Mất việc vì giấy chứng nhận nghiệp vụ sư phạm dù đã đứng lớp nhiều năm

Dù đã có nhiều kinh nghiệm đứng lớp hơn chục năm nhưng nhiều giáo viên vẫn bị "rớt đài" vì thiếu giấy chứng nhận nghiệp vụ sư phạm.

Ngày 28.6.2019, Hội đồng tuyển dụng viên chức ngành giáo dục - đào tạo (GDĐT) huyện Phù Cát thông báo danh sách 133 thí sinh không đủ điều kiện dự tuyển; chủ yếu liên quan giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (CNNVSP) hoặc do sử dụng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (CCNVSP) không phù hợp. Trước đó, nhiều giáo viên đặc cách cũng “rớt đài” dù đã đứng lớp hàng chục năm.


Những giấy chứng nhận như thế này đã cắt ngang con đường giảng dạy của hàng trăm giáo viên. Ảnh: X.N

Nơi công nhận, nơi không

Lê Thị Diệu Ái là giáo viên hợp đồng môn tin học tại Trường Tiểu học số 2 Cát Khánh từ năm 2015. “Hợp đồng làm việc” của cô Ái với Phòng GDĐT Phù Cát ký theo từng năm học, hiện có hiệu lực đến ngày 31.8.2019. Cuối năm 2017, cô Ái nộp hồ sơ dự tuyển viên chức GDĐT. Chờ đợi hơn một năm rưỡi, đến khi thấy tên mình trên trang web UBND huyện Phù Cát, cô nói “có cảm giác như bất thần lộn nhào xuống vực. Tôi hoàn toàn mất phương hướng. Cơ hội tiếp tục đứng trên bục giảng giờ cầm chắc không còn do chỗ mình rời đi, người mới sẽ lấp vào”.

Cô Ái theo học ngành Tin học ứng dụng khóa 2012 - 2015 của Trường Cao đẳng Bình Định. Hồ sơ dự tuyển viên chức của cô, ngoài bằng cấp chuyên môn, còn đính theo Giấy CNNVSP do hiệu trưởng nhà trường cấp ngày 8.6.2015. “Đó là kết quả đèn sách suốt 2 kỳ nghỉ hè. Các thầy thông báo phải có giấy chứng nhận thì mới đi dạy được. Bây giờ nó chỉ là mảnh giấy vô giá trị”, nữ giáo viên sắp mất việc sinh năm 1994 uất ức.

Cũng “đứt gánh giữa đường” nhưng tức tưởi hơn là nhóm giáo viên dự tuyển đặc cách Nguyễn Hồng Dương. Thầy Dương nhiều tháng qua cùng 4 đồng nghiệp đã chạy vạy kêu cứu từ huyện tới tỉnh. Là giáo viên hợp đồng môn Tin học Trường THCS Cát Minh từ tháng 8.2013, năm 2018, thầy Dương được công nhận đủ điều kiện đặc cách thi tuyển viên chức GDĐT.

Tại kỳ thi đầu tháng 1.2019, thầy Dương đạt 76,5 điểm. Người thầy từng 3 năm làm công an, 6 năm tuổi Đảng ngồi khóc ngon lành: “Chỉ cần 50 điểm, không bị cạnh tranh trực tiếp ở vị trí ứng tuyển là đỗ. Tôi thi vào Trường THCS Cát Hanh, không “chọi” với ai nhưng bị loại khỏi danh sách 97 thí sinh trúng tuyển. Ngày 12.3.2019, Phòng Nội vụ Phù Cát gọi lên thì mới ngã ngửa là Giấy CNNVSP do Trường Cao đẳng Bình Định cấp không được công nhận”.

Câu hỏi day dứt đeo bám cả cô Ái lẫn thầy Dương là cùng một địa bàn nhưng việc vận dụng quy định lại không nhất quán: “Bạn học chung khóa ở Tây Sơn, An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh… đi thi, đi dạy bình thường. Chỉ ở Phù Cát, những người như chúng tôi mới thành nạn nhân”!

Những giấy chứng nhận như thế này đã cắt ngang con đường giảng dạy của hàng trăm giáo viên. Ảnh: X.N

“Ai sai người đó chịu”

Trả lời PV Lao Động, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phù Cát Nguyễn Từ Thiện khẳng định: “Địa phương không tùy tiện quyết định. Chúng tôi có văn bản trao đổi với Bộ GDĐT. Công nhận hay không đều có căn cứ hết”. Theo các thông tư số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập), 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (áp dụng cho giáo viên THCS công lập) của liên Bộ GDĐT - Nội vụ, thì tiêu chuẩn bắt buộc là phải có “chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên”.

Giám đốc Sở Nội vụ Bình Định Lâm Hải Giang giải thích: CNNVSP như cách Trường Cao đẳng Bình Định cấp chỉ có giá trị nội bộ nhằm xác nhận “chuẩn đầu ra” chứ không thể thay thế CCNVSP theo quy định. Về tình trạng “mỗi nơi một phách” trong tổ chức tuyển dụng và hệ lụy đi kèm, ông Giang cảnh báo: “Ai sai người đó chịu. Rồi đây nếu phát sinh khiếu kiện, thanh tra, kiểm tra, tình hình sẽ rất phức tạp. Đừng nói là vô can”.

Hiệu trưởng Cao đẳng Bình Định Lê Thanh Trúc lưu ý PV “phải hiểu cho đúng” là nhà trường “không đào tạo NVSP mà chỉ cấp chứng nhận khi các em có nhu cầu. Quy trình rất rõ ràng. Khi xin học, các em viết đơn tự nguyện, học xen kẽ ngoài chương trình chứ không tổ chức chính khóa”.

Ông Trúc có dấu hiệu gay gắt trước câu hỏi về giá trị pháp lý của giấy CNNVSP: “Chương trình đào tạo của chúng tôi là hoàn toàn chính xác, đảm bảo chất lượng. Nhà trường sẵn sàng xác nhận. Hàng trăm sinh viên ra trường, đi dạy, hiện trong biên chế nhà nước, không ít người là hiệu trưởng, hiệu phó. Xưa thiếu giáo viên trầm trọng, sản phẩm chúng tôi đào tạo ra, các phòng GDĐT chấp nhận tuyển dụng, sao không ai nói?”.