Phong trào biểu tình bắt đầu ở Nhật Bản, Úc, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore, sau đó lan sang các thành phố ở châu Âu và Mỹ.
Cuộc biểu tình ngày 8/9 tiếp nối phong trào đấu tranh trên khắp Ấn Độ sau vụ một nữ bác sĩ 31 tuổi bị sát hại hôm 9/8. Một nghi phạm đã bị bắt cùng với cựu hiệu trưởng Trường Y R.G. Kar, nơi nạn nhân đang học tập.
“Tội ác kinh hoàng nhằm vào một bác sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ khiến chúng tôi cảm thấy sốc và ghê tởm trước sự tàn nhẫn, độc ác và coi thường mạng sống con người”, Dipti Jain, một người kêu gọi phong trào biểu tình toàn cầu, cho biết.
Nữ bác sĩ bị tấn công khi đang nghỉ ngơi trên tấm thảm trong phòng họp sau ca làm việc suốt 36 giờ, vì bệnh viện không có ký túc xá hay phòng nghỉ. Sau đó, cô được tìm thấy trong tình trạng chảy máu mắt, miệng và thương tích khắp cơ thể.
Hàng trăm người biểu tình tập trung ở nhiều thành phố thuộc vùng vịnh San Francisco để đòi trừng trị kẻ phạm tội và bảo vệ an toàn cho phụ nữ Ấn Độ .
Tại Dublin, California, người biểu tình nắm tay tạo thành chuỗi nối dài để hô khẩu hiệu và giương biểu ngữ đòi công lý cho R.G. Kar.
Người biểu tình thuộc nhiều nhóm tuổi, từ trẻ em đến người già, đều tập trung trên phố.
Một cuộc biểu tình diễn ra ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển, với vài chục phụ nữ chủ yếu mặc đồ đen tụ tập tại quảng trường Sergels Torg để hát những bài hát bằng tiếng Bengali và cầm biểu ngữ.
Dù Ấn Độ đã thực hiện luật nghiêm khắc hơn sau vụ hiếp dâm tập thể và giết hại dã man cô sinh viên 23 tuổi trên xe buýt ở New Delhi năm 2012, các nhà hoạt động cho biết vụ việc ở Kolkata cho thấy phụ nữ vẫn tiếp tục đối mặt với bạo lực tình dục.
Cảnh sát liên bang Ấn Độ đang điều tra vụ án này nhưng vẫn chưa đưa ra buộc tội chính thức. Tháng trước, Tòa án Tối cao Ấn Độ thành lập lực lượng đặc nhiệm chuyên bảo vệ an toàn bệnh viện để khuyến nghị các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế.
Theo Reuters