Nữ sinh giành học bổng toàn phần kể chuyện "du học tại nhà" thời COVID-19

Xuất sắc giành học bổng toàn phần cho bốn năm học tại trường Đại học Phụ nữ Châu Á (Bangladesh), nhưng vì dịch bệnh COVID-19 nên dù đã là sinh viên năm hai, Thanh Luy vẫn phải học trực tuyến.

Nữ sinh giành học bổng toàn phần kể chuyện "du học tại nhà" thời COVID-19 - 1

Từ quyết định thôi học đến giành học bổng toàn phần

Đậu Hoàng Thanh Luy (20 tuổi) là cựu học sinh lớp chuyên Sinh, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh. Nhờ thành tích nổi bật tại các cuộc thi Olympic và Học sinh giỏi, cô được tuyển thẳng vào ngành Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng theo học, cô nhận thấy đây không phải môi trường dành cho mình nên đã quyết định nộp đơn xin thôi học.

“Vốn là học sinh ‘trường chuyên lớp chọn’ nên mình gặp không ít áp lực. Mình đã từng trăn trở rất nhiều về việc thôi học. Nhưng khoảng thời gian đó cũng khiến mình nhận ra rằng, đôi khi sống theo kỳ vọng của người khác không thực sự giải quyết vấn đề, và đôi khi từ bỏ cũng là một lựa chọn.” – Thanh Luy tâm sự.

Sau khi ổn định tâm lý, cô quyết định đi Myanmar làm tình nguyện viên cho một tổ chức nhân đạo trong hai tháng. Nơi cô làm việc là một miền quê xa xôi, hẻo lánh, luôn phải đối mặt với nghèo đói và bệnh tật. Nhưng người dân lại vô cùng hiền hoà, tốt bụng và đối xử với cô rất tốt.

Trở về nước, cùng với những trải nghiệm đã tích luỹ được, cô quyết định chuẩn bị cho quá trình “săn” học bổng du học. Vô tình biết đến học bổng của trường Đại học Phụ nữ Châu Á (Asian University for Women - AUW), cô quyết định thử sức mình. Cuối cùng, những nỗ lực cũng được đền đáp xứng đáng.

Cô chia sẻ: “Mình chọn AUW vì trường có đầy đủ những tiêu chí mình cần: Mô hình giáo dục khai phóng cho phép học nhiều môn từ nhiều lĩnh vực khác nhau; Đội ngũ giảng viên, sinh viên đa dạng cả về văn hóa và quốc tịch; Sứ mệnh và tầm nhìn của trường phù hợp với những giá trị của bản thân; Có học bổng toàn phần.”

Thanh Luy lựa chọn theo học ngành Y tế cộng đồng bởi với cô, đây là một ngành học rất thú vị. Vì sức khỏe con người chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố xã hội, văn hóa hay môi trường. Do đó, cô sẽ có cơ hội làm việc với giảng viên và các bạn học từ nhiều lĩnh vực khác nhau như bác sĩ, nhân chủng học, sinh học, dịch tễ học…

Nữ sinh giành học bổng toàn phần kể chuyện "du học tại nhà" thời COVID-19 - 2

Trải nghiệm “du học tại nhà” thời COVID-19

Theo kế hoạch, cô sẽ sang Bangladesh du học và trải qua thời sinh viên đáng nhớ cùng bạn bè từ hơn 20 quốc gia. Tuy nhiên, vì dịch bệnh nên dù đã là sinh viên năm hai, cô vẫn chưa một lần được đến trường đúng nghĩa.

Gần hai năm học trực tuyến khiến cô gặp không ít khó khăn. Dù quy mô lớp học nhỏ, nhưng hầu hết mọi người đều đến từ các nước kém phát triển, mạng wifi vẫn chưa phổ biến. Bởi vậy, các bạn phải mua dung lượng data để học, nhưng kết nối cũng không được ổn định.

Vấn đề này thường xuyên xảy ra nên cũng có những hạn chế trong việc tương tác giữa giảng viên và sinh viên, ảnh hưởng đến bài học. Thêm vào đó, các bạn học đến từ nhiều quốc giờ khác nhau, múi giờ chênh lệch nên khi làm việc nhóm rất khó để giải quyết.

“Mình đã từng gặp trường hợp bốn thành viên đến từ bốn nước khác nhau, và khoảng lệch thời gian cũng lớn, nên chúng mình đã tốn khá nhiều thời gian để có thể sắp xếp được giờ làm việc nhóm.” – cô cho biết.

Nữ sinh giành học bổng toàn phần kể chuyện "du học tại nhà" thời COVID-19 - 3

Tuy vậy, điều khiến cô hài lòng nhất là giảng viên và tính cộng đồng của sinh viên, hay thường được gọi là sisterhood. Mỗi học kỳ, cô đều được học với các giáo sư giỏi từ nhiều nước khác nhau. Vì vậy cô biết được nhiều phong cách truyền đạt, các kiến thức văn hóa, xã hội được lồng ghép trong bài giảng.

Với những môn xã hội, cô đều phải viết luận dựa trên các nghiên cứu hoặc các bộ phim tài liệu, một điểm mà cô rất thích. Cô được luyện rèn thêm khả năng phân tích và trình bày suy nghĩ của mình. Sẽ không có một đáp án đúng nào cả, chỉ có cách tiếp cận khác nhau, cách đặt vấn đề khác nhau, và cách nhìn khác nhau.

Ngoài giờ học, cô cũng làm trợ giảng cho một trung tâm tiếng Anh tại TP. Hồ Chí Minh để có thêm thu nhập. Mong muốn của cô là các quy định nhập cảnh sớm được nới lỏng để cô và các bạn học có thể đến Bangladesh và sống một cuộc sống du học sinh đúng nghĩa.

“Bản thân mình lúc nhận được học bổng của AUW và quyết định đi học, cũng nhận được không ít sự phản đối từ họ hàng. Mọi người thường định nghĩa du học là đi học ở một đất nước phát triển, phải là Anh, Úc, Mỹ, Singapore... Mình cũng trăn trở, làm sao để các bạn mở rộng định nghĩa du học, đi để học cái mới, để hiểu bản thân, để nhìn thế giới khác đi, hơn là nhìn vào tên nước, tên trường.” – cô trải lòng.