Nhận lớp chủ nhiệm đầu năm, giáo viên nên làm gì? Điều mà rất ý giao viên chú ý

LTS: Đưa ra lời khuyên cho những giáo viên trẻ trong những ngày đầu nhận lớp trong năm học mới, nhà giáo Hồ Oanh chia sẻ những kinh nghiệm để giúp giáo viên gây ấn tượng với học trò.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vạn sự khởi đầu nan, với học trò, ngày đầu tiếp xúc với giáo viên chủ nhiệm mới, để lại rất nhiều cảm xúc cho các em.

Tũn đi tựu trường về, bi bô với bố “Bố có biết cô giáo Na không? Năm nay cô chủ nhiệm lớp con đó”.

Chẳng cần bố trả lời, Tũn hào hứng kể tiếp “Cô Na rất đẹp bố ạ, nhưng con thích nhất là cô cười, rất vui vẻ. Cô còn cài lại cúc áo cho bạn Bi, bế bạn A. “què” vào lớp (A bị tật hai chân, không đi lại được). Cô bảo, từ nay, cô sẽ chở bạn A. đi học, thay bà nội nó nữa đó”.

Na là học trò cũ của tôi, em tốt nghiệp Đại học sư phạm Tiểu học, người thấp, béo; ngày đi học, bạn bè đặt cho biệt danh “Vịt mập”.

Vậy nhưng, dưới con mắt trẻ thơ, vui vẻ, quan tâm đến học trò, cô giáo thật đẹp trong mắt chúng. Trẻ con trong trắng, cái đẹp là sự quan tâm, thương yêu, giúp đỡ người khác, cái đẹp của tâm hồn.

Nhận lớp chủ nhiệm đầu năm, giáo viên nên làm gì? (Ảnh minh họa: TTXVN).

Vậy giáo viên chủ nhiệm nên làm gì trong buổi gặp mặt đầu tiên?

Lan tỏa nụ cười, đó là điều cần thiết nhất. Giáo viên chủ nhiệm vui vẻ, hòa đồng, tạo tâm lý thoải mái, tin cậy, dân chủ; thái độ vui vẻ của giáo viên chủ nhiệm, lan tỏa đến học sinh tâm lý “lớp mình sẽ có môi trường hạnh phúc”.

Thái độ thân thiện, gần gũi, cởi mở với học sinh. Nếu học sinh tin cậy giáo viên chủ nhiệm, không còn khó khăn nào không vượt qua.

Có cái nhìn bao quát lớp, tìm hiểu hoàn cảnh học trò; có hành vi nhân ái, thương yêu, sẻ chia. Nhân ái, sẻ chia, con đường vào trái tim học trò gần nhất; học trò càng bé, càng dễ cảm nhận yêu thương của thầy cô.  

Tuyệt đối không được đe nẹt, quy kết hành vi của học trò. Phải coi sai sót của học trò giống như “làm bài trắc nghiệm”, tô bằng bút chì, sai thì sửa, không có vấn đề gì cả.

Tổ chức bầu ban cán sự lớp, phải thật sự dân chủ, cho học sinh lựa chọn; tuyệt đối không áp đặt, chỉ định.

Cho học sinh tìm hiểu nội quy nhà trường. Với học trò Tiểu học, nó chẳng nhớ gì nhiều nội quy, chỉ yêu cầu nhớ được bốn nội quy cơ bản:

Thứ nhất là giữ gìn vệ sinh chung; thứ hai là giữ gìn trật tự lớp; thứ ba là giữ gìn tài sản tập thể; thứ tư: giữ gìn tình cảm dành cho nhau.

Với học trò phổ thông, cho các em tự xây dựng nội quy lớp, tổng hợp, gửi cho phụ huynh học sinh phối hợp thực hiện.

Tổ chức cho học sinh tự quản lý lớp trong tiết sinh hoạt, tiến trình một tiết sinh hoạt; qua đó tạo thói quen cho học sinh tự quản trong quá trình học tập.

Dạy học bây giờ không chỉ “rót nước đầy chai”, đổ đầy kiến thức; không phải tất cả đều “uống chung một loại thuốc”. Giáo viên phải gần gũi học trò, “kê đơn” riêng cho mỗi em, phù hợp với năng lực, hoàn cảnh của chúng.

Giáo viên chuyển từ “yêu cầu học sinh thực hiện nội quy”, thành “nhu cầu học sinh mong muốn thực hiện nội quy”, thông qua trao đổi, xây dựng của học trò.

Để là một giáo viên chủ nhiệm tốt, phải cả một quá trình cùng tương tác với học trò. Thế nhưng, muốn “uốn cây”, phải uốn nắn ngay từ ban đầu nhận lớp; để có cây đẹp, hãy dành khoảng trời tự do cho cây phát triển theo chính nó, tuyệt đối không gò ép theo khuôn mẫu.

Giáo dục học trò, không gì hơn chính tấm gương của mình. Sống yêu thương, sẻ chia, con đường ngắn nhất vào trái tim của bất cứ ai; lan tỏa yêu thương, lớp học của bạn chắc chắn hạnh phúc, trò hạnh phúc, thầy cô chủ nhiệm càng hạnh phúc.