Lá thư tuyệt mệnh của thần đồng
Đàm Dao sinh ngày 28/8/1994 tại thị trấn Bách Lý Châu, quận Chi Giang, thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Vào tháng 9/2006, cô bé Đàm Dao khi ấy được tiến cử với trường Trung học cơ sở số 1 Chi Giang với tư cách học sinh giỏi toán đứng thứ 2 toàn trường.
Vào buổi học sáng ngày 6/3/2008, thầy chủ nhiệm Lý Khai Tùng ngẫu nhiên đến lớp kiểm tra thì phát hiện Đàm Dao đang đọc tạp chí trong giờ học. "Tôi nhớ rõ mình chỉ nói 3 câu với Đàm Dao", thầy Tùng nhớ lại. Sau giờ học tiếng Anh, thầy Tùng bước lên bục giảng để nhấn mạnh các quy định của nhà trường. Đây là lần thứ 3 ông thấy Đàm Dao làm việc riêng trong giờ: "Đàm Dao, em không nhận được sao trong tuần này, hãy mời phụ huynh đến trường trao đổi".
Bố của Đàm Dao là Đàm Thế Hùng - giáo viên dạy toán tại trường trung học số 5 Chi Giang có quen biết Lý Khai Tùng. Ông Hùng từng nói với thầy Tùng rằng Đàm Dao còn nhỏ và thích chơi đùa nên hãy nghiêm khắc với cô bé.
Sáng hôm ấy có tiết thể dục và những môn khác, Đàm Dao vẫn tham gia và không có biểu hiện khác thường. Chỉ có điều cô bé không xuống căng tin ăn trưa mà nhờ một bạn nữ thân thiết mua mì ăn liền giúp mình.
Đến 5 hoặc 6h chiều, sau giờ học, Lý Khai Tùng phát hiện Đàm Dao không có trong lớp. Đến chỗ ngồi của Đàm Dao, ông phát hiện một bức thư tuyệt mệnh trong cuốn sổ mà cô bé để lại trong ngăn bàn:
"Bố mẹ, xin hãy tha thứ cho con vì đã đưa ra quyết định bất hiếu này. Con biết mọi người sẽ rất buồn, nhưng xin đừng vì con mà ảnh hưởng sức khỏe. Nếu không, con sẽ rất đau lòng.
Con nhớ rằng trong học kỳ đầu tiên ở trường trung học, có một bạn cùng lớp đã nhảy lầu tự tử. Lúc đó, có bạn khác hỏi con có tự tử không, con cười bảo không. Nhưng bây giờ con thực sự cảm thấy rất mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi thật tốt.
Con biết, con là đứa con gái duy nhất nên bố mẹ rất kỳ vọng. Con xin lỗi vì đã làm mọi người thất vọng.
Trên thực tế, con đã phải chịu áp lực rất lớn ở trường, các giáo viên, đặc biệt là thầy Lý Khai Tùng luôn rất nghiêm khắc với con. Thầy ấy nói không được đọc sách ngoại khóa, nhưng mọi người đều biết con không thể làm vậy. Vì vậy, sau khi bị thầy bắt gặp lần thứ 3, con đã đưa ra quyết định này. Con không biết phải làm thế nào".
Nhà trường đã thông báo cho bố mẹ Đàm Dao ngay lập tức. Nhân viên bảo vệ khẳng định Đàm Dao chưa rời khỏi trường. Mọi người chia mọi ngả tìm kiếm nhưng không thấy gì. Ngày 7/3, người ta tiến hành lắp đặt máy bơm ở ao gần cổng trường và bắt đầu bơm nước. Đến khoảng 10h30 sáng ngày 8/3, thi thể Đàm Dao được tìm thấy dưới ao.
Thần đồng và hành trình mệt mỏi
Nói đến Đàm Dao, mẹ cô bé tự hào: "Đàm Dao từ nhỏ đã rất thông minh, gọi con bé là thần đồng cũng không ngoa". Trước đó, trong số 128 học sinh được nhận vào trường trung học cơ sở số 1 Chi Giang vào năm 2006, Đàm Dao mới 12 tuổi, cao 1,45 m. Khi Đàm Dao mới đến, học sinh và phụ huynh cùng lớp đã nghĩ cô bé chỉ là học sinh tiểu học.
Ngay từ khi còn rất nhỏ Đàm Dao đã theo mẹ, bà Phượng Nga, một giáo viên tiểu học, đến nơi làm việc. Năm Đàm Dao 2 tuổi, cô bé được mẹ gửi đi học mẫu giáo. Thời gian này, Đàm Dao bộc lộ trí thông minh của mình. Cô bé thích bính âm, đọc viết, ca hát và các con số. Vì vậy, bố mẹ Đàm Dao quyết định cho con nhập học sớm.
Khi Đàm Dao học lớp 1, cô bé mới 4 tuổi. Kể từ đó, Đàm Dao luôn duy trì thành tích học tập rất tốt. Trong học kỳ hai của lớp 3, cô bé đã xem trước chương trình học của lớp bốn, đến lớp 4 vẫn đứng đầu lớp và nhảy lên lớp 5 một cách tự nhiên. Đến học kỳ hai của lớp 5, Đàm Dao đã học hết chương trình lớp 6. Tóm lại, cô bé chỉ dành 4 năm đã học xong chương trình tiểu học 6 năm.
Năm 2003, Đàm Dao mới 9 tuổi, đến trường trung học Lưu Hạng ở Bách Lý Châu vì mẹ cô bé chuyển công tác. Hiệu trưởng trường Lưu Hạng nhớ lại Đàm Dao là một đứa trẻ đầy cá tính. Ngoài thành tích học tập xuất sắc, em còn giỏi ca hát, nhảy múa, chơi piano và thích thể thao, máy tính. Vì vậy, nhà trường đánh giá Đàm Dao là một học sinh toàn diện, đủ điều kiện vào các trường trung học phổ thông trọng điểm.
Đàm Dao từng có ước mơ trở thành tình nguyện viên ở Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008. Tuy nhiên, bi kịch xảy ra khi đại hội chỉ còn 5 tháng nữa là khai mạc.
Khi Đàm Dao tự sát, tất cả các giáo viên và bạn học của cô bé đều rất sốc. Thầy Lý Khai Tùng nhớ lại: "Đàm Dao là một đứa trẻ hướng ngoại, rất vui vẻ". Cô bé không chỉ là học trò của ông, mà còn được ông tin tưởng giao cho nhiệm vụ lớp trưởng.
Một số người bạn ngồi gần Đàm Dao nói rằng cô bé tuy ít tuổi hơn các bạn cùng lớp nhưng thành tích học tập lúc nào cũng nằm trong top đầu. "Tôi đã từng nói chuyện với Đàm Dao 3 lần. Cô bé rất vui vẻ và hoạt bát, nhưng có lẽ trong lòng rất cô đơn", một giáo viên chia sẻ.
Sau khi Đàm Dao qua đời, bố mẹ em phải đối mặt với những lời buộc tội từ mọi tầng lớp xã hội. Có người nói thần đồng này bị bố mẹ đánh đập thô bạo hơn người bình thường mỗi khi thành tích sa sút. Bà Phượng Nga đã rất tức giận và bất lực trước những cáo buộc này. Bản thân là giáo viên, bà rất chú trọng đến giáo dục và tôn trọng trẻ, ít khi đánh trẻ. Hơn nữa, Đàm Dao và mẹ luôn thân thiết gần gũi. Cô bé từng nói: "Chỉ cần có mẹ, bầu trời sẽ không sụp đổ". Có thể thấy mối quan hệ giữa Đàm Dao và bố mẹ không tệ như người ngoài đồn thổi.
Tuy nhiên, lá thư tuyệt mệnh mà Đàm Dao để lại cho thấy cô bé đã có một tuổi thơ mệt mỏi, vật vã cỡ nào. Để có được danh xưng “thần đồng” và đáp ứng kỳ vọng của gia đình, em đã phải đánh đổi tất cả. Cuối cùng, Đàm Dao không thể chịu đựng được áp lực và phải chọn cái kết tiêu cực nhất.