Chuyến từ thiện gây tranh cãi
Thoạt nhìn những hình ảnh được tung lên mạng xã hội không ai không thấy lạ. Thay vì ảnh trực tiếp trao quà cho những hộ nghèo lại thấy ca sĩ và ê-kíp ngồi thuyền, người dân xung quanh đang lội trong nước, có chỗ quá gối. Chưa kể anh ăn mặc khá bảnh bao.
Về sau người đi cùng ca sĩ giải thích vì Phúc có mỗi bộ đồ để ra sân bay nên không thể lội nước… Còn xuồng do tổ dân phố bố trí.
Nhiều bài viết châm biếm hình ảnh và việc làm của Ưng Hoàng Phúc cho rằng anh đi “cứu trợ lũ lụt cho nhà giàu”, “bị dắt mũi đi làm từ thiện sai địa điểm”. Anh cũng lên tiếng khẳng định chương trình của anh và bạn bè hướng tới các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên cả nước, đã được lên kế hoạch trước bão.
Tới đâu nhóm cũng liên hệ với chính quyền sở tại để được cung cấp thông tin về những hộ gia đình, cá nhân cần được giúp đỡ. Sau đợt đầu tiên hỗ trợ người dân nghèo chân cầu Long Biên, anh sẽ tới các tỉnh Tây Bắc (Yên Bái, Lào Cai…) để tiếp tục chương trình.
Thực ra không phải cứ Hà Nội, cứ Hoàn Kiếm - nơi mỗi mét đất có thể lên tới tiền tỷ - nghĩa là toàn nhà giàu. Nhà báo Đinh Hiền lên tiếng bênh vực Ưng Hoàng Phúc và kể khu vực mà vợ chồng Phúc làm từ thiện có rất nhiều người lao động phổ thông, từ các tỉnh lên thuê nhà trọ, họ sinh sống xung quanh khu vực gầm cầu, làm đủ nghề, từ cửu vạn chợ Long Biên đến đánh giày, bán hàng rong.
"Tôi đã vào những xóm trọ nhếch nhác bẩn thỉu, chật chội mà chỗ nằm của mỗi người chỉ là một chiếc chiếu cá nhân tầm 75 cm, xếp như cá mòi. Sau một ngày lao động vất vả, họ trở về và ngủ say như chết, cho dù không có điều hòa, thậm chí không cả có quạt…”, nhà báo Đinh Hiền kể.
Nhà báo Phạm Gia Hiền đăng bức ảnh do chính anh chụp mấy ngày trước ở cửa khẩu Tân Ấp (quận Ba Đình). Cho thấy người dân đang đến lấy đồ tại một trạm phát thực phẩm và nước uống hỗ trợ người dân bị ngập phía ngoài đê.
“Người nhận thùng mì tôm là người cần mì tôm. Hà Nội vẫn đầy người nghèo. Họ cũng cần được hỗ trợ đúng cách. Cười sự màu mè của nhóm người nào đó, nhưng xin đừng quên thực tế này”, anh nêu.
Có hàng vạn người ở khu vực mà dân Hà Nội gọi chung là "ngoài bãi". "Rất nhiều người trong số họ không có giấy tờ tùy thân, không nghề nghiệp ổn định, mưu sinh bằng đủ thứ việc kiểu thợ đụng, không có tích lũy phòng thân. Họ là những mảnh ghép rời rạc của thành thị, là nhóm yếu thế ít có cơ hội lên tiếng. Dù rằng nơi họ đang sống là quận Hoàn Kiếm”, anh nói.
Nhà giàu cũng có lúc lâm cảnh ngặt nghèo
Trong những lúc thiên tai địch họa, đôi khi người giàu cũng lâm vào cảnh ngặt nghèo. Nhưng họ lại thường bị bỏ qua hoặc bị mỉa mai nếu nhận đồ cứu trợ. Từ TP.HCM đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh dẫn chứng vài câu chuyện trong thời COVID-19.
Có trường hợp con trai lớn bị đưa đi cách ly, người mẹ ở trong một ngôi biệt thự sang trọng cùng hai cháu nội và cậu con trai nhỏ có bệnh bẩm sinh nhẹ. Sau một vài đợt cấm ra đường, bà lâm vào cảnh hết gạo, hết thức ăn trữ trong tủ lạnh và từ từ cũng hết cả tiền.
Nhưng nhà bà nguy nga quá, không ai nghĩ là cần ghé vô cho gói mì tôm để nhúng lẩu tôm hùm làm gì, nên cả bốn người trong nhà bị đói. Họ hàng, bạn bè thì ở xa...
"Bà kể nhiều bữa thấy người ta chở rau đi phát nhìn thèm quá mà hổng dám xin, vì khi đó trên mạng đang chửi người giàu, đi xe xịn còn ghé cây ATM xin gạo nên bà vừa sợ vừa ngượng”, đạo diễn Mỹ Khanh kể.
Thực tế là trong hoàn cảnh nước lụt hay dịch bệnh bủa vây, nhiều tiền đến mấy cũng không thể mua nổi đồ ăn là chuyện đã và đang xảy ra. Lúc đó giàu hay nghèo cũng đều đói. Vì thế có ý kiến cho rằng kể cả nhà có điều kiện mà được trao thùng mì cũng cứ vui vẻ nhận rồi thay vì đăng bài mỉa mai thì trao lại cho người cần hơn mình.
Nhưng có vẻ những người bôi bác Ưng Hoàng Phúc chỉ muốn chứng tỏ sự hài hước của bản thân để câu like. Vì như ca sĩ nói, anh cũng đã xác minh các hoàn cảnh thực sự khó khăn trước khi trao quà rồi. Chỉ khâu làm hình ảnh hơi bất cập mà thôi.