Đau đầu vì tin nhắn
Tôi đã trải qua vài mối tình vẫn không tới đích dù cả hai đều có tình ý - Anh Trần Văn A. (Hà Nội) chia sẻ chuyện tình của mình.
Anh A. nhận thấy chiếc điện thoại tiện dụng và cần thiết, nhưng đồng nghĩa với đó là dính với nó cả ngày và ai gửi tin nhắn, zalo, face… đều vào đọc. Nếu nhận tin của người yêu mà chưa muốn trả lời thì tin nhắn cứ lơ lửng, mất tập trung và tư duy kém hiệu quả. Chẳng may quên không trả lời thế nào cũng sẽ gặp rắc rối.
Bắt đầu hẹn hò là tần suất nhắn tin cho người yêu nhiều hơn tán gẫu. Có khác là với bạn bè, người thân anh thấy vui vẻ hơn. Với người yêu thì phấn khích đấy, nhưng rất phức tạp, mỏi mệt bởi tán tỉnh phải là những lời có ý, rồi tin nhắn chào buổi sáng, chúc ngủ ngon... phải biến tấu cho tình tứ, có chút riêng tư, chưa kể hàng ngàn câu hỏi đau đầu nghĩ để trả lời.
Hôm ấy anh và người yêu có buổi tối đẹp như mơ. Họ cùng nắm tay nhau đi xem phim, ăn tối, trò chuyện rất vui vẻ. Khi anh A. về nhà thì có việc rắc rối phải giải quyết gấp. Tin nhắn của người yêu đến đúng thời điểm rối ren ấy… và anh chỉ kịp nhắn lại ngắn gọn: "Anh bận một chút, trả lời em sau nha".
Ai dè chuyện nhà quá lớn phải lo lắng suốt đêm và quên béng tin nhắn của người yêu. Hôm sau cô ấy nhắn một cái tin "cảm thấy khó chịu vì sự lảng tránh" và cả hai nói lời chia tay khi tâm trạng của ảnh rất tồi tệ.
May mắn là sau đó cả hai đã nghĩ lại, quyết định gặp nhau lần nữa, và anh đề nghị "không nhắn tin nữa" mà gọi điện trực tiếp. Người yêu nghĩ một hồi rồi gật đầu và từ đó tình cảm của họ giàu cảm xúc hơn, dễ dàng, phấn khích và tràn đầy năng lượng vì không phải chịu áp lực nhắn tin, khiến tình yêu ấn tượng, sống động hơn rất nhiều.
Giải quyết mâu thuẫn vợ chồng bằng tin nhắn rất dễ căng thẳng hơn. (Ảnh minh họa)
Ông nói gà, bà nói vịt
Trong hôn nhân dùng tin nhắn để "giải quyết mâu thuẫn" là "lợi bất cập hại" vì càng mỏi mệt và căng thẳng hơn. Chưa kể tin nhắn không dấu, nhiều khi nói một đằng nhưng hiểu một nẻo thật dở khóc dở cười - chị Lê Thị Duyên (Lạng Sơn) tâm sự.
Chị Duyên cho biết không biết bao lần vợ chồng chị cãi nhau vì "dịch" nhầm tin nhắn. Có lần hai vợ chồng "chiến tranh lạnh" cả ngày, tối nấu cơm xong chị nhắn tin cho chồng:
- Co ve an com khong con cho?
Chồng đọc tin nhắn nghĩ đang giận nhau nên vợ hỗn láo với mình, hầm hầm về nhà hỏi:
- Cô nhắn tin gì cho tôi!
Vợ bảo là nhắn hỏi "Có về ăn cơm không còn chờ", khiến chồng tiu nghỉu vì đã hiểu nhầm tin nhắn. Lần sau đi công tác thì chị nhắn tin hỏi anh đang ở đâu, khi nhận được cái tin viết: "A dang o cua phong tam mat xa noi dang co e iu" - thế là chị tức giận, nhắn lại "Anh qua dang" rồi tắt máy luôn… Mãi khi chồng đi công tác về gặp vợ chị mới hiểu cái tin nhắn nội dung đúng là ("Anh đang ở cửa phóng tầm mắt xa nơi đang có em yêu") nhưng vì vợ "dịch" nhầm thành "phòng tắm mát xa…" và lên cơn "đau tim".
Lần khác chị đi làm về thấy đôi giày hơn 2 triệu đồng mới mua cho chồng đã nát tươm thì nổi đóa nói chồng xa xả. Anh chồng bực bội bỏ ra ngoài. Lát sau chị nhận được tin nhắn chồng gửi: "Do con cho can" khiến chị lồng lộn gọi điện cãi nhau tiếp với chồng… cho tới khi anh về và giải thích đôi giày nát tươm là "do con chó cắn".
Từ đó anh chị rất cảnh giác với tin nhắn không dấu để khỏi cãi nhau. Thế mà sau khi có con vẫn xảy ra lần hiểu nhầm nữa. Đó là thấy vợ viết trên zalo rằng: "Con biet ngoi roi! Gioi qua! Con bo thi luoi lam, duoc may cai la nam uon ra!"'.
Anh rất giận bởi chuyện tế nhị mà chả nói với chồng, còn công khai lên mạng, chả giữ sĩ diện cho chồng gì cả và nhắn tin hỏi lại. Vợ bảo có nói gì ảnh hưởng đến sĩ diện chồng đâu? Anh chồng quát lên bảo chả phải vợ viết: "Con biết ngồi rồi! Giỏi quá! Còn bố thì lười lắm, được mấy cái là nằm ườn ra" đấy thôi?
Thế là vợ cười ầm lên, bảo:
- Em viết là "Con biết ngồi rồi! Giỏi quá! Còn bò thì lười lắm, được mấy cái là nằm ườn ra"...
Một tin nhắn gây hiểu lầm. (Ảnh minh họa)
Các cặp đôi không nên cãi nhau qua... tin nhắn
Cãi nhau qua tin nhắn được các chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình gọi là "rào cản giao tiếp giữa những người yêu nhau", hay nói một cách dân dã là "ông nói gà, bà nói vịt". Điều đó xuất phát từ sự khác biệt suy nghĩ và khác biệt về nhu cầu của mỗi giới mà đôi khi chính những người trong cuộc cũng không hề biết, rồi họ vô tình làm tổn thương nhau, rời xa nhau.
Theo nhà tư vấn tâm lý Tuệ An, tin nhắn điện thoại, zalo, facebook hay các mạng xã hội khác chỉ là mẩu tin ngắn gọn, truyền đạt thông tin – nhưng không ít cặp đôi dùng để giao tiếp, trách móc, giận hờn, thậm chí chửi bới, nạt nộ nhau.
Các cặp đôi không nên giải quyết một câu chuyện dài giữa hai người qua tin nhắn vì có thể làm cả hai mỏi mệt, đau khổ hơn, chưa kể mất thời gian bấm, gửi, rồi lỗi mạng, lỗi máy… còn bực bội, tức giận, đau đớn hơn nữa.
Tin nhắn không thể tập trung vào vấn đề cần giải quyết, nếu có việc đột xuất xảy ra có thể bị sao nhãng, không thỏa mãn điều mình muốn nói. Từ một chuyện nhỏ dần dà kéo theo rất nhiều chuyện, thậm chí tin nhắn là dịp lôi chuyện quá khứ, lỗi cũ ra để chì chiết, khiến cuộc cãi vã bùng lên, không kết thúc được, mà kéo dài hết ngày này sang ngày khác gây ức chế, căng thẳng trong cuộc sống, công việc. Chưa kể tin nhắn bị quên khi đang làm dở việc gì đó, hoặc hội thoại được giữ lại làm... bằng chứng cho lần cãi vã tiếp theo...
Tin nhắn không thay được cho cảm xúc thật khi trực tiếp nói chuyện với nhau. (Ảnh minh họa)
Tin nhắn điện thoại không thể thay cho cảm xúc thật của hai người vì nó không biểu lộ cảm xúc. Dù Zalo, Facebook, Instagram có biểu tượng bộc lộ cảm xúc (hình khóc, cười…), nhưng không thể thay thế cho cảm giác thật ngay lúc đó. Vì vậy nếu đã có mâu thuẫn, xung đột gia đình (hay cãi cọ với ai đó) thì các cặp đôi cần dành thời gian ngồi nói chuyện trực tiếp, chứ đừng nhắn tin để sau này không phải hối tiếc.
Cãi nhau qua tin nhắn cả hai đều có thể bị tổn thương nghiêm trọng, đau khổ vì những con chữ của đối phương, và còn đọc đi đọc lại nhiều lần những tin nhắn đó càng thêm dằn vặt, đau khổ, hối hận.
Tình yêu có thể cảm nhận qua cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể của vợ/chồng khi nói chuyện trực tiếp, còn nhắn tin sẽ che lấp tất cả khiến mâu thuẫn thêm nặng nề, xa cách. Cảm xúc thực khi hai người nói chuyện giúp họ dễ gần nhau hơn, âm điệu giọng nói, đuôi mày, con mắt cũng giúp câu chuyện có thể rẽ sang hướng tích cực hơn. Đôi khi chỉ cần thay đổi cách giao tiếp, giữ đầu óc bình tĩnh thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp rất nhiều, không như những câu chữ trong tin nhắn thể hiện. Vì vậy các cặp đôi không nên cãi nhau qua... tin nhắn.