Núi lửa phun trào, Iceland ban bố tình trạng khẩn cấp

Một ngọn núi lửa ở Iceland đã phun trào lần thứ tư kể từ tháng 12/2023 sau khi những đợt phun trào trước đó phá hủy đường sá và buộc người dân ở một thị trấn phải sơ tán.
Núi lửa phun trào, Iceland ban bố tình trạng khẩn cấp - Ảnh 1.

Người dân theo dõi những đám khói từ hoạt động núi lửa mới nhất. (Ảnh: AP)

Các buổi phát trực tiếp từ khu vực này cho thấy nhiều vòi phun nham thạch nóng chảy phóng lên bầu trời đêm từ các vết nứt trên mặt đất.

Trước đó, các nhà chức trách địa phương đã cảnh báo trong nhiều tuần rằng một vụ núi lửa phun trào sắp xảy ra trên bán đảo Reykjanes, phía Nam thủ đô Reykjavik của Iceland .

Văn phòng Khí tượng Iceland xác nhận một vụ phun trào núi lửa bắt đầu giữa Stora Skogfell và Hagafell vào tối 16/3.

Không có báo cáo nào về tình trạng gián đoạn chuyến bay vào tối 16/3. Trang web của sân bay Keflavik gần thủ đô Reykjavik cho thấy sân bay này vẫn mở cửa cho cả chuyến bay đi và chuyến bay đến.

Trong và xung quanh thị trấn Grindavik, nơi một số trong số 4.000 cư dân của thị trấn đã trở lại sau những đợt phun trào trước đó, cảnh sát đã ban bố tình trạng khẩn cấp.

Đài truyền hình công cộng RUV cho biết các cuộc sơ tán đang diễn ra.

Phóng viên Alex Crawford nằm trong số hàng trăm du khách được sơ tán khỏi khu nghỉ dưỡng Blue Lagoon nổi tiếng, nằm cách khu vực núi lửa một đoạn ngắn về phía Tây Bắc.

Núi lửa phun trào, Iceland ban bố tình trạng khẩn cấp - Ảnh 2.

Vụ phun trào đã tạo ra các dòng dung nham nóng chảy trên diện rộng bên ngoài thị trấn Grindavik. (Ảnh: AP)

"Chúng tôi đã thấy nhiều xe cảnh sát, xe cứu thương và rất nhiều người đang cố gắng rời khỏi khu vực", Crawford nói khi cô được sơ tán khỏi khách sạn bằng xe bus.

Người dân ở thị trấn đánh cá Grindavik, cách thành phố Reykjavik khoảng 48 km về phía Tây Nam, đã được sơ tán vào tháng 11/2023 khi hệ thống núi lửa Svartsengi thức giấc sau gần 800 năm với một loạt trận động đất tạo ra những vết nứt lớn trên mặt đất phía Bắc thị trấn.

Núi lửa phun trào vào ngày 18/12/2023, khiến dung nham chảy ra khỏi Grindavik.

Vụ phun trào thứ hai vào ngày 14/1 đã đẩy dung nham về phía thị trấn. Những bức tường phòng thủ được gia cố sau đợt phun trào đầu tiên đã ngăn chặn một phần dòng dung nham nóng chảy, nhưng một số ngôi nhà đã bị thiêu rụi.

Cả hai vụ phun trào chỉ kéo dài trong vài ngày.

Vụ phun trào thứ ba vào ngày 8/2 đã cắt đứt hệ thống sưởi của quận cho hơn 20.000 người do dòng dung nham phá hủy đường sá và đường ống, nhưng chỉ diễn ra trong vòng vài giờ.

Nhà địa vật lý Magnus Tumi Gudmundsson được RUV dẫn lời cho biết vụ phun trào mới nhất này là mạnh nhất cho đến nay.

Gây rối loạn lớn nhất trong thời gian gần đây là vụ phun trào núi lửa Eyjafjallajokull vào năm 2010, phun ra những đám mây tro bụi khổng lồ vào bầu khí quyển và dẫn đến việc đóng cửa không phận diện rộng trên khắp châu Âu.

Các vụ phun trào núi lửa ở bán đảo Reykjanes được gọi là phun trào khe nứt, thường không gây ra vụ nổ lớn hoặc phát tán tro bụi núi lửa đáng kể vào tầng bình lưu. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại điều này có thể tiếp tục diễn ra trong nhiều thập kỷ và chính quyền địa phương đã bắt đầu xây dựng đê để dẫn dòng dung nham cháy đỏ tránh xa khỏi nhà cửa và cơ sở hạ tầng quan trọng.