Sếp nữ đau bụng nhờ lấy cốc nước ấm, ứng viên xử lý khiến sếp khen ngợi hết lời

Mặc dù câu hỏi này không liên quan tới công việc nhưng nó cho thấy EQ của ứng viên, góp phần xác định, ứng viên có phù hợp với vị trí ứng tuyển không.

Trong các cuộc phỏng vấn, đôi khi chúng ta bị hỏi một số câu hỏi kỳ lạ. Gần đây, trên Internet lan truyền một đoạn phỏng vấn thú vị khiến nhiều người bất ngờ.

Trong cuộc phỏng vấn vòng cuối cùng cho vị trí bán hàng, vị sếp nữ đã hỏi ứng viên một câu: “Tôi đang đau bụng, bạn có thể mang tới cho tôi một cốc nước ấm không?”

Lúc này, trong phòng có 3 ứng viên nam và họ đưa ra những câu trả lời khác nhau sau khi suy nghĩ.

Người đàn ông đầu tiên có kinh nghiệm làm việc 3 năm trả lời: “Tôi hiểu cảm giác phụ nữ bị đau bụng khi đến tháng. Bạn gái tôi cũng thường xuyên bị đau như vậy. Thế nhưng, tôi nghĩ thứ cô cần bây giờ không phải là nước ấm. Tôi sẽ mang cho cô một miếng dán giữ nhiệt để chườm bụng”.

Người thứ 2 là một chàng trai trẻ đang yêu trả lời: “Tôi đã có bạn gái nên việc rót nước ấm mang tới cho người khác có thể gây hiểu nhầm. Việc này không tiện cho tôi lắm. Tôi sẽ tìm một đồng nghiệp nữ để nhờ giúp đỡ, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến cả hai chúng ta”.

Người thứ 3 là một chàng trai trẻ vừa ra trường, đi làm không lâu trả lời: “Tôi nghĩ điều này còn tùy thuộc vào tình hình cụ thể. Nếu cô bị đau bụng nhẹ, tôi sẽ pha cho cô một cốc nước đường nâu. Nếu cô đau bụng nặng tới mức ảnh hưởng đến công việc. Tôi khuyên cô không nên nhịn nữa. Tôi sẽ tạm gác việc hôm nay và đưa cô đến bệnh viện khám”.

Kết quả người thứ 3 vượt qua vòng phỏng vấn cuối cùng. Vị sếp nữ tin rằng, chàng trai này không chỉ chu đáo mà còn đưa ra các cách xử lý khác nhau tùy theo từng tình huống. Điều này còn thể hiện anh là một người tinh tế và tốt bụng.

Vị trí tuyển dụng là nhân viên bán hàng nên rất cần những nhân tài như vậy. Chỉ có những người hiểu tâm lý con người mới đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng khác nhau. Vì vậy, chàng trai thứ 3 thích hợp hơn hai người còn lại.

Tại sao nhà phỏng vấn lại thích đặt ra những câu hỏi không liên quan tới công việc?

Một số người cảm thấy khó hiểu: "Tại sao những người phỏng vấn luôn hỏi những câu hỏi không liên quan đến công việc?"

Trên thực tế, nhà tuyển dụng không chỉ quan tâm tới năng lực của ứng viên mà còn đánh giá EQ và cách làm việc của họ như thế nào. Do đó, không nên coi bất kỳ câu hỏi nào của người phỏng vấn như một trò đánh đố. Thay vào đó, hãy làm rõ nhu cầu đằng sau câu hỏi.

Lấy ví dụ về câu hỏi "Có thể rót cho tôi một cốc nước ấm không", có 2 điểm chính:

Thứ 1: Vị sếp nữ nói mình bị đau bụng, liệu ứng viên có nghĩ đến việc cô ấy đang đến “kỳ” không?

Thứ 2: Nước ấm có giải quyết được vấn đề không? Ngoài việc uống nước ấm, cô ấy còn cần thêm gì nữa? Ứng viên có thể làm gì khác để giải quyết tình huống này?

Khi buộc phải trả lời câu hỏi như thế này trong thời gian ngắn, nhà phỏng vấn muốn biết ứng viên có kiến thức thực tế không, liệu họ có khả năng giải quyết vấn đề một cách cẩn thận và thấu đáo không?

Câu trả lời của ứng viên thứ 3 đáp ứng được những điều mà nhà phỏng vấn cần, đồng thời thể hiện anh là người có EQ và IQ cao.

Khi làm việc với khách hàng, sự tế nhị, quan tâm là điều cốt lõi của một nhân viên cần có. Một cái nhìn toàn diện sẽ giúp nhân viên nắm bắt được những điều khách hàng cần, đạt được mục tiêu tiếp thị một cách chính xác.

Trong trường hợp trên, ứng viên đầu tiên đã tự suy đoán theo ý mình, phớt lờ nhu cầu của đối phương. Mặc dù câu trả lời của anh có vẻ quan tâm tới đối phương nhưng không giải quyết được vấn đề, không nắm bắt được tâm lý khách hàng.

Ứng viên thứ hai quan tâm quá nhiều tới ranh giới giữa nam và nữ, chắc chắn sẽ khiến khách hàng của mình không hài lòng trong quá trình bán hàng, dẫn tới việc mất khách.

Vị sếp nữ đã nhìn thấy những điều hạn chế trong câu trả lời của hai ứng viên đầu tiên nên đã loại.

Dù trong phỏng vấn hay công việc, chúng ta phải hiểu rõ nhu cầu thực sự của đối phương và xem xét mọi vấn đề một cách toàn diện, từ đó đưa ra cách giải quyết tối ưu nhất.