Theo một nghiên cứu được trình bày mới đây tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu, những giấc ngủ ngắn kéo dài hơn 60 phút có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Nếu bạn là người yêu thích những giấc ngủ ngắn ban ngày, bạn có thể phải suy nghĩ lại thói quen của mình, theo một phân tích tổng hợp nghiên cứu được trình bày mới đây tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu. Mặc dù hiện tại chỉ có phần tóm tắt của nghiên cứu thì các tác giả đến từ Đại học Y khoa Quảng Châu, Trung Quốc đã chia sẻ những phát hiện sơ bộ cho thấy rằng, ngủ trưa hơn 1h có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và nguy cơ cao khó qua khỏi ở một số người.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét 20 công trình trước đây về giấc ngủ ngắn, bệnh tim và nguy cơ "hết thuốc chữa" bao gồm dữ liệu về 313.651 người, trong đó 1/3 (39%) cho biết đã ngủ trưa thường xuyên. Nghiên cứu kết luận rằng, những giấc ngủ ngắn trong bất kỳ khoảng thời gian nào đều làm tăng 19% nguy cơ và cho biết, có thể là do những người sử dụng giấc ngủ ngắn để thay thế cho một đêm ngủ trọn vẹn, điều cần thiết cho sức khỏe toàn diện.
Nhưng những người ngủ trưa dài từ 60 phút trở lên có nguy cơ cao nhất. Theo nghiên cứu, những người này có nguy "đi" sớm cao hơn 30% và nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 34% so với những người không ngủ trưa.
Theo tác giả chính của nghiên cứu Tiến sĩ Zhe Pan, ngủ trưa dài có thể góp phần gây ra chứng viêm, huyết áp cao và tiểu đường. Đồng thời, kết quả cũng mâu thuẫn với nghiên cứu cho thấy ngủ trưa giúp cải thiện chức năng não và giảm huyết áp.
Có một phát hiện tích cực về giấc ngủ ngắn trong nghiên cứu mới này, đó là những giấc ngủ ngắn trong khoảng 30 - 45 phút có thể cải thiện sức khỏe tim mạch của một người. Pan cho biết: “Các kết quả cho thấy những giấc ngủ ngắn hơn có thể cải thiện sức khỏe tim mạch ở những người ngủ không đủ vào ban đêm, trái ngược với những giấc ngủ ngắn hơn có thể làm tăng chứng viêm và gây rối loạn giấc ngủ ban đêm của một người".
Nghiên cứu trước đây cho thấy, một giấc ngủ ngắn 60 phút vào buổi trưa có thể làm giảm huyết áp của một người gần bằng sử dụng thuốc giảm huyết áp. Nếu huyết áp của một người quá cao, nó có thể dẫn đến đau tim.
Vì đây là một phân tích của các nghiên cứu trước đây nên có thể có các yếu tố khác như lối sống, độ tuổi hoặc tình trạng cơ bản của người tham gia đã đóng góp vào kết quả. Do đó, các tác giả nghiên cứu không thể nói rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa giấc ngủ ngắn và bệnh tim hoặc nguy cơ tính mạng.
Giấc ngủ ngắn không thay thế giấc ngủ trọn vẹn cả đêm
Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng, giấc ngủ ngắn có lợi cho chức năng não nhưng tất cả phụ thuộc vào thời lượng của giấc ngủ ngắn và cách thức sử dụng giấc ngủ này. Nếu một người thường xuyên sử dụng một giấc ngủ ngắn để thay thế giấc ngủ đã mất vào ban đêm thì có khả năng giấc ngủ ngắn vào buổi trưa của họ sẽ gây bất lợi cho sức khỏe của họ.
(Ảnh minh họa: Soha.vn)
Theo Cleveland Clinic, những giấc ngủ ngắn kéo dài có thể làm xáo trộn thói quen ngủ hàng đêm của một người và dẫn đến mất ngủ, điều này có thể làm tăng huyết áp của một người và góp phần vào kết quả sức khỏe tổng thể tồi tệ hơn. Vì lý do đó, Hiệp hội Giấc ngủ Hoa Kỳ khuyến nghị nên giữ những giấc ngủ ngắn vào buổi trưa và tập trung vào những giấc ngủ trọn vẹn bắt đầu và kết thúc vào khoảng thời gian giống nhau mỗi ngày.
Theo Insider