Curiosity là tàu đổ bộ hoạt động như một robot dạng xe tự hành trên Sao Hỏa. Bắt đầu hành trình săn tìm sự sống ngoài hành tinh năm 2012, nó đã có một loạt phát hiện chấn động, bao gồm các "khối xây dựng sự sống" đầu tiên.
Giờ đây, những bức ảnh mới từ NASA tiết lộ các "vết thương" mà chiến binh bền bỉ này đã gặp khi vật lộn với địa hình khắc nghiệt của Sao Hỏa suốt 12 năm qua.
Curiosity đã tự chụp "đôi chân của mình" bằng camera mà nó cầm trên cánh tay robot, cho thấy những vết nứt toác lẫn trầy xước nặng.
Tuy nhiên, những người quan tâm có thể tạm thở phào: Kỹ sư điều hành sứ mệnh Ashley Stroupe cho biết thiệt hại có thể nghiêm trọng nhưng Curiosity "vẫn hoạt động tốt, dù phải chịu một số tác động tồi tệ nhất từ Sao Hỏa".
Không có dấu hiệu nào cho thấy con robot này sẽ ngưng hoạt động.
Thật ra Curiosity đã hoàn thành sứ mệnh kéo dài 2 năm của nó từ lâu. Thế nhưng, vì hoạt động mãi không hỏng nên nó đã được NASA giao thêm nhiều nhiệm vụ mở rộng, đi đến các khu vực ngoài dự kiến ban đầu và tiếp tục đem về nhiều thành công.
Bánh xe của Curiosity bị hư hại nặng - Ảnh: NASA
"Vết thương" mới nhất của Curiosity đã ghi vào danh sách một loạt sự cố mà các robot thám hiểm đã gặp trên Sao Hỏa.
Gần đây nhất là chiếc trực thăng robot Ingenuity của NASA, bạn đồng hành của Perseverance - robot dạng xe tự hành mới hơn.
Ingenuity đã kết thúc sứ mệnh sau khi gửi "di chúc" về Trái Đất hồi tháng 4. Nó đã va phải các cấu trúc phức tạp trên địa hình hành tinh đỏ trong một chuyến bay do thám, dẫn đến gãy mất một cánh và bị rơi.
Vào năm ngoái, robot dạng xe tự hành Zhurong của Trung Quốc đã không thể thức dậy sau một thời gian im tiếng.
NASA cũng mất 2 chiến binh nổi tiếng khác là robot đo địa chấn InSight và robot xe tự hành Opportunity, vốn bị các cơn bão bụi khắc nghiệt trên Sao Hỏa lấp mất các tấm pin Mặt Trời nên bị ngừng hoạt động.
Hai robot đang hoạt động là Curiosity và Perseverance sử dụng năng lượng hạt nhân nên đã thoát khỏi "thảm cảnh" tương tự.