Ý thức của người dân khi sử dụng nhà vệ sinh nơi công cộng là chủ đề được bàn luận rất nhiều. Hình ảnh bồn rửa mặt kẹt nước, bồn cầu không được xả sạch, nắp bồn đầy dấu chân, sàn nhà vệ sinh ướt sũng… dễ dàng được bắt gặp ở các khu vệ sinh công cộng vì người dùng thiếu ý thức.
Ở môi trường công sở, câu chuyện xung quanh khu nhà vệ sinh cũng có nhiều chuyện để bàn. Những tình huống khó chịu gặp phải khi sử dụng nhà vệ sinh nơi công cộng cũng rất dễ gặp ở nơi được cho là văn minh, lịch sự này.
Lấy hết can đảm để… đi vệ sinh
Chuyện tưởng như đùa nhưng lại là điều chị Đặng Nhung (27 tuổi, Hà Nội) phải trải qua hằng ngày khi dùng nhà vệ sinh nơi công sở. Ngày nào chị cũng phải lấy hết can đảm, nghị lực để đi “giải quyết nỗi buồn” khi nhà vệ sinh luôn bốc mùi, lênh láng nước, nắp bồn cầu in đầy dấu chân, thậm chí còn nổi lềnh bềnh chất thải.
Công ty chị nằm ở tầng 7 của một tòa cao ốc. Riêng tầng này có đến 3 đơn vị kinh doanh, nhân sự đông, lại đa phần là nữ. Thế nên, nhà vệ sinh nữ lúc nào cũng chật “cứng”, nhân viên thường xuyên phải xếp hàng “giải quyết nhu cầu”.
Tình trạng quá tải, người sử dụng lại thiếu ý thức nên nhà vệ sinh luôn trong tình trạng bốc mùi, bẩn tưởi. Chị Nhung nói, thời điểm thích hợp nhất để đi vệ sinh là lúc đầu giờ sáng và đầu giờ chiều, bởi đó là khi cô lao công vừa dọn dẹp xong khu vệ sinh. Chỉ sau đó 30p đến 1 tiếng đồng hồ, mọi chuyện lại trở về như cũ.
“Nghĩ đến nhà vệ sinh công ty là tôi thấy ám ảnh. Tôi không hiểu sao lại có người đặt hẳn chân lên bồn cầu để đi vệ sinh, rồi vô tư ra ngoài mà không lau sạch vết giày bẩn in hằn lên đó. Họ chỉ biết việc của mình, không nghĩ đến người khác. Họ cũng không nghĩ rằng, có thể chỉ một tiếng đồng hồ nữa thôi, chính mình cũng sẽ sử dụng cái bồn cầu mất vệ sinh này”, chị Nhung bức xúc nói.
Chị tâm sự thêm, chị cùng vài đồng nghiệp thân thiết phải dặn nhau “giải quyết nhu cầu” tại nhà. Khi đến công ty, bất đắc dĩ lắm mới phải sử dụng nhà vệ sinh hoặc họ sẽ rủ nhau lên tầng trên hay xuống tầng dưới “đi nhờ”.
Chị Nguyễn Thúy (32 tuổi, Hà Nội) cũng rất bức xúc về vấn đề này. Công ty chị trang bị cơ sở vật chất hiện đại cho cả khu vệ sinh nam và nữ. Tuy nhiên, vì người sử dụng quá thiếu ý thức nên dù cô lao công làm việc hết công suất vẫn không thể giữ cho khu vệ sinh sạch sẽ suốt 8 giờ làm việc.
“Mỗi khi bước vào nhà vệ sinh công ty, tôi lại tự hỏi, tại sao tôi luôn phải giật nước xả bồn cầu cho người dùng trước đó. Tôi ám ảnh vô cùng với cái bồn cầu lềnh bềnh chất thải, thậm chí nếu bồn cầu nào đang đóng nắp, tôi không có can đảm mở lên. Rồi họ dùng vòi xịt, xịt lênh láng nước trên nắp bồn cầu, dưới sàn nhà nhưng không chịu lau đi, tóc, lông rụng khắp mà không chịu xả sạch… Chuyện tưởng chừng rất nhỏ mà lại trở nên rắc rối chỉ vì ý thức kém của mọi người”, chị Thúy bức xúc kể.
Dán quy định khắp nơi cũng bằng thừa
Chị Huyền Trang có một quy tắc bất di bất dịch khi ở công ty là “Không đi vệ sinh trước và sau khi ăn”, bởi lẽ, nơi này bốc mùi khủng khiếp.
Nhiều người tìm cách chống chế khi sử dụng nhà vệ sinh ở công ty (ảnh minh họa)
Chị kể, cô lao công ở công ty chị cất công in giấy dán khắp các ô cửa ở khu vệ sinh, trên đó viết: “Không giẫm chân lên bồn cầu/ Ấn giữ tối thiểu 5 giây để xả hết chất thải trong bồn cầu/ Lau khô sàn nhà trước khi rời khỏi nhà vệ sinh/Bỏ giấy vệ sinh vào sọt rác”… Ban đầu chị cho rằng, đây là việc làm thừa thãi bởi những quy định trên là ý thức tối thiểu của dân công sở. Sau này chị mới nhận ra, chỉ dán quy định thôi chưa đủ để cải thiện ý thức của mọi người khi dùng nhà vệ sinh.
“Tờ giấy quy định được dán chình ình trước mặt nhưng không ai làm theo. Cái nhà vệ sinh nội thất đẹp như thế mà lúc nào cũng giấy rác bừa bãi, bốc mùi, bẩn thỉu, nắp bồn cầu thì vương vãi nước… Hồi đầu, tôi còn kiên nhẫn xả nước, lau sạch nắp bồn cầu trước khi đặt mông. Giờ đây, tôi bất lực, chỉ cố gắng nhịn hoặc tìm nhà vệ sinh khác sạch hơn để giải quyết nhu cầu”, chị Trang tâm sự.
Anh Đức Thắng (26 tuổi, Hà Nội) kể, khu vệ sinh nam ở công ty anh không có bồn tiểu riêng cho nam nên đã ghi rõ quy định: “Nhấc bệ của bồn cầu lên trước khi sử dụng. Sau khi sử dụng dội rửa sạch sẽ đảm bảo vệ sinh thành bồn cầu”. Thế nhưng, hình ảnh anh luôn thấy khi bước vào nhà vệ sinh là chiếc bồn cầu lấm chấm vàng.
“Đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ sau khi sử dụng là yêu cầu cơ bản nhưng không phải ai cũng làm được. Cảnh “cha chung không ai khóc” này tôi thấy nhiều ở các khu vệ sinh công cộng. Ngay cả nơi công sở, nơi làm việc của những người có học vấn, có trình độ mọi chuyện cũng không khá hơn”, anh Thắng ngán ngẩm.
Ý thức sử dụng nhà vệ sinh nơi công sở tưởng là chuyện nhỏ mà không hề nhỏ, quyết định đến không khí làm việc của cả văn phòng. Khi mỗi người có ý thức đảm bảo vệ sinh công cộng, môi trường làm việc sẽ dễ chịu, hiệu quả công việc cũng tốt hơn.