Gần 2 năm thay đổi vô số công việc do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chạy xe ôm công nghệ là lựa chọn cuối cùng của Nghiêm Quang Linh (27 tuổi) để làm việc ngay sau Tết Nguyên đán. Trong lúc đợi công việc hướng dẫn viên du lịch quay trở lại khi đã được công ty mình cộng tác báo sẽ có đoàn khách khởi hành ngày 9/3, Linh lựa chọn công việc tài xế công nghệ và dự định sẽ làm thật chăm chỉ để kiếm thêm thu nhập.
Tuy nhiên, mới chạy xe chưa được bao lâu, chàng trai 27 tuổi đã vấp phải vài lần giá xăng tăng kỉ lục. Anh buồn bã: “Cứ tưởng sau Tết, học sinh, sinh viên đi học trở lại thì lượng khách sẽ tăng nhưng không may dịch đang càng lúc càng căng thẳng hơn, lại thêm giá xăng tăng cao nữa... Mảnh đất đã nhỏ nay lại còn chật chội hơn vì ai cũng đói cả”.
Giống như Quang Linh, Hà Văn Cảnh (25 tuổi, quê Thái Bình) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sau những ngày nghỉ dịch và cần phải hoàn thành nốt những môn còn nợ để kịp ra trường, Cảnh quyết định chạy xe ôm công nghệ tại Hà Nội trong thời gian chưa tìm được việc làm phù hợp.
Cảnh cho biết, trước đây từng làm nhân viên kế toán cho một công ty. Tuy nhiên vì dịch bệnh, công ty gặp khó khăn về tài chính nên bộ phận của anh bị cắt giảm. Vì vậy, anh rơi vào tình trạng thất nghiệp, “ăn không ngồi rồi” suốt nhiều tháng qua. Có thời điểm, trong túi chỉ vài chục ngàn, Cảnh phải đong đếm xem làm thế nào để đủ chi tiêu. Đến nỗi bây giờ khi nghĩ lại, anh không khỏi rùng mình vì chưa từng tưởng tượng có những ngày cùng cực đến vậy.
“Mọi người cứ nhìn các anh em tài xế khác ngồi mòn mỏi hết chỗ này chỗ khác là hiểu mà. Chỉ cần khách đông, nhiều người đi lại là mọi vấn đề được giải quyết ngay. Còn bây giờ giá xăng tăng cao, người đi thì ít, có ngày mình chỉ nhận được 3, 4 chuyến, kiếm chưa nổi 100.000 đồng thì chỉ có thể cầm cự cho qua ngày chứ không dám nghĩ đến tương lai. Chẳng biết khi nào cuộc sống mới thật sự bình thường trở lại”, Cảnh buồn bã nói.
Công việc shipper hiện tại chỉ giúp Mạnh Hùng cầm cự qua ngày chứ không dám nghĩ đến tương lai
Là cử nhân ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành của một trường đại học lớn nhưng do chưa tìm được việc làm nên gia nhập đội quân shipper là điều mà Phạm Mạnh Hùng (23 tuổi, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) làm để có tiền trang trải cuộc sống.
Mạnh Hùng chia sẻ: “Giá xăng tăng cao thật đó nhưng cũng không bằng một ngày chạy chưa nổi 10 đơn. Mỗi đơn mình thường kiếm được khoảng 20.000 đồng, tính ra chỉ dưới 200 ngàn/ngày rồi phải trừ đi các chi phí trong khi thời gian làm hơn 10 tiếng. So với những ngày trước dịch thì mức thu nhập của mình giảm đi hơn một nửa, thậm chí là 2/3. Bây giờ, mình chỉ mong sao tình hình dịch ổn hơn, giá xăng cũng giảm đi thì mới đủ sống được”.
Không chỉ shipper, xe ôm mà các tài xế ô tô công nghệ cũng rơi vào thế bí. Nhiều người trong số họ không gánh nổi tiền mua và chi phí cho xe cùng tiền sinh hoạt hàng ngày nên đã phải bán chiếc ô tô để có tiền trang trải cuộc sống.
May mắn hơn nhiều tài xế khác, anh Nguyễn Thanh An (28 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) có được sự hỗ trợ từ vợ và gia đình nên vẫn giữ được xe để tiếp tục chạy khách. Theo anh An, hiện tại đang là thời điểm khó khăn nhất của cánh tài xế công nghệ. Giá xăng dầu tăng phi mã và lượng khách sụt giảm là hai yếu tố khiến công việc anh đang làm ngày càng vất vả hơn.
Giá xăng dầu tăng phi mã và lượng khách sụt giảm là hai yếu tố khiến công việc tài xế của anh An ngày càng vất vả hơn
Làm công việc này từ những ngày đầu nền tảng Grab xuất hiện ở Hà Nội, đường sá nắm rõ nên mỗi chuyến đi anh luôn chọn lộ trình ngắn nhất để khách hàng hài lòng. Cùng với đó, anh cho biết thường lựa chọn những khu vực có mật độ khách book cao sẽ hiệu quả hơn việc “lao” ra đường để tìm khách. Tuy nhiên, cả hai cách trên đều không hiệu quả với anh trong thời điểm giá xăng cao mà khách ít như bây giờ.
“Tình hình hiện tại thực sự rất khó khăn nhưng nếu mình bỏ dở thì tiếc lắm. Mình hy vọng trong thời gian tới, tình hình thế giới ổn hơn, dịch bệnh cũng được kiểm soát để những anh em tài xế xe công nghệ có thể yên tâm tiếp tục bám nghề”, anh An chia sẻ.