Zimbabwe, quốc gia nằm ở Nam Phi đang chứng kiến dịch sởi bùng phát trở lại khiến ít nhất 157 trẻ em tử vong và hơn 2.000 ca bệnh được ghi nhận. Bộ Y tế nước này cho biết, tất cả các ca tử vong trên đều chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Zimbabwe là một trong số nhiều quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát nhiều loại bệnh dịch do công tác tiêm vaccine phòng bệnh còn chậm trễ.
Theo số liệu mới nhất do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới, riêng trong năm 2021 khoảng 25 triệu trẻ em trên khắp thế giới đã bỏ lỡ việc tiêm chủng định kỳ để bảo vệ chống lại các bệnh dịch đe dọa đến tính mạng. Con số này nhiều hơn 2 triệu so với năm 2020, khi COVID-19 khiến nhiều nước phải phong tỏa. Còn so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch thì con số trên cao hơn 6 triệu.
Bà Kate O'brien - Giám đốc Bộ phận miễn dịch và vaccine, Tổ chức Y tế thế giới cho biết: "Đây là lần đầu tiên tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em sụt giảm nhiều nhất trong vòng 30 năm. Tỷ lệ trẻ em được tiêm đủ ba liều vaccine bạch hầu, uốn ván, ho gà, thước đo đánh dấu tỷ lệ bao phủ vaccine giữa các quốc gia đã giảm khoảng 5%".
Ông Ephrem Tekle Lemango - Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc khuyến cáo: "Đây là tình trạng báo động đối với sức khỏe trẻ em. Nếu chúng ta không nhanh chóng và khẩn trương bắt kịp việc tiêm chủng, chắc chắn chúng ta sẽ phải chứng kiến nhiều đợt bùng phát dịch bệnh hơn nữa".
Việc tập trung tiêm vaccine ngừa COVID-19 cũng như sự suy thoái kinh tế và căng thẳng đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe, đã làm cản trở các trường hợp tiêm chủng thông thường.
Ở mọi khu vực, mức độ bao phủ tiêm chủng đều giảm. Điều này dẫn đến hậu quả nhìn thấy rõ trong những tháng gần đây, đó là các đợt bùng phát bệnh sởi và bại liệt lẽ ra có thể ngăn ngừa được. Chẳng hạn riêng tại châu Phi, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 400% vào nửa đầu năm nay.
Theo các chuyên gia y tế, để ngăn ngừa một số dịch bệnh bùng phát, hơn 90% trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ.