4 ngày sau sự việc cháu L.H.L (học sinh lớp 1, Trường Gateway, Cầu Giấy, Tp. Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi trực tiếp với bà Nguyễn Bích Quy – người đón trẻ của Trường Gateway.
Trong sự việc cháu L.H.L tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón, bà thấy phần trách nhiệm của mình là như thế nào?
– Bà Nguyễn Bích Quy: Lỗi của tôi đầu tiên là để quên cháu L, bởi vì tôi nhìn vào xe không thấy gì. Chắc có thể cháu ngủ hoặc ghế cao nên tôi không nhìn thấy.
Tôi là người sai sót đầu tiên. Nhưng nếu khi về chỗ đỗ xe, bác lái xe kéo lại rèm, kiểm tra xe, kể cả vào trong trường, khi thấy thiếu học sinh, nhà trường báo cho bố mẹ, hoặc không báo cho bố mẹ thì báo cho người đón, thì chuyện đã không xảy ra. Nhưng đây lại không thấy báo gì cả.
Sự việc chi tiết ngày hôm đó diễn ra như thế nào, xin bà chia sẻ?
– Buổi học ngày 6/8 là ngày đi làm thứ 2 của tôi trong công việc đưa đón học sinh của Trường Gateway.
Hôm đầu tiên, tôi đón bé L – bé nhỏ tuổi nhất, mới đi học. Tôi dẫn cháu L lên tầng 2 nhà ăn, lấy thức ăn cho cháu. Cháu bảo ăn cháo, tôi lấy cháo, xong bảo con ra ngồi ăn và còn lấy thìa cho cháu ăn. Ăn xong, cháu đi vào lớp với các cô.
Chính ra, tôi chỉ đưa đến đấy là xong việc. Tôi cũng không biết phải bàn giao cho ai cả.
Chia sẻ với Dân Việt, bà Quy cho biết, còn nhiều điều trong vụ việc khiến bà khó hiểu.
Hôm đầu tiên, tôi chỉ đưa cháu vào tầng 2 để ăn thôi. Thấy có cô giáo nào đấy thì cô nhận. Xong buổi thứ nhất, tôi xuống ký sổ để ở bàn là có 8 học sinh đi học. Tôi ký theo thứ tự, cô khác đón thì cô đó ký bên trên, còn mình đón sau thì ký tiếp.
Ngày thứ 2, tôi cũng theo quy trình đấy. Lúc tôi đón, bé L ngồi ghế bên trong, hàng thứ 2 từ dưới lên. Lúc này, cháu mặc áo đỏ đồng phục của trường.
Do có 2 cháu gái sinh đôi còn bé, tôi đã bế và đưa 2 cháu đi vào trường. Vì là buổi đầu đi học, nên các cháu vẫn còn nhát, bám rịt lấy chân tôi. Vì tôi bế 2 bé đó, nên các cháu khác tự đi vào cổng, vì khi đó, đang là giờ các cháu đến, cửa vẫn mở, các cháu cứ thế đi vào.
Tôi có nhìn lại vào xe, nhưng vì có khi cháu L ngủ hoặc bé quá, hoặc ghế cao quá, nên tôi không thấy. Sau đó, tôi đã kéo cửa vào. Tôi nhìn thôi, chứ nếu tôi kiểm tra bên trên thì không đến mức thế này.
Sau, tôi về ký bàn giao 13 cháu.
Khoảng 15h45 chiều hôm đó, tôi đón các cháu. Tôi chỉ đón 10 cháu, vì có 3 cháu đã được ghi ở sổ là bố mẹ đón.
Khi đón được 9 cháu, không thấy L đâu, tôi đã báo cho cô The – người nhận đầu xe đến và về. Lúc đó đi tìm, nếu không thấy học sinh, các cô phải lên tận lớp để tìm. Cô The bảo tôi đưa 9 cháu ra xe trước. Tôi ra đẩy cửa xe, có cả các cháu ở đấy. Khi mở cửa, tôi đã thấy cháu L nằm đó, các cháu khác hét lên: “Có người chết, có người chết”.
Tôi nhìn vào thấy L nằm ngửa, nằm thẳng ngay sàn đầu tiên sau ghế của lái xe, đầu cháu hướng ra ngoài cửa. Ba lô của cháu để ở hàng ghế thứ 3, không phải là hàng ghế thứ 4 như cháu ngồi ban đầu.
Bà Quy cho biết, lúc đón cháu L vào buổi sáng, cháu mặc áo đỏ đồng phục của trường. Tuy nhiên vào buổi chiều, khi phát hiện cháu trên xe, bà thấy cháu mặc áo màu sáng.
Tôi rất hoảng và run, không nói được gì nữa. Lúc tôi mở cửa xe, ông Phiến vẫn ngồi ở trên xe. Sau khi một người bế cháu đi cấp cứu, tôi và ông Phiến xuống xe chạy theo, nhưng sau đó phải quay lại để tiếp tục đưa 9 cháu còn lại về.
Tôi có thấy ông Phiến gọi điện cho ai đó nói về sự việc, sau đó, tiếp tục đưa các cháu còn lại về nhà. Lúc đó, tôi không liên lạc với ai.
Khi đi trên đường, tôi rất hoảng, thỉnh thoảng tôi hỏi ông Phiến: “Thế cháu L thế nào, có thở được không? Cầu trời cho cháu thở được, thở là sống. Bởi vì không biết cháu thế nào, thấy cháu thay áo”.
Đưa các cháu về xong, tôi quay lại trường và ngồi viết lại sự việc. Khi vừa viết được vài dòng, thì có thông tin cháu L mất, trước đó chưa nói gì đến việc cháu mất cả. Ít phút sau, cơ quan công an đến, đưa tôi đi làm việc.
Trong sự việc này, bà có thấy điều gì khó hiểu không?
– Tôi băn khoăn là nhà trường không có người tiếp nhận và kiểm tra sỹ số. Nếu kiểm tra sỹ số thấy thiếu, phải gọi cho gia đình, không gọi được gia đình thì phải gọi cho người đón, một cuộc điện thoại mất bao nhiêu tiền đâu. Nhưng tôi không thấy ai gọi.
Điều khó hiểu thứ hai là việc cháu L sáng mặc áo đỏ đồng phục, nhưng khi phát hiện cháu ở xe, tôi lại thấy cháu mặc áo màu sáng, không phải màu đỏ.
Ông Phiến cũng không hiểu tại sao lại không nhìn thấy cháu. Ông ấy cũng phải nổ máy, ngồi chờ, chẳng lẽ trong thời gian đó, ông ấy không quay lại sau xe một lần để kiểm tra qua. Chẳng lẽ nào lại như thế. Đúng là không biết thế nào.
Trước khi nhận đưa đón trẻ ở trường Gateway, bà Quy cho biết, khi làm ở một trường liên cấp khác, trong một trường hợp cụ thể, khi không thấy học sinh đến lớp đúng giờ, giáo viên trường đã liên hệ ngay lập tức với gia đình.
Trước đây, bà từng nhận đưa đón trẻ ở một trường tư thục liên cấp nào chưa? Quy trình đưa đón của họ cụ thể thế nào?
– Năm 2017, tôi từng đón trẻ ở một trường liên cấp gần đó trong khoảng 1 năm, lương cũng 2,7 – 2,8 triệu/tháng, nhưng không ký hợp đồng.
Ví dụ như quy trình ở trường này, xe cũng đi đón ở từng điểm một, bạn nào lên xe, bạn nào xuống xe đều có đánh dấu. Học sinh chưa ra, tôi sẽ gọi cho bố mẹ cháu chở cháu ra điểm đón, các cháu lên xe điểm danh, đánh dấu đàng hoàng.
Một trường hợp cụ thể tôi nhớ là bạn V.A (lớp 2). Khi chưa thấy V.A ở trường, cô giáo đã gọi về cho phụ huynh hỏi: “Hôm nay, tại sao cháu V.A không đi học?”, bố V.A bảo: “Cháu có đi học, để tôi gọi lại cho cô đưa đón”.
Sau đó, bố V.A đã gọi lại ngay cho tôi, tôi có thông báo là vì tắc đường nên khoảng 5 phút nữa xe sẽ tới trường, như thế phụ huynh họ mới yên tâm.
Việc này ở Trường Gateway hôm tôi đi làm lại không như thế. Tôi nghe thông tin bảo là đã biết thiếu, nhưng mà báo cô khác gọi thì cô đó nghỉ. Nếu cô đó nghỉ, phải có người gọi cho tôi, nhưng chả ai liên lạc cả một ngày trời cả.
Tại sao không ký hợp đồng với đơn vị sử dụng lao động mà bà vẫn làm?
– Tôi gọi là đi làm thời vụ. Trước, tôi làm ở trường liên cấp kia cũng là do chủ xe bây giờ đang làm đưa đón cho Trường Gateway. Không ký hợp đồng, công ty cũng không bảo gì.
Tôi làm việc qua người giới thiệu, chỉ bảo lương 2,8 triệu/tháng, đi là đi thôi. Người ta bảo thiếu người thì gọi tôi đi làm.
Bà Quy cho biết, bà cảm thấy áp lực và đã mường tượng việc mình sẽ phải vướng vòng lao lý.
Hiện tại, bà có cảm thấy hay bị áp lực không?
– Tôi áp lực lắm! Chắc chắn là tôi phải đi tù, không biết là nhiều hay ít, hay mấy năm. Con tôi cũng sắp phải đi tù do vướng vào một số chuyện. Đúng, tôi là người không có trách nhiệm đầu tiên. Nhưng ví dụ theo dây, tôi là người đầu tiên quên, thứ 2 là chú kia (lái xe), thứ 3 là trường.
Tôi lo lắng mình khó mà tránh khỏi lao lý và cũng mường tượng được việc mình sẽ chắc chắn đi tù.
Lý do gì bà lại chia sẻ thông tin với báo chí khá muộn vào đêm qua (9/8)?
– Tôi khoá cửa cả ngày. Về sau, khi con cái về, tôi mở cửa thì người ta ập vào. Tôi có điện thoại đâu, bị thu rồi. Tôi không mời ai cả. Tôi chia sẻ thông tin đến gần 1 giờ đêm.
Kể cả tôi có mời hay là gì thì cũng vẫn phải đi tù.
Thời điểm này, bà đã có chia sẻ gì với gia đình cháu L hay chưa? Bà có cơ hội đến thăm hỏi gia đình nạn nhân không?
– Có chứ, tôi muốn đến thắp cho cháu nén hương. Hôm xảy ra sự việc, khi gia đình L đưa cháu về quê an táng, gia đình tôi cũng có một số người đại diện tới thăm hỏi, chia sẻ với gia đình L. Lúc đó, tôi đang phải làm việc với cơ quan công an.
Bà có ý nghĩ thế nào trong sự việc xảy ra với mình?
– Tôi hi vọng và mong muốn mình sẽ được thông cảm một phần nào đó. Tôi có đi tù 10 năm, nếu người ta thương tình, cho mình giảm bớt đi phần nào, thì tôi biết ơn lắm.
Xin cảm ơn bà!