Thảm họa tại Italia: Khủng hoảng khí hậu đang ở cửa ngõ châu Âu?

Lũ lụt trong tuần qua là thảm họa thời tiết mới nhất tấn công Italia, và các nhà hoạch định chính sách cuối cùng cũng bắt đầu có những động thái ứng phó với thảm họa.

Theo tờ The Guardian, tuần qua, một phần của vùng Emilia-Romagna ở miền Bắc Italia đã hứng chịu lượng mưa tương đương mức trung bình 6 tháng chỉ trong 36 giờ. Nước sông tràn bờ và hàng ngàn mẫu đất nông nghiệp bị nhấn chìm. Ước tính có khoảng 36.000 người mất nhà cửa và 14 người được xác nhận đã chết.

Đây chỉ là thảm họa thời tiết mới nhất tấn công Italia. 6 tháng trước, 12 người đã thiệt mạng trên hòn đảo Ischia ở miền Nam nước này trong một trận lở đất do mưa lớn. Tháng 9 năm ngoái, 11 người khác đã thiệt mạng do lũ quét ở Marche thuộc miền Trung nước này.

Tháng 7 năm ngoái, giữa đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất ở Italia trong ít nhất 70 năm, một trận tuyết lở ở dãy núi Alps của Italia đã giết chết 11 người.

Theo tờ The Guardian, vẫn còn quá sớm để một nghiên cứu quy kết nguyên nhân của trận lũ lụt trong tuần qua là do sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra.

Nhưng trên khắp châu Âu, khi nồng độ carbon dioxide trong khí quyển tăng lên, thời tiết khắc nghiệt cũng tăng theo - những năm hạn hán liên tiếp đã ảnh hưởng đến nông dân ở Tây Ban Nha và miền nam nước Pháp, trong khi năm ngoái đã có những đợt nắng nóng chưa từng có trên khắp lục địa này.

"Biến đổi khí hậu đang diễn ra ở đây và chúng ta phải gánh chịu hậu quả", Paola Pino d'Astore - chuyên gia tại Hiệp hội Địa chất Môi trường Italia (SIGEA) nói rằng, đó không phải là một viễn cảnh xa vời nào đó, mà là một điều bình thường mới.

Các chuyên gia cho biết, điều kiện địa lý của Italia khiến nước này đặc biệt dễ bị tổn thương trước các thảm họa khí hậu: địa chất đa dạng khiến nước này dễ bị lũ lụt và sạt lở đất; bên cạnh đó, các vùng biển ấm lên nhanh chóng trong bối cảnh nhiệt độ tăng cao khiến nước này dễ bị tổn thương trước những cơn bão ngày càng mạnh.

Thảm họa tại Italia: Khủng hoảng khí hậu đang ở cửa ngõ châu Âu? - Ảnh 1.

Hai người dìu nhau đi qua con đường ngập nước ở Lugo (Italia). Ảnh: AP

"Kẻ thù đang ở trước cổng"

Tờ The Guardian nhận định, "tiền tuyến" của cuộc khủng hoảng khí hậu cho đến nay vẫn nằm ở phía Nam bán cầu, dẫn đến điệp khúc thường được lặp đi lặp lại rằng những người ít chịu trách nhiệm nhất về khủng hoảng khí hậu đang phải đối mặt với những tác động tồi tệ nhất. Nhưng đối với Italia bây giờ, và có lẽ sắp tới là phần còn lại của châu Âu, "kẻ thù đang ở trước cổng".

Tháng 8 năm ngoái, một trạm thời tiết gần Syracuse trên đảo Sicily ở miền nam Italia đã ghi nhận nhiệt độ 48,8 độ C, được cho là mức nhiệt cao nhất từng đo được ở châu Âu. Trong khi thế giới đang vật lộn để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5 độ C, thì ở Italia, nhiệt độ trung bình trong 10 năm qua đã cao hơn 2,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Coldiretti - một hiệp hội nông dân quốc gia của Italia - cho biết, số lượng các hiện tượng thời tiết cực đoan được ghi nhận vào mùa hè năm ngoái, bao gồm lốc xoáy, mưa đá cỡ lớn và sét đánh, cao gấp 5 lần so với con số được ghi nhận cách đây một thập kỷ. Và giống như ở nhiều nơi trên thế giới đã cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu, nông dân là đối tượng phải chịu đựng nhiều nhất: đợt hạn hán nghiêm trọng năm ngoái khiến năng suất cây trồng tại Italia giảm tới 45%.

Tổ chức Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Italia cho biết, việc mất đi các khu rừng và thảm thực vật hút nước dọc theo bờ sông ở Emilia-Romagna đã làm trầm trọng thêm thảm họa trong tuần qua: 23 dòng sông đã vỡ bờ. Các chuyên gia cho rằng, đó là hệ quả của nhiều năm xây dựng không theo quy hoạch và phát triển nông nghiệp với quy mô công nghiệp.

Bất chấp sự gia tăng của các thảm họa thời tiết cực đoan, các nhà hoạch định chính sách của Italia chỉ mới bắt đầu can thiệp. Sau gần 4 năm trì hoãn, vào tháng 12/2022, Bộ Môi trường nước này đã công bố kế hoạch quốc gia đầu tiên về thích ứng với biến đổi khí hậu.

WWF Italia cho biết trong một tuyên bố: "Chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu vượt ra ngoài cách xử lý các trường hợp khẩn cấp, và việc xem xét các tác động của quy hoạch thông thường đang ngày càng trở nên cấp thiết".