đình cô vẫn rất êm ấm. Thương trả lời họ rằng vì một bát nước mắm không cho thêm mì chính mà dường như không ai tin. Quả thật bát nước mắm đâu có tội. Lỗi là ở cách cư xử giữa vợ chồng với nhau, biến một chuyện nhỏ nhặt thành nhân tố làm đổ vỡ một cuộc hôn nhân.