Trong phần 3 của series podcast Archetypes phát trên một nền tảng trực tuyến, Meghan Markle giới thiệu một người tiếp tục đứng về phía mình: Nữ diễn viên Mindy Kaling người Mỹ.
Lần này, câu chuyện nổi lên không liên quan đến Nelson Mandela mà (tất nhiên) lại là bản thân Nữ Công tước. Cô kể với Mindy cách mà chồng mình - Hoàng tử Harry phản ứng với việc có người cho rằng cô là "Lọ Lem" may mắn.
Với những diễn ngôn về nữ quyền và chủng tộc mà Meghan đã dựa vào để tạo ảnh hưởng truyền thông kể từ khi rời Hoàng gia, Nữ Công tước không có mấy hảo cảm với loại bình luận như thế. "Mọi người lúc nào cũng: 'Ôi trời, cô thật may mắn khi anh ấy chọn cô'. Đến lúc nào đó, sau khi nghe điều đó cả triệu lần, bạn kiểu như, 'Chà, tôi cũng chọn anh ta mà'" - cô giãi bày.
Meghan giải thích thêm, Harry cho rằng anh mới là người may mắn được chọn. Đó là loại nguyên mẫu và thành kiến, một ý tưởng phân biệt giới tính mà Nữ Công tước vẫn cố gắng chống lại, và đúng là nên chống lại.
Câu hỏi là, Meghan liệu có phải một tấm gương hoàn hảo cho hình mẫu phụ nữ tự cường và là nàng công chúa trước cả khi được đội vương miện Hoàng gia không?
Tháng 9 này, Nữ Công tước và chồng có chuyến đi trở về châu Âu trong một loạt các hoạt động công chúng và từ thiện. Tất nhiên, vẫn là những diễn ngôn mà nữ diễn viên da màu đã đấu tranh suốt thời gian qua được "PR" lại, nhưng có vẻ chúng phần nào bị lu mờ bởi một bộ trang phục đỏ chót, hay cách mà Nữ Công tước búi tóc kiểu thấp và chiếc áo không tay.
Những ai có bỏ sức lắng nghe bài phát biểu của Meghan tại Hội nghị Thượng đỉnh One Young World tại Manchester hồi đầu tuần, chắc cũng nhận ra nó không khác mấy so với một podcast độc thoại khác của cô nàng, khi có người đã dựng lại video dài 3 phút 20 giây Nữ Công tước chỉ nói về bản thân mình - trong một bài phát biểu hơn 7 phút.
Nhưng Nữ Công tước có gì cho cá nhân ngoài một vài dự án bị hủy với Netflix, một dự án podcast trì trệ mãi (mà vẫn tiếp tục nói về bản thân), vài bài phỏng vấn đa phần là kêu ca với báo chí, hay những lần kể tội Hoàng gia, để tiếp tục giơ cao ngọn cờ nữ quyền và quyền da màu? Nếu đem so với Serena Williams, người bạn thân của cô, đó đã là một sự khập khiễng đến mức phải bật cười.
Tất nhiên, Meghan không phải không có khó khăn. Những thứ cô phải đối mặt khi là người có "một nửa" gốc da màu hẳn không dễ dàng gì và điều đó càng khiến việc xem xét các hành động của Nữ Công tước mà không gây ra tổn thương hay chỉ trích thật khó khăn.
Nữ Công tước (hoặc giới truyền thông) vẫn đang hy vọng vào một hình tượng công chúa da màu đích thực cho các trẻ em gái da màu. Không có sự mỉa mai nào ở đây hết, khi cựu nữ diễn viên tuyên bố, "Bạn có sức mạnh bên trong mình để tạo ra một cuộc sống tuyệt vời hơn bất kỳ câu chuyện cổ tích nào bạn từng đọc. Ý tôi không phải là "Bạn có thể kết hôn với hoàng tử vào một ngày nào đó'. Ý tôi là bạn có thể tìm thấy tình yêu. Bạn có thể tìm thấy hạnh phúc.
Bạn có thể chống lại những gì trông như là trở ngại lớn nhất và sau đó bạn có thể tìm lại hạnh phúc".
Hạnh phúc, thành công của Meghan, như nhà bình luận da màu Sisonke Msimang viết trên tờ Guardian, chẳng qua chỉ xoay quanh cuộc hôn nhân của cô. Hỏi chồng của Serena Williams là ai, chắc chẳng mấy ai bật ra được ngay, nhưng ai mà lại biết đến Meghan nhưng ngó lơ Harry hay Hoàng gia?
Lựa chọn của Meghan là những thứ dễ dàng. Với các câu chuyện đào vết Hoàng gia, lời tuyên bố trơ trẽn về "ngày mà người dân Nam Phi tràn ra đường ăn mừng không khác khi Nelson Mandela được trả tự do", Meghan không có mấy thứ để kể về chính mình, trừ vài diễn giải suông về cách mà cô trải qua mọi khó khăn như mọi người phụ nữ khác trên thế giới.
Thật khó để hình dung những khó khăn của việc cân nhắc bỏ hàng triệu USD mua nhà với khó khăn của những người phụ nữ da đen tại những vùng nghèo khó mà Nữ Công tước đang cố đại diện.
Khi hình dung những khía cạnh này, mới thấy việc so sánh Meghan với mẹ chồng quá cố, Công nương Diana - người đã phá bỏ hàng loạt định kiến về thậm chí cả những nhóm người yếu thế mà bà không thể đại diện, như người mắc HIV-AIDS, mới thật trơ trẽn.
Trong khi những người bạn như Tyler Perry, Oprah Winfrey và Serena Williams đều là những người đặt "da thịt trong cuộc chơi" và "chiến" đến cùng vì tượng đài xây bởi mồ hôi của chính họ, thứ hào nhoáng nhất người ta nhớ được về Meghan là danh vị "Nữ Công tước, cựu diễn viên phim Suits, mẹ của 2 bé Mountbatten-Windsor".
Như cháu trai của Mandela, Mandla đã nói trong một phản hồi cho tuyên bố ngạo nghễ của Markle, "Mỗi ngày đều có những người muốn trở thành Nelson Mandela, hoặc so sánh mình với ông ấy hoặc muốn bắt chước ông ấy". Mandla thúc giục Markle ít nhất thì hãy xắn tay áo lên làm gì đó đi. Có lẽ, đến cả cộng đồng da màu cũng chán phải nghe và mong được thấy rồi.
Đó là chưa kể những hành động gần đây với Hoàng gia. Trong khi lo ngại về sức khỏe của Nữ hoàng ngày càng tăng cao khi bà tiếp tục gặp khó khăn đi lại và phải tổ chức cuộc tiếp kiến với tân Thủ tướng trong bối cảnh phá vỡ truyền thống 70 năm, Nữ Công tước đã làm gì để đáp lại gia đình đã trao cho cô một cái danh vị không gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ?
Cô (và Harry) từ chối lời mời thăm bà.
Nguồn: Tổng hợp