Nếu nhìn vào cuộc đời của Glenn W. Turner thì nhiều người chắc sẽ đồng ý với lời quảng cáo "thoát nghèo vượt khó" của trùm đa cấp này.
Xuất thân là con trai của một người chuyên đi làm thuê tại nam Carolina và một bà mẹ đơn thân, sinh ra đã bị hở hàm ếch, bỏ học năm lớp 8 trước khi gia nhập quân đội.
Thế rồi khi kết thúc nghĩa vụ, Turner trở thành nhân viên bán máy khâu, các sản phẩm gia dụng và mỹ phẩm.
Đến cuối thập niên 1960, người đàn ông này quyết định khởi nghiệp với Glenn W.Turner Enterprise và đến năm 1970 đã sở hữu đến 70 công ty.
Những doanh nghiệp như “Dare to Be Great” của Turner trở nên vô cùng nổi tiếng khi chuyên bán các khóa học về cải thiện bản thân, tạo động lực cho mọi người.
Dù nói rằng mình làm giàu từ marketing và bán khóa học nhưng trên thực tế, Turner là ông trùm đa cấp của Koscot Interplanetery, được sáng lập vào ngày 27/8/1967 chuyên về bán mỹ phẩm.
Nhờ tài ăn nói và những thủ thuật đánh vào lòng ham làm giàu của mọi người mà mạng lưới của Turner nhanh chóng mở rộng lên đến 60.000 người tham gia tại 40 bang của Mỹ.
Vào năm 1969, Turner sống trong một biệt thự giàu có ở Lake Maitland gần Orlando Florida với 8 chiếc xe hạng sang như Cadilac hay Rolls Royce, 3 chiếc máy bay tư nhân cùng vô số bộ sưu tập quần áo, giày dép xa xỉ khác.
Năm 1972, người đàn ông xuất thân nghèo khổ, bỏ học sớm và bị hở hàm ếch này đã chi tới 3,5 triệu USD để mua một lâu đài đá có chỗ đỗ trực thăng trên hồ Bear Gulley Lake gần Orlando.
Trước đó vào năm 1971, Turner được tạp chí Life viết hẳn 11 trang về cuộc đời và sự nghiệp, đồng thời cho biết tổng tài sản của trùm đa cấp này lên tới 300 triệu USD.
Trên thực tế, nhiều người mất tiền cho hệ thống đa cấp này đã kiện Turner khi vụ kiện đầu tiên diễn ra vào năm 1969.
Thế nhưng bằng vào sự khôn khéo của mình mà phải mãi đến tận năm 1987, siêu lừa này mới bị tuyên án vì hành vi lừa đảo theo mô hình đa cấp Ponzi.
Ngay cả khi bị kết án, Turner vẫn kiên trì cho biết mình không làm gì sai khi chỉ muốn giúp mọi người thành công, giàu có.
“Những lợi ích mà tôi đem lại nhiều hơn nhiều so với các thiệt hại. Thế nhưng sự cứng nhắc của luật pháp vẫn khiến tôi phải vào tù”, Turner nói trong tù khi được phỏng vấn.
Vào năm 2020, siêu lừa này qua đời nhưng câu chuyện về mô hình lừa đảo bằng niềm tin, về những khóa học làm giàu của Turner vẫn khiến vô số người phải đem ra phân tích.
Vậy làm thế nào mà siêu lừa này kiếm được nhiều tiền đến vậy chỉ bằng miệng lưỡi?
Mỹ phẩm đa cấp
Mô hình kinh doanh đa cấp của Turner được quảng cáo là bán mỹ phẩm có chứa dầu chồn (Mink Oil), thế nhưng thứ thật sự kiếm ra tiền là mô hình ăn hoa hồng nếu kéo được người gia nhập.
Thành viên có thể trả 2.000 USD để trở thành người giám sát (Supervisor) hoặc 5.400 USD để lên chức giám đốc (Director) của nhóm.
Tờ Washington Post cho biết với việc vung vẩy những tờ tiền 100 USD hay cả xấp tiền dày cộp, ăn mặc bóng bẩy với giày da cá sấu, âu phục hàng hiệu, lái những chiếc xe Cadilac hào nhoáng đến các hội nhóm giảng dạy về làm giàu, Turner đã nhanh chóng thu hút được vô số người gia nhập đường dây đa cấp của mình.
Vậy là khi cho cả thế giới biết về quá khứ khó khăn của mình, Turner cũng khiến mọi người lầm tưởng rằng siêu lừa này đã vượt qua được nhiều chông gai để đến đích thành công.
“Tôi làm được bạn cũng làm được”, “Tất cả những gì bạn cần là tin tưởng”... trở thành những bài diễn thuyết lay động con tim của vô số người tham gia khóa học làm giàu của Turner.
Trong phiên tòa năm 1972, nhiều nạn nhân làm chứng cho biết Turner khuyến khích họ hãy “giả vờ cho đến khi thành sự thật” (Fake it until you make it), tốn tiền ăn mặc hoặc thể hiện mình là người giàu có để tiếp cận giới thượng lưu bán hàng, hoặc ít nhất cũng lừa được mọi người vào mạng lưới “làm giàu”.
Tác giả Robert L.FitzPatrick của cuốn “False Profits: Seeking Financial and Spiritual Deliverance in Multi-Level Marketing and Pyramid Schemes” nhận định văn hóa giả vờ cho đến khi thành công đang len lỏi mạnh mẽ vào Mỹ cũng như nhiều nước, trở thành một thứ “bình thường” trong phương thức làm giàu của nhiều khóa học.
Từ Elizabeth Holmes của Theranos, nguyên mẫu Anna Sorokin trong tác phẩm của Netflix cho đến Sam Bankman Fried của tiền số FTX đều từng là những người được xã đánh giá thành công trước khi mọi thứ sụp đổ.
Vậy tại sao câu chuyện giả vờ thành công cho đến khi thực sự thành công lại dần trở thành chuyện bình thường trên con đường dựng nghiệp ngày nay đến vậy?
'Bốc phét' cho đến khi thành sự thật
Theo Washington Post, mọi chuyện bắt đầu từ thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan khi cường quốc này dần chiếm ưu thế trong cuộc chiến tranh lạnh.
Sự bùng nổ mạnh mẽ về kinh tế hậu Thế chiến II, khiến đối thủ Liên Xô sụp đổ cùng vô vàn những thành tựu khác đã tạo nên một ảo tưởng sai lầm rằng “bất cứ thứ gì giúp bạn kiếm được tiền cũng là đáng giá”.
Sự phân hóa giàu nghèo tại Mỹ bắt đầu mở rộng khi người giàu càng giàu còn người nghèo thì cố bắt chước người giàu. Các cổ đông doanh nghiệp thay vì nghĩ đến kết quả dài hạn thì tập trung hơn cho lợi nhuận theo quý và cổ tức, giá cổ phiếu.
Đây cũng là thời điểm mà vô số những ý tưởng làm giàu mới bộc phát, tạo cơ hội cho đa cấp và lừa đảo len lỏi vào đời sống.
“Lừa đảo dần trở thành những mô hình kinh doanh khi mọi người bán cho nhau niềm tin. Chỉ trong một nền kinh tế thực dụng tư bản thị trường thì việc nói rằng phải lừa gạt để kiếm lợi nhuận mới có thể tồn tại”, tác giả Micki McGee của cuốn “Self Help, Inc” nói.
Tờ Washington Post dẫn chứng không nơi nào lừa đảo nhiều như ở Thung lũng Silicon, khi ranh giới giữa “sự lạc quan thái quá” và “lừa dối” trở nên cực kỳ mong manh.
Trong thời điểm lãi suất Mỹ còn thấp suốt 10 năm qua, nhà đầu tư đã đổ tiền một cách vô cùng mạo hiểm cho các startup và câu chuyện “bốc phét cho đến khi thành sự thật” bỗng trở thành điều bình thường của các nhà khởi nghiệp.
Việc nói dối, nâng số liệu để đánh bóng dự án trở thành hiển nhiên cho đến khi họ gọi vốn thành công và phát triển đúng như những gì cam kết.
Thế rồi mọi người sẽ bu vào tung hô, noi gương câu chuyện khởi nghiệp thành công đó mà quên đi vô số startup “chém gió” khác đã phá sản vì lừa đảo số liệu.
Những vụ như Grubhub hay Postmates công bố báo cáo bao gồm cả các nhà hàng không có hợp đồng với họ đã trở thành chuyện bình thường.
Một ví dụ khác là JP MorganChase mua hớ Frank, một nền tảng của Charlie Javice mà tệp khách hàng toàn là những email giả mạo được dựng lên.
Gần đây nhất thì có tiền số, khi những đồng tiền chẳng được bảo đảm bởi chính phủ nào, vô tác dụng cũng không được luật pháp công nhận tại nhiều nơi cũng được tung hô và rao giá trên trời trước khi xì hơi bong bóng thị trường.
Nghiên cứu của Viện Pew năm 2019 cho thấy người dân đang cạn kiệt dần niềm tin vào xã hội khi một nửa số người được hỏi chẳng tin vào chính phủ Mỹ. Thậm chí họ cũng chẳng tin vào truyền thông hay các doanh nghiệp lớn khi luôn nghi ngờ mọi người đang cố lừa đảo để thu lợi cho mình.
Trớ trêu thay, chính vì sự cạn kiệt niềm tin này mà nhiều vụ đa cấp, lừa đảo vẫn xảy ra khi mọi người cho rằng “nói dối một chút” là điều bình thường để có thể làm giàu, rằng giả vờ như thật cuối cùng cũng sẽ thành công.
Học thuyết kinh tế của Tổng thống Ronald Reagan có tên Reaganomics (viết nối của hai từ Reagan và Economics do Paul Harvey đưa ra) là kết hợp các biện pháp kinh tế được Tổng thống Reagan đưa ra trong hai nhiệm kỳ của mình.
Chính sách kinh tế dưới thời Reagan là kết hợp các biện pháp giảm thuế với chi tiêu mạnh cho quốc phòng. Điều này giúp nền kinh tế tăng trưởng nhưng lại khiến nợ của quốc gia tăng gấp nhiều lần.
Học thuyết Reaganomics dựa vào quan điểm cho rằng một khi giảm thuế, người lao động hoặc nhà đầu tư sẽ có thêm một khoản tiền trong thu nhập của họ và đổ sang chi tiêu, giúp tăng cầu cho sản xuất.
Điều này dẫn tới thêm đầu tư và công ăn việc làm. Sản lượng tăng, sức ép lạm phát giảm và tiền tệ lưu thông giúp kiểm soát thâm hụt ngân sách.
Cho tới nay, chính sách kinh tế của Reagon vẫn còn gây chia rẽ sâu sắc. Câu hỏi liệu học thuyết Reaganomics có lợi hay hại cho nước Mỹ, công bằng hay bất công cho các nhóm thu nhập khác nhau, chắc sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời cuối cùng.
Nguồn: Washington Post