Rừng Amazon cháy suốt 3 tuần mới được hỗ trợ 22 triệu USD, Nhà thờ Đức bà Paris nhận gần 1 tỷ USD chỉ sau 24h hỏa hoạn

Rừng Amazon cháy suốt 3 tuần mới được hỗ trợ 22 triệu USD. Khoản tiền hỗ trợ này không đáng kể so với những thiệt hại mà vụ cháy rừng Amazon gây ra cho nhân loại.

Ảnh 1: Rừng Amazon cháy suốt 3 tuần - We25.vn

Trớ trêu thay khi rừng Amazon, lá phổi xanh của Trái Đất, đã cháy được nhiều tuần với hàng nghìn vụ bùng phát mà phần lớn là do con người thì hội nghị 7 nước giàu nhất trên thế giới (G7) lại chỉ chi 20 triệu euro, tương đương 22 triệu USD, để giúp phục hồi thảm họa này. Trong khi đó, hồi tháng 4/2019, khi Nhà thờ lớn Đức bà tại Paris cháy, chỉ chưa đến 24 tiếng đồng hồ đã có 850 triệu euro, tương đương 945 triệu USD được quyên góp để sửa chữa và phục hồi công trình này.

Vậy đó, khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, ngôi nhà của hàng nghìn loài sinh vật còn không được quan tâm bằng... một nhà thờ. Xin được nhắc lại rằng, việc những nông dân Brazil đốt rừng làm ruộng không chỉ làm tăng khí thải nhà kính, hủy hoại môi trường sống của nhiều loài sinh vật, mà còn làm ô nhiễm đất, nước lẫn không khí.

Bản đồng thuận mới liên quan vấn đề này đã được các nước G7 gồm Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italia và Nhật Bản ký kết trong một cuộc họp thoải mái bên bờ biển Basque của Pháp. "Tôi không tin rằng đây lại là phản ứng của những nước giàu nhất thế giới với thảm họa thiên nhiên khủng khiếp này.", Giám đốc Christian Poirier của Amazon Watch thất vọng bình luận. Ông cho rằng, khoản tiền hỗ trợ trên là không đáng kể so với những thiệt hại mà vụ cháy rừng Amazon gây ra cho nhân loại.

Thậm chí, Tổng thống Brazil - Jair Bolsonaro còn từ chối nhận sự trợ giúp từ nước khác vì họ muốn được điều máy bay chữa cháy đến giúp đỡ với lý do bảo đảm an ninh lãnh thổ. Hiện vẫn chưa rõ khoản tiền 22 triệu USD của G7 sẽ trợ giúp thế nào với thảm họa cháy rừng ở Brazil.

Tổng thư ký Liên hiệp Quốc (UN) Antonio Guterres cho biết, việc trồng lại cây tại Amazon là điều cần thiết. Tuy nhiên, các ước tính trước đây cho thấy, riêng việc chấm dứt nạn đốt phá rừng ở Amazon cũng đã tiêu tốn hàng trăm triệu USD mỗi năm và con số 22 triệu USD là muối bỏ bể.

Ảnh 2: Rừng Amazon cháy suốt 3 tuần - We25.vn

Trước đó, Na Uy và Đức là những quốc gia đã đóng góp tích cực cho quỹ Amazon nhưng cả 2 nước này đã đóng băng khoản đóng góp của họ do lo ngại chính quyền Tổng thống Bolsonaro sẽ sử dụng số tiền này vào việc khác chứ chưa chắc đã dùng vào việc khôi phục rừng Amazon. Hiện tại, kinh tế Brazil đang ngày càng phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã cảnh báo châu Âu có thể chấm dứt thương mại với quốc gia này nếu không có biện pháp xử lý thích đáng với khủng hoảng cháy rừng Amazon.

Theo Cafebiz.vn