Tiền bạc là nguyên nhân hàng đầu gây ra căng thẳng trong các mối quan hệ, không chỉ giữa các cặp vợ chồng mà cả với các mối quan hệ gia đình, bạn bè thân thiết. Các khoản cho vay giữa các thành viên trong gia đình có thể tạo ra tình huống khó xử cho cả đôi bên.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi MyBankTracker cho thấy 17% cá nhân cho biết họ đã có trải nghiệm tồi tệ khi cho bạn bè hoặc người thân trong gia đình vay tiền.
Trong số những người cho các thành viên trong gia đình vay tiền, khoản vay phổ biến nhất là cha mẹ dành cho con cái, sau đó là anh chị em. Các tình huống khác có thể là từ cô/chú với cháu… hoặc các khoản vay ngoài gia đình như giữa bạn bè, hàng xóm hoặc đồng nghiệp.
Nếu một người thân hoặc bạn bè của bạn đề nghị vay tiền, hỏi bạn một khoản vay, hãy chuẩn bị cho mối quan hệ của bạn có khả năng thay đổi. Trong trường hợp họ không tuân theo các điều khoản của thỏa thuận, bạn có thể phải lựa chọn việc xoá nợ cho họ, kiện họ hoặc lấy tài sản thế chấp.
Dù là điều gì xảy ra, trong trường hợp này bạn cũng sẽ cảm thấy thất vọng và khó chịu. Những buổi gặp mặt vui vẻ trước đây sẽ trở thành sự kiện mà bạn muốn tránh.
Trước khi bạn quyết định đồng ý hay không, hãy biết ưu và nhược điểm nếu bạn cho họ vay tiền, giúp đỡ một phần, hỗ trợ bằng cách khác hay đơn giản là không làm gì cả. Giúp đỡ người khác là việc tốt nhưng bạn cũng cần cân nhắc những rủi ro mình có thể gặp phải trong trường hợp họ trả chậm hay thậm chí là không hoặc không thể trả lại.
Bạn sẽ gặp khó khăn về tài chính, phải trì hoãn việc nghỉ hưu hay tiêu hết quỹ khẩn cấp của mình?
Dưới đây là những điều bạn nên cân nhắc trước khi quyết định cho người thân hay bạn bè vay tiền.
Bạn đang cho vay tiền để người khác làm gì?
Suy cho cùng, quyết định có hay không cho một thành viên gia đình hoặc bạn bè vay tiền là của bạn. Trước khi đưa ra quyết định, đầu tiên bạn cần biết đến mục đích của khoản vay.
Một số lý do bạn có thể cân nhắc cho vay tiền bao gồm:
- Mua nhà.
- Khởi nghiệp.
- Sửa chữa ô tô khẩn cấp.
- Trường hợp khẩn cấp về y tế của người đó hoặc gia đình.
- Học phí.
- Chi phí sinh hoạt sau khi mất việc làm.
Nói “không” với một đề nghị cho vay có thể khiến bạn thấy khó khăn song bạn nên làm nếu đó là điều đúng đắn. Việc đưa ra lời từ chối với những lý do rõ ràng thể hiện rằng bạn đã cân nhắc khoản vay một cách kỹ lưỡng.
Nếu bạn quyết định từ chối dựa trên tình hình tài chính của người đó, hãy khéo léo hết sức có thể, đặc biệt khi đó là người đặc biệt thân thiết, bạn thường xuyên gặp gỡ. Cùng với việc từ chối, bạn có thể xem xét các cách khác để giúp đỡ họ.
Dù các điều khoản của khoản vay là gì, tốt hơn là bạn và người đó thể hiện chúng bằng giấy tờ rõ ràng.
Người thân hay bạn bè của bạn có nghiêm túc trong việc trả lại tiền cho bạn không?
Khi bạn cho vay tiền, bạn chính là ngân hàng.
Nếu người mà bạn cho vay tiền nghĩ rằng bạn không cần thiết số tiền đó, các điều khoản bạn đưa ra chỉ là hình thức, họ có thể sẽ không ưu tiên trả lại tiền cho bạn. Không ai muốn cho người khác vay tiền rồi phải liên tục nhắc nhở họ để hoàn trả cho bạn. Đang từ một người tốt giúp người khác, bạn bất đắc dĩ trở thành người đi đòi nợ.
Trong trường hợp bạn nhận thấy người vay tiền bạn dường như muốn lấy không số tiền đó, lấy danh nghĩa vay nhưng là không muốn trả lại, đừng cho họ vay tiền nấu bạn cảm thấy không thoải mái.
Ví dụ: Bạn được nhận một khoản tiền 100 triệu đồng, trong khi đó chị gái của bạn đang phải vật lộn để nuôi 3 đứa con. Bạn muốn cho chị ấy vay 20 triệu đồng để mua một chiếc xe nhưng cũng biết rằng chị ấy nghĩ có thể không cần trả lại bạn hoặc trả không đúng hẹn.
Với tư cách là người cho vay, bạn cần phải xác định rõ ràng ngay từ đầu rằng các điều khoản cho vay mà bạn đưa ra nghiêm túc như một khoản vay từ ngân hàng. Việc bạn và người ấy có mối quan hệ thân thiết không có nghĩa là họ được quyền làm sai những gì đã cam kết.
Có lựa chọn nào khác cho họ không?
Nếu người đề nghị vay tiền bạn không có thu nhập hoặc đang thất nghiệp, họ có thể không đủ điều kiện để vay cá nhân. Lý tưởng nhất là họ có đủ điều kiện để được vay. Điều này cho thấy họ thực hiện các nghĩa vụ tài chính một cách nghiêm túc và có khả năng hoàn trả các nghĩa vụ tài chính đó.
Nếu họ không đủ điều kiện cho khoản vay và bạn chỉ có lựa chọn cho họ vay, bạn có thể cân nhắc yêu cầu họ đưa tài sản thế chấp như xe cộ, đồ trang sức hoặc đồ có giá trị khác. Đây có thể là một thỏa thuận đơn giản bằng văn bản.
Họ thực sự có đủ khả năng để trả lại cho bạn không?
Nếu bạn đang cân nhắc một khoản vay cho người thân nào đó, có lẽ sẽ khó khi bạn yêu cầu họ đưa ra bản sao báo cáo tín dụng hay bảng kế toán thu nhập hàng tháng và chi phí hàng tháng của họ.
Tuy nhiên, nếu người đó thất nghiệp và không có thu nhập, hoặc thu nhập không ổn định, chỉ đủ sống qua ngày, hãy xem xét về khả năng họ trả lại tiền cho bạn dựa trên các yếu tố đó.
Nếu bạn muốn giúp đỡ nhưng lo về khả năng hoàn trả của họ, bạn có thể tặng họ một món quà. Ngay cả khi đó không phải là số tiền mà họ đang cần, một số tiền nhỏ hơn để tặng cũng tốt hơn là cho vay một khoản tiền không có khả năng trả lại.
Đó có phải là người giao tiếp tốt và có những thói quen tiền bạc tốt không?
Nếu người đề nghị bạn cho vay từng nói dối bạn hoặc người khác, bạn nên chuẩn bị cho việc họ có thể nói dối bạn về hoàn cảnh của khoản vay. Nếu ngay từ đầu đã xuất hiện những điều không đúng về khoản vay đó, thời gian về sau sẽ càng dễ phát sinh nhiều chuyện.
Bạn có thể giúp họ bằng cách nào khác ngoài cho vay tiền không?
Nếu bạn muốn giúp đỡ ai đó nhưng lại do dự trong việc quyết định cho họ vay tiền, bạn có thể cân nhắc tìm những cách khác để giúp đỡ họ. Ví dụ bạn có thể giúp đỡ người thân bằng cách trông con cho họ trong thời gian rảnh rỗi hoặc chia sẻ những thực phẩm mà bạn có. Đó cũng là cách để giúp đỡ ai khác vượt qua khó khăn.
Bạn có thể sống ổn trong trường hợp họ không trả lại cho bạn?
Đây là điều mà bạn cần cân nhắc trước khi cho người thân, bạn bè vay tiền. Bạn có đang mắc nợ để tài trợ cho khoản nợ của người khác không? Nếu bạn cho người thân vay tiền, bạn nên chuẩn bị tinh thần cho trường hợp họ không trả lại.
Bạn có thể phải bỏ đi kế hoạch du lịch, chậm lại kế hoạch nghỉ hưu hoặc các vấn đề khó khăn về tài chính khác nếu họ không trả lại khoản vay. Bởi vậy, hãy suy nghĩ nghiêm túc xem đó có phải là điều bạn muốn làm.
Họ sẽ làm điều tương tự cho bạn chứ?
Một điều cuối cùng mà cần xem xét chính là nhìn từ khía cạnh con người. Giả sử tình thế đảo ngược và bạn là người có nhu cầu vay tiền, liệu họ có cho bạn vay, dành sự hào phóng cho bạn như bạn đang làm với họ không?
Và dù quyết định của bạn thế nào đi chăng nữa, hãy nhớ lý do để bạn đưa ra quyết định đó và cố không để tiền trở thành vấn đề trong tình bạn hay tình thân.
Nếu quyết định của bạn là từ chối đề nghị vay tiền của ai đó, hãy lịch sự và thể hiện sự đồng cảm của mình trong câu trả lời. Đồng thời, bạn có thể tìm kiếm những cách khác để giúp người thân của mình cải thiện tình hình hiện tại.