Nhận được giấy báo trúng tuyển của đại học danh tiếng
Năm 2011, sau khi có kết quả thi đại học không như mong đợi, một nam sinh tên Trương Bằng (tên nhân vật đã thay đổi) đứng trước 2 lựa chọn: thi lại hoặc theo học 1 trường cao đẳng.
Đúng lúc này, cha Trương Bằng nói rằng mình có 1 người đồng hương hứa hẹn có thể “chạy” cho con trai vào Đại học Vũ Hán với học phí 150.000 NDT (khoảng 545 triệu đồng), kèm cam kết có bằng tốt nghiệp và bằng cử nhân như sinh viên chính quy.
Ban đầu, cha Trương còn nghi ngờ, bởi lẽ Đại học Vũ Hán là trường top đầu, làm sao có thể như thế được? Tuy nhiên, người kia cam đoan với cha Trương là có “kênh đặc biệt”, khiến ông đồng ý chuyển tiền.
Không lâu sau đó, 1 “giấy báo trúng tuyển” có dấu mộc của Đại học Vũ Hán thực sự được gửi đến tận tay Trương Bằng. Tin tưởng vào tính xác thực của giấy tờ, anh đã lên đường nhập học và bắt đầu 4 năm đại học.
Tháng 9 năm đó, Trương Bằng đến trường nhập học và được Trương Kiệt – người tự xưng là giáo viên phụ trách dẫn dắt. Cùng với anh là 3 tân sinh viên khác cũng có hoàn cảnh tương tự.
Những điều kì lạ bắt đầu xuất hiện khi phòng kí túc xá của nhóm 4 người này lại là 1 kho chứa đồ được cải tạo sơ sài, phủ bụi bặm. Qua trò chuyện, họ nhận ra mình đều vào được trường nhờ 1 kênh không chính thống.
Không lâu sau đó, Trương Kiệt còn tổ chức họp nhóm và yêu cầu mọi người tuyệt đối giữ bí mật về cách mình được nhận vào trường. Ông còn viết số tài khoản ngân hàng, yêu cầu mỗi người nộp 18.500 NDT (khoảng 67 triệu đồng), trong đó 3.500 NDT (khoảng 12 triệu đồng) là phí ký túc.
Lúc này Trương Bằng băn khoăn: học phí này cao gấp nhiều lần so với quy định thông thường của các trường công lập. Tuy nhiên, Trương Kiệt lại giải thích đây là mức phí dành cho “sinh viên đặc biệt” và trấn an họ rằng chỉ cần học hành nghiêm túc là được.

Trương Bằng
Bị tách biệt từ ngày đầu, nam sinh nhận ra những dấu hiệu bất thường
Trong kỳ huấn luyện quân sự của tân sinh viên, nhóm của Trương Bằng lại không huấn luyện chung với các sinh viên khác mà bị phân đến 1 khu ngoại ô. Và Trương Kiệt vẫn giải thích như cũ, họ vào bằng kênh đặc biệt nên sẽ có chút khác biệt.
Kế tiếp, vào ngày học, cả nhóm Trương Bằng đều không được gọi tên điểm danh. Khi thầy giáo hỏi lại, họ đồng loạt giơ tay báo thiếu tên. Sau khi nghe tên từng người, thầy giáo đáp: “Danh sách lớp không có các em. Sau giờ học hãy liên hệ với người phụ trách nhé.”
Không những thế, nhóm Trương còn không được cung cấp thẻ sinh viên – vật dụng quan trọng để sử dụng các dịch vụ trong trường và xác nhận thân phận sinh viên.
Việc thiếu thẻ khiến Trương bắt đầu cảm thấy lo lắng thật sự về thân phận của mình trong ngôi trường này. Nhưng khi tìm đến giáo viên phụ trách là Trương Kiệt, họ chỉ nhận được câu trả lời đầy sự né tránh và đe dọa: “Các em chỉ cần học bình thường và tốt nghiệp, đừng hỏi quá nhiều.”
Tự an ủi rằng mình vào trường theo cách đặc biệt, Trương Bằng đành cam chịu tiếp tục học. Đến kỳ thi cuối kỳ, nhóm của Trương tiếp tục bị yêu cầu thi riêng ở phòng khác và được thông báo kết quả riêng. Khi lớp trưởng phát hiện điều này và phản ánh lên nhà trường, phía trường lại giải thích rằng nhóm học sinh này có thể là sinh viên hệ đào tạo người lớn hoặc hệ phi chính quy.

Thẻ sinh viên của trường của Đại học Vũ Hán
Mọi chuyện kéo dài đến khi nhóm Trương Bằng vào năm 4 đại học. Không giáo viên hướng dẫn, không thông báo bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, linh cảm có chuyện chẳng lành, Trương quyết định bỏ qua thầy Trương Kiệt và trực tiếp đến phòng giáo vụ của trường hỏi rõ.
Câu trả lời từ nhà trường khiến anh choáng váng: “Trong hệ thống quản lý sinh viên của trường không hề có thông tin của em, tức là em chưa từng được Đại học Vũ Hán tuyển sinh.”
Ngay lập tức, Trương gọi điện cho thầy Trương Kiệt nhưng chỉ nhận được tín hiệu: số máy không tồn tại.
Cả nhóm bạn của Trương đều gặp trường hợp tương tự. Nhận ra mình bị lừa, Trương lập tức báo cho cha mẹ. Cha mẹ anh nhanh chóng lên Vũ Hán mang theo “giấy báo trúng tuyển” đến phòng tuyển sinh.
Sau khi xem xét kỹ giấy tờ, trưởng phòng tuyển sinh – ông Vương Phúc, khẳng định: “Đây là giấy báo giả. Đại học Vũ Hán từ năm 2011 đã áp dụng tuyển sinh theo nhóm ngành, không tuyển riêng ngành Tài chính như trên giấy này.”
Tuyển sinh theo nhóm ngành là hình thức tuyển sinh trong đó trường đại học không tuyển sinh từng chuyên ngành cụ thể, mà tuyển vào một nhóm ngành lớn. Sau 1–2 năm học đại cương, sinh viên mới được phân chuyên ngành cụ thể dựa trên nguyện vọng, điểm học tập và chỉ tiêu của từng ngành. Ví dụ, trường sẽ tuyển chung vào nhóm ngành "Kinh tế – Tài chính". Sau khi học chung 1-2 năm, sinh viên mới chọn học Tài chính hoặc Kế toán tùy theo điểm và năng lực.
Vụ việc được làm rõ
Sau đó, cảnh sát đã vào cuộc và xác định được có tổng cộng 32 sinh viên rơi vào bẫy lừa tương tự.
Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại ở đó. Nhiều phụ huynh cho rằng Đại học Vũ Hán cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Trước sức ép dư luận, đại diện Đại học Vũ Hán đã đưa ra phản hồi:
“Trường đại học là môi trường mở, thường xuyên có sinh viên học phụ đạo, trao đổi, hoặc học song ngành. Một lớp học có thể có nhiều đối tượng sinh viên khác nhau. Giảng viên không thể kiểm tra đủ lý lịch từng sinh viên.”
Nhờ nỗ lực của lực lượng chức năng, Trương Kiệt cùng các đối tượng liên quan đã bị bắt giữ và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Thế nhưng, những người rơi vào bẫy như Trương Bằng dù có thể lấy lại số tiền đã mất thì 4 năm tuổi trẻ kia lại không thể, họ hiện chỉ tốt nghiệp trình độ phổ thông.
Sự việc này cũng là một hồi chuông cảnh báo các bậc phụ huynh và nhà trường trong hỗ trợ con em theo đuổi nghiệp học và việc quản lí tuyển sinh.
Theo Sohu