"Khi trong tài khoản của mình có nhiều số không, thì chữ trong đầu mình cũng nên có nhiều bằng hoặc hơn để tương xứng" - nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch thẳng thắn.
Cách đây ít ngày, Youtuber nổi tiếng Khoa Pug có đăng tải 1 vlog có tiêu đề là ''Phụ nữ Nhật quỳ khóc xin cho Cameraman được ăn''. Tiêu đề câu view khiến nhiều người tò mò kích vào xem, nhưng sau đó ai nấy đều phẫn nộ vì Khoa Pug không hiểu rõ ngôn ngữ và văn hóa ở Nhật nhưng lại còn cố tình hiểu sai, coi thường phụ nữ.
Theo đó, nam Youtuber đã đến một nhà hàng hơn 100 tuổi ở Kyoto để thưởng thức đồ ăn. Anh được vào phòng riêng với một cô gái người Nhật phục vụ. Tuy nhiên khi cô gái phục vụ này phát hiện có máy quay trong phòng thì liền đề nghị bạn đồng hành của Khoa Pug không quay phim nữa mà ngồi xuống cùng ăn chung.
Theo như Khoa Pug dịch sub cho khán giả thì cô gái người Nhật này còn lập tức chạy ra ngoài khóc vì "thương cảm cho Cameraman" khiến Khoa Pug bối rối, nói rằng chị không cần phục vụ mình nữa.
Tuy nhiên khi xem clip rất nhiều người nhận ra rằng không phải người phục vụ thương cảm cho cameraman không được ăn mà người này khó chịu khi bỗng dưng được vào hình trong clip review của Khoa Pug. Bằng chứng là có một câu cô nhân viên nói, rất quan trọng, rằng: "Tôi không phải đồ vật để nhìn ngắm, xin hãy dừng lại". Điều đó chứng tỏ cô ấy không muốn bị Khoa Pug ghi hình liên tục trong khi ở phần sub của Khoa Pug lại dịch là: "Chị thấy cameraman không đụng đũa tưởng tui cấm đoán, bà mẹ tự nhiên hôm nay đóng vai phản diện".
Rất nhanh chóng, Khoa Pug lại trở thành chủ đề bàn tán nóng hổi, bị gạch đá liên tiếp vì không tôn trọng phụ nữ khi dùng cụm từ ''phụ nữ Nhật quỳ khóc''.
Cách đây ít giờ, nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch cũng đã có chia sẻ về vlog gây tranh cãi này của Khoa Pug. Nhà văn nổi tiếng đã đưa ra cái nhìn của mình khi nói về vấn đề lùm xùm của Khoa Pug những ngày qua:
"Về Khoa Pug
1. Lần đầu mình qua Nhật, thấy mấy đứa học sinh tiểu học mặc đồng phục, đeo cặp táp dễ thương quá nên xin chụp hình chung. Ba đứa nhỏ hơi rụt rè nhưng cũng đồng ý. Chỉ có lúc chụp là đưa hai tay lên tạo kiểu che nửa phần dưới của mặt. Nhận ra việc đó, mình đã cúi đầu xin lỗi và xóa hình. Người Nhật vì lẽ lịch sự có thể chụp hình cùng người lạ nhưng chưa chắc họ vui vẻ. Quyền riêng tư, đặc biệt là về hình ảnh của người Nhật được đặt ở vị trí cực kỳ cao.
2. Video trong nhà hàng Nhật có cô phục vụ quỳ dưới đất của Khoa, có hai điểm không đúng. Tiêu đề để là "Phụ nữ Nhật quỳ khóc xin cho cameraman được ăn". Điều này sai, vì từ đầu khi bước vào làm việc cô nhân viên đã quỳ để phục vụ, đó là nét văn hóa xưa của Nhật, không phải vì bạn quay phim không được ăn thì cô này mới quỳ xuống xin cho bạn kia ăn và khóc. Chưa kể, cách gọi là "Phụ nữ Nhật" cũng không hay.
3. Điểm sai thứ hai là trong phần nội dung của video. Cô nhân viên đã nhiều lần nói bằng tiếng Nhật rằng không được quay hình cô ấy mà hãy ăn đi. Đây không phải mang ý nghĩa là vì sợ bạn quay phim không được ăn, mà là cô ấy không đồng ý cho người khác quay mình liên tục như vậy. Có một câu cô nhân viên nói, rất quan trọng, rằng, "Tôi không phải đồ vật để nhìn ngắm, xin hãy dừng lại" chứng tỏ rằng cô không hề muốn bị ghi hình liên tục như vậy. Nhưng trong phần chèn thêm các text (được hiểu như vietsub) lại ghi rằng: "Chị thấy cameraman không đụng đũa tưởng tui cấm đoán, tự nhiên hôm nay đóng vai phản diện". Những thông tin này hoàn toàn sai.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch
4. Nhà hàng đồng ý cho quay hình, nên hiểu rằng là quay hình không gian quán, món ăn của quán... chứ quyền tự do và riêng tư, bảo mật hình ảnh cá nhân của nhân viên dĩ nhiên không được xâm phạm.
5. Không phải ngẫu nhiên mà ở Nhật hay Hàn Quốc, điện thoại, máy chụp hình của nước này sản xuất đều không thể tắt được tiếng khi chụp. Nguyên nhân chính là để hạn chế nạn chụp trộm dưới váy của phụ nữ nước này. Vì vậy, bảo mật hình ảnh ở các quốc gia này là rất quan trọng. Ở Nhật, luật pháp quy định nếu chưa có sự đồng ý của người khác mà quay hình và đăng lên mạng sẽ bị phạt tiền nếu người kia kiện, hành động của Khoa là vi phạm pháp luật Nhật.
6. Cuối video, không có nhân viên vào phục vụ cho Khoa tiếp, điều này chứng tỏ họ đã từ chối phục vụ bạn. Điều này rất hiếm khi xảy ra ở Nhật, chỉ khi bạn thật sự rất tệ thì nhân viên mới làm điều đó.
7. Khi trong tài khoản của mình có nhiều số không, thì chữ trong đầu mình cũng nên có nhiều bằng hoặc hơn để tương xứng".
Có thể nói, nhận xét của nhà văn khá gắt gao về việc Khoa Pug coi thường phụ nữ Nhật. Những nhận xét của anh được cộng đồng mạng ủng hộ.
Trước đó, đầu bếp Võ Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ trên trang cá nhân, còn cho rằng như vậy là "vô văn hóa", "rẻ tiền".
Ngoài ra một bài viết khác của du học sinh người Việt sống ở Nhật đã chỉ ra việc Khoa Pug dịch sai hoàn toàn lời cô phục vụ nói trong vlog, đang được cộng đồng mạng chia sẻ khắp nơi.
Tuy nhiên Khoa Pug vẫn im lặng hoàn toàn trước những lời chỉ trích của dân mạng dành cho mình. Mong rằng nam Youtuber nên rút kinh nghiệm cho những lần làm vlog sau, đó là hãy tìm hiểu văn hóa của nơi mình đến. Bên cạnh đó là nên tôn trọng phụ nữ, nhất là những nước có nền văn hóa nguyên tắc như ở Nhật.