Cách đây 13 năm, hồi 14 giờ 46 phút chiều ngày 11/3/2011, trận động đất cường độ 9 đã xảy ra ở Đông Bắc Nhật Bản. Sau động đất, các đợt sóng thần khổng lồ cao tới 40 mét cũng đã liên tiếp ập vào đất liền, nhấn chìm nhiều thị trấn và làng mạc. Đây là một trong những trận động đất-sóng thần mạnh nhất lịch sử loài người.
Thậm chí, tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima nằm gần bờ biển, sóng thần tấn công đã làm hỏng hoàn toàn các hệ thống làm mát thanh nhiên liệu hạt nhân, gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới và khiến một số vùng dân cư xung quanh bị nhiễm phóng xạ.
Sự tàn phá đã buộc hàng trăm ngàn người khác phải rời bỏ nhà cửa của họ. Cho đến tận bây giờ, hơn 29.000 người vẫn chưa thể quay trở lại.
Số liệu mới nhất do Cơ quan Cảnh sát quốc gia công bố ngày 8/3 cho thấy tính đến cuối tháng 2, số người thiệt mạng do thảm họa là 15.900 người trong khi 2.520 người mất tích. Đa số nạn nhân ở các tỉnh Miyagi, Fukushima và Iwate, Japan Times đưa tin.
Theo dữ liệu của Cơ quan Tái thiết, tính đến cuối tháng 12/2023, số người tử vong do liên quan đến thảm họa, như bệnh tật hoặc tự tử do căng thẳng, là 3.802 người.
Dù 13 năm trôi qua nhưng hình ảnh nhà cửa đổ nát, tàu thuyền bị cuốn lên đất liền, đường xá vương vãi mảnh vỡ, nhiều người mất tích hoặc thiệt mạng đã để lại nỗi đau khó thể nguôi ngoai đối với người dân Nhật Bản.
Lúc 14 giờ 46 phút ngày 11/3/2011, một trận động đất cường độ 9 đã xuất hiện ngoài khơi bờ biển Nhật Bản. Tâm chấn cách vùng Tohoku khoảng 70km, ở độ sâu khoảng 32km. Trận động đất kéo dài trong 6 phút và gây ra sóng thần cao hơn 40m. Ảnh: Đợt sóng tràn vào thành phố Miyako, tỉnh Iwate sau trận động đất ngày 11/3/2011. Ảnh: Reuters/Mainichi Shimbun
Người dân lo lắng tìm cách trú ẩn khi trần nhà một hiệu sách sụp đổ trong trận động đất ở Sendai, Nhật Bản, 11/03/2011. Ảnh Kyodo / Reuters
Sóng thần nhấn chìm khu dân cư ở Natori, tỉnh Miyagi, đông bắc Nhật Bản, ngày 11/3/2011. Ảnh: Reuters/Kyodo
Nhà máy lọc dầu Cosmo ở thành phố Ichihara, tỉnh Chiba, gần Tokyo bốc cháy. Ảnh: Asahi / Reuters
Sóng thần ập vào bờ biển Minamisoma thuộc tỉnh Fukushima. Ảnh: Sadatsugu Tomizawa/AFP/Getty
Toya Chiba, phóng viên của tờ báo địa phương Iwate Tokai Shimbun, bị sóng thần cuốn trôi tại cảng Kamaishi, tỉnh Iwate. Kyodo News đưa tin Chiba đã sống sót sau trận sóng thần nhờ nắm lấy một sợi dây sau khi bị cuốn đi khoảng 30 mét. Ảnh: Kamaishi Port Office via Kyodo / Reuters
Xoáy nước khổng lồ xuất hiện sau trận động đất và sóng thần ở thành phố Iwaki, tỉnh Fukushima, ngày 11/3/2011. Ảnh: Reuters/Yomiuri
Ô tô và máy bay bị sóng thần quét và nằm ngổn ngang. Ảnh: Kyodo / Reuters
Những ngôi nhà bị nước cuốn trôi sau trận động đất và sóng thần ở thành phố Natori, đông bắc Nhật Bản. Ảnh: Reuters/Kyodo
Những ngôi nhà bị cháy vào ban đêm sau trận động đất ở thành phố Natori ngày 11/03/2011. Ảnh: Kyodo / Reuters
Những chiếc ô tô bị cháy ở cảng Hitachi. Ảnh: Kyodo / Reuters
Các container chở hàng bị lật đổ và vương vãi sau trận động đất ở Sendai ngày 12/3/2011. Ảnh: Itsuo Inouye
Lính cứu hỏa nỗ lực tìm kiếm nạn nhân ở Soma, tỉnh Fukushima, vào ngày 14 tháng 3 năm 2011 - ba ngày sau khi trận động đất và sóng thần lớn xảy ra. Ảnh: Wally Santan
Nhân viên cứu hộ ôm một bé gái được họ giải cứu khỏi một tòa nhà vào ngày 12 tháng 3 năm 2011. Ảnh: Kyodo / Reuters
Các nhân viên mặc đồ bảo hộ kiểm tra dấu hiệu nhiễm phóng xạ đối với trẻ em đến từ khu vực phải sơ tán gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daini ở thành phố Koriyama, ngày 13/3/2011. Ảnh: Reuters
Một người đàn ông đi trên con đường bị phá hủy nặng nề ở thành phố Ishinomaki ngày 15 tháng 4 năm 2011. Ảnh: Hitoshi Yamada / NurPhoto / Corbis
Bàn tay của một người đàn ông thiệt mạng trong trận động đất và sóng thần, được phát hiện giữa các rào chắn bê tông trên biển, vào ngày 14 tháng 3 năm 2011, tại Toyoma, Nhật Bản. Ảnh: Gregory Bull
Dù “những ký ức đau thương” sẽ khó có thể phai mờ trong tâm trí người dân Nhật Bản nhưng các tỉnh Đông Bắc nước này cũng đang không ngừng hồi sinh sau nhiều mất mát.
Tham khảo Japan Times, NHK World Japan, The Atlantic