Một huyện có 4 thí sinh vào chung kết Olympia, 3 học sinh cùng trường

3 học sinh cùng trường

Một bất ngờ thú vị khi huyện Hải Lăng (Quảng Trị) từng có 4 thí sinh vào chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam.

Lê Thanh Tân Nhật , Văn Viết Đức (hàng trên từa trái qua), Văn Ngọc Tuấn Kiệt và Phan Đăng Nhật Minh (hàng dưới từ trái qua).

Trong đó, hai thí sinh đã giành chức vô địch là Văn Viết Đức (2015) và Phan Đăng Nhật Minh (2017). Lê Thanh Tân Nhật giành á quân năm 2018, và Văn Ngọc Tuấn Kiệt vào chung kết năm cuộc thi Olympia diễn ra tháng 9 năm nay.

Giữa tháng 6, cô Phan Thiên Nga - hiệu trưởng Trường THPT thị xã Quảng Trị - vẫn chưa hết xúc động sau khi biết tin Văn Ngọc Tuấn Kiệt, học sinh lớp 11 của trường, về nhất trong cuộc thi quý của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20. Điều này đồng nghĩa Tuấn Kiệt sẽ vào chung kết năm, đưa cầu truyền hình trực tiếp về trường. 

Đây là lần thứ ba chỉ trong 5 năm qua học sinh của trường đưa được cầu truyền hình trực tiếp trận chung kết năm của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia về Quảng Trị.

"Năm 2015 được xem là năm mở ra cánh cửa Olympia của Trường THPT thị xã Quảng Trị. Văn Viết Đức là học sinh đầu tiên của trường này vào được chung kết năm. Thời điểm đó Olympia là một ngọn núi rất khó chinh phục và thường chỉ dành cho học sinh chuyên ở các thành phố như TP.HCM, Hà Nội, Huế... Không ai nghĩ một học sinh trường làng như Đức lại vào được chung kết. Đức đưa được cầu truyền hình về trường đã là một điều kỳ diệu" - cô Nga nói. Và điều kỳ diệu hơn đã xuất hiện. Văn Viết Đức đã vô địch Olympia năm đó.

Mùa Olympia năm 2018, tên ngôi trường này lại được nhắc đến ở trận đấu cuối cùng của sân chơi Olympia. Lê Thanh Tân Nhật là học sinh thứ hai của trường lọt vào chung kết năm của cuộc thi này. Sân trường lần thứ hai trở thành một trong bốn đầu cầu truyền hình của cả nước. Tân Nhật năm đó về đích với vị trí á quân.

Đến mùa Olympia thứ 20. Điều không ngờ đã xuất hiện. Chỉ trong 5 năm, ba học sinh của trường đã vào trận đấu cuối cùng của sân chơi trí tuệ Olympia. "Ngay cả chúng tôi cũng không dám tin khi nó chưa xảy ra. Nhưng điều kỳ diệu đó đã đến" - cô Nga tự hào.

"Công trình Olympia"

Những ngày này, Trường THPT thị xã Quảng Trị đang tất bật chuẩn bị cho cầu truyền hình trận chung kết Olympia năm thứ 20. Trận chung kết này đã được ấn định vào giữa tháng 9. Tuấn Kiệt cũng đang ôn kiến thức cho trận chung kết. Nhưng đồng thời với việc ôn luyện cho Kiệt, một cuộc thi khác tại trường cũng đang diễn ra vô cùng hấp dẫn. Đó là cuộc thi Chinh phục đỉnh cao.

"Đây là nền móng của những ngôi nhà lung linh mà người ta nhìn thấy về Trường THPT thị xã Quảng Trị trong những năm qua" - cô Nga nói đầy ẩn ý. Những học sinh đang tham gia cuộc thi Chinh phục đỉnh cao của trường những năm trước chính là những Văn Viết Đức, Tân Nhật, Tuấn Kiệt.

Theo cô Nga, từ đầu những năm 2000, trường đã có định hướng chinh phục sân chơi Olympia vì đây là sân chơi trí tuệ cao nhất cho học sinh phổ thông. Một kế hoạch cụ thể được trường vạch ra. Cô Nga nói phải tạo ra một sân chơi trí tuệ tương tự cho học sinh ở trường để tuyển chọn và bồi dưỡng. Chinh phục đỉnh cao - một phiên bản Olympia thu nhỏ đã ra đời như thế.

Một tổ hỗ trợ và đào tạo học sinh đi thi Olympia gồm các giáo viên đại diện tất cả các bộ môn với tên gọi Ban chinh phục đỉnh cao được chính thức thành lập. Kho câu hỏi Olympia được thiết lập. Thầy Lê Công Long - giáo viên vật lý của trường - phối hợp cùng một giáo viên thuộc Trường PTDT nội trú tỉnh tự viết ra một phần mềm có chức năng hoạt động không khác trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam.

Học sinh cũng được khuyến khích gửi câu hỏi. Ban chinh phục đỉnh cao sẽ làm nhiệm vụ lọc câu hỏi và nhập vào kho câu hỏi online trong phần mềm này. Những cuộc thi Olympia thu nhỏ với tên gọi Chinh phục đỉnh cao được tổ chức liên tục giữa các học sinh trong trường trong suốt một năm trời để chọn ra một người xuất sắc nhất đăng ký dự thi Đường lên đỉnh Olympia...

Cô Nga gọi những lần vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia của trường là những "công trình Olympia". "Đó là kết quả của sự nỗ lực cá nhân của các em. Và đó cũng là một công trình chung của toàn bộ giáo viên và học sinh trong trường mà người ngoài trường có thể sẽ khó nhìn thấy hết. Tất cả đã cùng nỗ lực suốt hơn một năm trời để đem về vinh quang cho tỉnh nhà. Đó là phần thưởng lớn nhất" - cô Nga nói thêm.

Tuyển chọn từ đầu lớp 10

Thầy Lê Công Long (giữa) cùng học trò của mình. (Ảnh: QUỐC NAM)

Thầy Lê Công Long - hiện là trưởng Ban chinh phục đỉnh cao của trường - kể quá trình lọc người có khả năng và bồi dưỡng để đi thi Olympia trường thực hiện ngay từ những ngày đầu tiên của khối lớp 10 với rất nhiều vòng sàng lọc. Vòng thi đầu tiên, toàn bộ học sinh khối 10 trong trường sẽ tham gia. 150 em có điểm tốt nhất sẽ được chọn để vào vòng 2. Sau nhiều vòng thi sẽ chọn ra thí sinh có điểm cao nhất.

"Người được chọn sẽ bắt đầu được ban bồi dưỡng liên tục suốt gần một năm trước khi đăng ký đi thi Đường lên đỉnh Olympia vào giữa năm học lớp 11. Những cuộc thi Olympia thu nhỏ tại trường liên tục được tổ chức với hệ thống phần mềm do trường tạo ra để học sinh quen với cuộc thi" - thầy Long kể.

Cùng huyện Hải Lăng

Ngoài ba học sinh của Trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị còn có thêm một học sinh khác từng vào chung kết năm và giành ngôi vô địch. Đó là Phan Đăng Nhật Minh. Bốn học sinh này đều sinh ra và lớn lên tại huyện Hải Lăng. Trong đó, Văn Viết Đức và Văn Ngọc Tuấn Kiệt ở gần nhà nhau tại xã Hải Phú. Tân Nhật ở xã Hải Quy, và Nhật Minh ở thị trấn Hải Lăng.

QUỐC NAM (Nguồn: https://tuoitre.vn/1-huyen-co-4-thi-sinh-vao-chung-ket-olympia-3-hoc-sinh-cung-truong-20200619085246131.htm)