Tuổi trẻ gian nan tìm cách khởi nghiệp
Sinh ra và lớn lên tại xã Nga Trường, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) - nơi có làng nghề cói nổi tiếng cả nước, như nhiều bạn trẻ ở làng, học hết bậc phổ thông, Trần Văn Hùng (1993) ra Hà Nội theo học tại trường Cao đẳng Cộng đồng chuyên ngành về điện.
Một tháng sau khi nhập học, Hùng bắt đầu đi làm thêm từ những việc tay chân như rửa xe, phát tờ rơi, bồi bàn trong nhà hàng và sau đó gắn bó với công việc ở khách sạn gần 4 năm. Cũng từ những ngày đầu tiên bươn trải đó, anh luôn ấp ủ những suy nghĩ về con đường khởi nghiệp của mình nhưng chưa có những dự định thực sự cụ thể.
Đầu năm 2017, Hùng vào miền Trung làm việc cho một resort nổi tiếng ở thành phố Nha Trang. Một lần ngồi cùng cáp treo với hai bạn khách du lịch nước ngoài, thấy họ đeo chiếc túi làm bằng cói có họa tiết rất đẹp, Hùng chợt nảy ra ý tưởng: “Tại sao không làm đan túi thủ công tại Nga Sơn, nơi vốn đã rất nổi tiếng với nghề này?”.
Trong một đêm suy nghĩ, đầu óc Hùng hiện lên đủ chuyện, anh nhẩm đọc lại bài thơ của tuyển tập Tony Buổi sáng mà mình rất tâm niệm:
“Cứ ở mãi ao làng ao sen cạn
Sao không ra sông ra bể mà vẫy vùng
Sao cứ mãi trói mình trong nếp nghĩ bùng nhùng
Sao cứ online thở dài ngao ngán
Sao cứ để tuổi trẻ trôi qua thật chán
Trên đường băng sân bay mỗi đời người
Có những người đang chạy đà và cất cánh.”
Ngay sáng hôm sau, Hùng quyết định nghỉ việc, trở về quê hương tìm hướng khởi nghiệp. “Em nghĩ Nga Sơn là vùng trồng cói nhưng chưa bao giờ em thấy có túi cói đẹp. Em quyết định trở về quê hương xây dựng sản phẩm. Em nghĩ mình phải làm những thứ khác biệt người khác mới phát triển được”, Hùng chia sẻ.
Không thể làm gì với vốn kinh nghiệm bằng 0, Hùng bắt đầu lân la tìm hiểu về nghề đan túi xách thủ công tại nhiều nơi như Biên Hòa, Bình Dương, Đồng Tháp. Sau nhiều lần bị từ chối, cuối cùng Hùng được một gia đình ở Huế dạy nghề và truyền cho nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.
Sau một tháng được truyền nghề, trở về quê, Hùng thành lập doanh nghiệp chuyên sản xuất túi xách thủ công mang tên Cỏ May. Để tạo nên sự khác biệt, các sản phẩm của Cỏ May chủ yếu sử dụng các vật liệu truyền thống như cói, mây, tre, gỗ, kết hợp với chất liệu da thật nhập khẩu.
Ngoài ra Hùng còn sử dụng các vật liệu từ thiên nhiên như vỏ hến, sỏi, cát, hoa, cỏ….trang trí, tạo điểm nhấn cho từng chiếc túi, mang lại sự tinh tế. Hùng còn nghiên cứu thị trường và cho ra đời những mẫu thiết kế có tính ứng dụng cao, phù hợp với các bối cảnh sử dụng khác nhau.
Chẳng hạn như những chiếc túi kích thước to, có thể đựng vừa khổ giấy A4 sẽ là sự lựa chọn ưng ý dành cho các bạn sinh viên, nhân viên văn phòng… "Sự tinh tế được cất giấu trong những chi tiết nhỏ nhất. Tổng thể cần hài hòa nhưng từng mối đan, từng đường kim mũi chỉ cũng phải được chú trọng".
Để hoàn thành một chiếc túi handmade, những người thợ xuất thân từ làng đan cói truyền thống thường mất khoảng từ 2 đến 3 ngày để chăm chút từng công đoạn làm túi, từ chọn vật liệu đến lên dáng, phối da, lót vải…
Bước đầu thành công với quyết định táo bạo của mình
Sau 2 năm thành lập, Cỏ May đang ngày càng được biết đến và yêu thích nhiều hơn. Các sản phẩm túi xách của Cỏ May có giá dao động từ 800.000 đến gần 3.000.000 đồng. Hùng cho biết muốn chú trọng vào những sự thanh lịch, tinh tế, giúp khách hàng có thể dùng thường xuyên như các loại túi xách và có thể khắc tên để cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng.
Là người trẻ khởi nghiệp, theo Hùng nỗ lực làm việc và học hỏi không ngừng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. “Khi đã hiểu và yêu nghề, bạn sẽ khám phá ra rất nhiều điều thú vị từ những sản phẩm của mình”, Hùng tâm sự.
Các sản phẩm của Cỏ May cũng đã được xuất khẩu theo dạng bán lẻ ở Mỹ và Singapore trên các trang thương mại điện tử Amazon, Ebay. “Mỗi khi nhận được feedback (phản hồi) của khách hàng là những tấm hình ghi lại khoảnh khắc những chiếc túi xách của Cỏ May theo chân chủ nhân đi đến những vùng đất, những quốc gia khác nhau, mình vừa xúc động vừa thấy tự hào vì đã góp phần quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống “made in Việt Nam” ra khắp thế giới”, Trần Văn Hùng chia sẻ.
Hiện tại, cơ sở sản xuất của Hùng đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, chủ yếu là phụ nữ và các bạn nhỏ với mức lương gần 4 triệu đồng/tháng. Ngoài hướng dẫn và dạy nghề, Hùng còn truyền đạt cho các bạn nhỏ những kiến thức và kỹ năng về cuộc sống với mong muốn khi ra ngoài xã hội hay đi làm bất kỳ ở đâu, các bạn cũng có thể vận dụng được. Hiện tại mỗi tháng Hùng xuất bán được từ 250 - 300 túi, doanh thu đạt khoảng 170 triệu đồng/tháng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông chủ trẻ Trần Văn Hùng cũng tham gia tích cực vào công tác Đoàn tại địa phương.
“Với những thành công bước đầu trên con đường khởi nghiệp, đặc biệt sản phẩm lại làm từ những gì tự nhiên của quê hương, thân thiện với môi trường, đồng chí Trần Văn Hùng đã truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp tới nhiều đoàn viên trong xã, trong huyện và tỉnh Thanh. Bên cạnh đó, đồng chí Hùng còn tích cực tham gia công tác Đoàn tại địa phương, thường xuyên đóng góp cho an sinh xã hội tại quê nhà”, Bí thư Huyện đoàn Nga Sơn Dương Thị Thoa cho biết.
Năm 2020 đề án “Làm túi xách từ nguyên liệu truyền thống kết hợp chất da hiện đại” của Trần Văn Hùng đã đạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hóa lần thứ 6, năm 2020” và nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.