Sửa quy hoạch để xây cao ốc chọc trời
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thuê Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (thuộc Bộ Xây dựng) làm đơn vị tư vấn để lập phương án điều chỉnh đồ án quy hoạch chung và điều chỉnh cục bộ TP Nha Trang, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.
Theo đó, phương án điều chỉnh đồ án quy hoạch chung và điều chỉnh cục bộ tại nhiều khu vực ven biển ở TP Nha Trang sẽ không khống chế tầng cao. Vì thế, một số khu vực phía Tây trục đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng cũng sẽ không khống chế tầng cao 40 tầng như hiện nay, mà có thể lên tới 50 tầng, 60 tầng. Thậm chí số tầng có thể cao hơn. Điển hình như khu vực bến du thuyền, khu vực biển Hòn Chồng, khu vực quảng trường 2/4, khu vực đầu cầu Trần Phú, khu vực sân bay Nha Trang cũ...
Dự kiến, có 7 khu vực ven biển ở TP Nha Trang sẽ được đề xuất điều chỉnh độ cao, trong đó có một số khu vực dự kiến cho phép xây dựng đến 70-80 tầng và có một số khu vực không cho xây quá 5 tầng.
Đề cập vấn đề này, mới đấy ông Trần Văn Thọ - Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại Thông báo 159 năm 2017. Ông Thọ cho rằng, TP Nha Trang hiện nay giới hạn chỉ xây dựng tối đa 40 tầng là rất hạn chế nên quy hoạch điều chỉnh sắp tới không còn giới hạn này nữa.
Theo ông Nguyễn Ngô, Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa, việc điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch cục bộ tại TP Nha Trang, Sở Xây dựng tỉnh đã gửi hồ sơ cho các bộ, ngành Trung ương góp ý và đến nay đã nhận được 6 đơn vị phản hồi. Theo đó, các bộ, ngành đều cơ bản thống nhất với các đề xuất điều chỉnh cục bộ theo đề xuất đưa ra. Có nhiều khu vực tại TP Nha Trang sẽ không khống chế chiều cao số tầng, tức là 40-50 tầng hoặc 60 tầng và cao hơn nữa vẫn được.
“Đa phần thiên về khu vực gần biển, vậy tương lai bãi biển mình sẽ như thế nào; tầm nhìn, nguồn gió biển bị chắn sẽ ra sao. Trong khi đó, theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh thì quỹ đất giao thông tại Nha Trang quá thấp (8%), trong khi đó, theo quy định chuẩn thì phải từ 20-23%. Vậy chúng ta tiếp tục cho nén đô thị thì tương lai giao thông Nha Trang sẽ giải quyết như thế nào?”, ông Ngô băn khoăn.
Vị KTS phân tích, thực tế hiện nay phía Tây đường Trần Phú, đoạn từ phía nam cầu Trần Phú đến sân bay Nha Trang (cũ) gần như được “lấp đầy” nhà cao tầng, với mật độ xây dựng lên tới 50 - 60%. Trên đường ven biển Phạm Văn Đồng, gần đây nhiều cao ốc, khách sạn cũng thi nhau mọc lên san sát, hầu như không có khoảng cách. Một số khách sạn thì không có nơi đậu đỗ cho xe du lịch để đón trả khách nên loại xe này cứ ngang nhiên đỗ tràn lan ra đường làm ách tắc giao thông.
Theo ông Lộc, điều chỉnh quy hoạch chung khu vực TP Nha Trang đang có rất nhiều phương án, trong đó có một số ý kiến đồng tình bỏ giới hạn chiều cao, một số lại phản đối. Cá nhân ông thấy, trong quy hoạch chung Nha Trang đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2012 khống chế độ cao các tòa nhà ở khu vực trung tâm dưới 40 tầng là hợp lý. "Nhưng qua xem xét thực tế, ở một số vị trí nhất định nếu điều chỉnh nên cho xây cao trên 40 tầng để tạo điểm nhấn về kiến trúc đô thị cũng được nhưng không nên xây dựng ở khu vực trung tâm vì khu vực này nếu chất tải thêm sẽ vỡ, sẽ để lại nhiều hệ lụy khác", vị KTS này nói.
Còn theo KTS Ngô Viết Nam Sơn (Chủ tịch NgoViet Architects & Planners), nếu muốn “giải cứu” TP Nha Trang việc đầu tiên là ngưng ngay cấp phép nhà cao tầng dọc bờ biển. Ông Sơn nói rằng làm nhà cao tầng ra mặt tiền biển là một xu hướng phát triển rất ngắn hạn, vì đất khu vực này không nhiều, trong khi Nha Trang rất rộng, không chỉ có mỗi đường Trần Phú. “Nó có hại cho thành phố du lịch. Đến Nha Trang, người ta cần tầm nhìn ra biển, cần gió biển, nay mình che hết phía trước, phía sau không còn được hưởng cái 'trời ban', nên dần dần chẳng ai đến nghỉ dưỡng nữa”, ông Sơn lo ngại.
Theo vị KTS này, nếu tập trung nhà cao tầng dọc theo bờ biển thì phía trong mất tầm nhìn, mất gió. Nguy hiểm nhất là khu vực đường dọc bờ biển sẽ bị ô nhiễm bụi bẩn, khói xe. Đây là cách phát triển rất ngắn hạn, có hại cho Nha Trang. “Không cứ phải cao là tốt, bởi nếu xung quanh cao hết thì nhà thấp mới có giá trị. Nhưng sự thật khái niệm ở đô thị hiện đại, không gian sang trọng, giá trị nhất của một thành phố luôn là không gian thấp”, KTS Sơn nói.
Theo Tiền Phong