Thu Minh: "Xin lỗi, tôi chưa thể gọi Chi Pu là ca sĩ được"

Không chỉ là một trong những ca sĩ hàng đầu Việt Nam, Thu Minh còn được công nhận là huấn luyện viên có tâm lẫn tầm của showbiz Việt. Hai lần ngồi ghế nóng The Voice (năm 2012 và 2017), giọng ca Bay đều đưa học trò lên ngôi đầy thuyết phục. Mỗi quan điểm cô đưa ra liên quan đến khía cạnh chuyên môn đều nhận được sự ủng hộ, đồng tình.

Mới đây, Thu Minh có những chia sẻ thẳng thắn về quan điểm "ngọc - đất sét" liên quan đến việc các hot boy, hot girl đi hát. Cụ thể hơn, nữ ca sĩ còn nhận định về con đường ca hát gây nhiều tranh cãi của Chi Pu. 

- Chị khẳng định: “Muốn mài thì phải là viên ngọc mới mài được, chứ là viên đất sét có mài ngàn đời cũng không sáng nổi". Đây có phải là lời khuyên thẳng thắn dành cho Chi Pu hay không?

- Đó là phát ngôn trong lúc tôi cao hứng trong buổi khi livestream trò chuyện cùng fan, với tâm thế thoải mái và không mục đích gì. Tuy nhiên, nội dung buổi trò chuyện lại được cắt khúc từng đoạn rồi ghép lại.

Nếu có thời gian, các bạn hãy xem lại buổi livestream đó từ đầu đến cuối để thấy Chi Pu và câu nói của tôi chẳng liên quan gì đến nhau cả. Trước Chi Pu, có rất nhiều hot boy, hot girl đi hát cơ mà.

Xin hỏi ngược lại, liệu phía Chi Pu thấy những vấn đề này đã có phản hồi gì hay chưa? Nếu giữ im lặng, tôi nghĩ đó là động thái rất đáng khen, văn minh và điềm tĩnh.

- Vậy chị đã nghe bài hát mới của Chi Pu chưa và nhận xét gì về giọng hát của cô ấy?

- Thú thật, nếu nghe nhạc thì tôi không chọn hot girl để nghe. Tôi sẽ nghe dòng diva. Còn nói để dành sự quan tâm cho một vấn đề gì đang hot trên mạng, tôi sẽ để tâm đến những điều tích cực thay cho những tranh cãi không rõ đúng sai và mang tính phán xét người khác.

Tôi không có ý định nói về một trường hợp cụ thể. Đó là lý do tôi không hiểu sao câu nói đó lại khiến nhiều người dựa vào để "tấn công" Chi Pu như vậy. 

- Trong lúc xem clip, chị không chú ý vào giọng hát. Nói chị không ấn tượng về cách hát của cô ấy thì liệu có đúng?

- Đã gọi là xem clip, thì hình ảnh là thứ đập vào mắt đầu tiên. Tôi thấy đây là clip được đầu tư công phu, thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chi Pu. Nếu cho điểm trung bình cộng ở tất cả phương diện, tôi cho MV này được số điểm khá ổn so với các sản phẩm của ca sĩ trẻ hiện tại. Thậm chí cao điểm hơn tất cả MV của tôi từng làm.

Còn nếu muốn phân tích rõ ràng, chuyên sâu vào giọng hát thì tôi cũng cần phải biết cô bé này có ý định đầu tư vào giọng hát hay không? Hoặc nếu Chi Pu muốn dừng ở mức độ làm thần tượng giải trí vừa có thể hát vừa nhảy, hình tượng xinh xắn, đẹp đẽ thì cô bé này có đủ lượng fan để vỗ tay khi cô ấy đứng trên sân khấu.

- Chi Pu từng tuyên bố “từ nay hãy gọi tôi là ca sĩ”. Còn với quan điểm riêng của chị, với giọng hát này đã đủ để được gọi là ca sĩ chưa?

- Tôi là ca sĩ trưởng thành từ thập niên 1990-2000, chịu nhiều ảnh hưởng từ những tượng đài của nền âm nhạc Việt Nam, những con người giàu cảm xúc, tài năng và sự sáng tạo nên giữ vững quan điểm: “Muốn được gọi là ca sĩ thì giọng hát phải là yếu tố ưu tiên hàng đầu”.

Thẳng thắn mà nói khi xem clip Chi Pu, tôi rất thích cô gái này, đặc biệt là nụ cười sáng sân khấu. Nhưng với giọng hát này, tôi xin lỗi chưa thể gọi em là ca sĩ theo quan điểm của thế hệ tôi.

Tuy nhiên, tôi cũng mong mọi người hãy cởi mở hơn trong cách nhìn. Thời đi “nghe” ca nhạc đã qua rồi. Hiện tại, người ta đi “xem” ca nhạc. Rõ ràng ca sĩ trẻ bây giờ khi bước lên sân khấu, giọng hát của họ chưa phải là điều làm thỏa mãn khán giả.

Nhưng bù lại, họ có rất nhiều thứ khác như thần thái, trang phục, vũ đạo, vũ đoàn. Thị hiếu khán giả cũng rất đa dạng. Nếu khán giả xem thấy vui, thì đó đã là sự thành công.

Xét cho cùng nghệ thuật bao giờ cũng có hai trường phái thực lực, chính quy và giải trí nhẹ nhàng. Đừng xem thường bất cứ trường phái nào cả vì như vậy thị trường âm nhạc sẽ rất buồn tẻ.

- Thực tế, vẫn có không ít ca sĩ thuộc trường phái thực lực cảm thấy không vui, không phục thành công của các nghệ sĩ giải trí. Chị nghĩ sao về điều này?

- Mỗi trường phái đều có khán giả riêng. Có thể những ca sĩ đó không có độ hào nhoáng bên ngoài hay lượng fan cổ vũ đông đảo như các ca sĩ trẻ, nhưng tôi tin họ cũng có những người yêu mến riêng.

Những người ngày thường đã chín chắn, có sự điềm đạm nên không thể tụ tập la hét hay chiến đấu trên mạng vì thần tượng. Tuy nhiên, họ rất “mạnh” về tài lực.

- Trong buổi họp báo ra mắt sản phẩm, Chi Pu cho biết "tại Việt Nam, chỉ cần cầm mic lên thì đã được gọi là ca sĩ". Chị đồng tình hay không?

- Tôi nghĩ không nên mổ xẻ quá sâu vào điều này. Nếu khán giả đã có những phản đối mạnh mẽ như thế chứng tỏ đó là quan điểm sai. Tôi không đồng tình với câu nói này, không phải ai cầm mic lên cũng được gọi là ca sĩ.

- Tiếp tục liên quan đến phát ngôn ngọc và đất sét mới đây của chị, vậy theo chị Chi Pu thuộc dạng là “ngọc” hay “đất sét”?

- Ngọc hay kim cương cũng có nhiều nước, phụ thuộc vào chất lượng, giá trị của nó. Nói ở đây, những viên ngọc thuộc nước đẳng cấp nhất là những Thanh Lam, những Mỹ Linh, Hà Trần... Họ sở hữu giọng hát nội lực căng tràn, lộng lẫy và cảm xúc, có thể làm chủ nốt nhạc, chơi với chúng, biến hoá và sáng tạo trên từng nhịp phách.

Hoặc những Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên... cất giọng lên là những âm sắc đặc biệt thiên phú, có một không hai. Do đã mang trên mình viên kim cương đẹp nhất nên họ chẳng cần thêm phần trang trí, phụ họa.

Còn những trường hợp khác, họ cũng là kim cương đấy nhưng chưa hoàn hảo nên phải “phụ họa” để tỏa sáng. Chi Pu là trường hợp như vậy. Cô ấy là nghệ sĩ trình diễn ở mức độ thần tượng giải trí.

Nói về giọng hát, nghe qua clip thì cô gái này không hát chênh, phô, nhịp phách đúng. Tuy nhiên, phòng thu hiện nay có kỹ thuật quá tốt, nếu muốn đánh giá thì phải nghe cô ấy hát live.

- Nếu qua tay HLV Thu Minh rèn giũa, chị có thể đưa giọng hát của Chi Pu lên một tầm mới, hay nói cách khác là trở thành một viên kim cương có giá trị hơn không?

- Tôi không phải là thầy phù thủy, biến không thể thành có thể được. Tôi chỉ có thể giúp một ca sĩ từ góc độc nào đó trở nên khá hơn. Nhưng nếu Chi Pu có nền tảng trong việc cảm nhận được nhịp, phách, bắt tông không chênh phô, quãng vừa đủ để hát những ca khúc mang tính chất giải trí đơn thuần thì nếu qua rèn luyện, giọng hát cô bé này có thể sẽ khá hơn.

- Ví dụ Chi Pu ngỏ lời nhờ chị dạy thanh nhạc, chị có nhận lời?

- Tôi luôn yêu quý những nghệ sĩ trẻ có tài và có đức, biết đối nhân xử thế. Nếu họ còn biết cố gắng thì tôi không thể từ chối giúp đỡ. Tuy nhiên, từ trước đến nay tôi dạy “free” hơi nhiều mà các hot girl thì toàn mang đồ hiệu, túi xịn nên nếu có dạy, tôi sẽ lấy học phí. (cười) Học phí đó sẽ đóng góp vào quỹ từ thiện với tên gọi “Quỹ hot girl”.

- Chi Pu còn tiết lộ nói cô ấy học hát, học nhảy trong 3 năm để trở thành ca sĩ. Ba năm có đủ để một cô hot girl làm ca sĩ không thưa chị?

- Tôi nghĩ là không dễ. Ca hát là loại hình nghệ thuật cần đến khả năng thiên phú. Mỗi người khi sinh ra được trời cho một cấu tạo vòm họng, dây thanh đới, khẩu âm khác nhau.

Ví dụ như ở độ rung, chúng ta chỉ được học độ rung căn bản nhưng nếu người đó có cấu tạo cơ thể đặc biệt, họ sẽ tạo ra được độ rung đặc trưng mà không ai có thể dễ dàng bắt chước.

Một người giọng trầm không bao giờ có chuyện học hành 20 năm mà trở thành giọng cao, giọng trung luyện, cùng lắm là lên được 2, 3 nốt. Còn người giọng ca như tôi cũng không tài nào “è cổ” ra để được trầm như chị Thanh Lam.

Ngoài ra, vượt khỏi khuôn khổ giải trí thông thường, nếu muốn có sự sáng tạo trong nghề đòi hỏi nhạy cảm của người nghệ sĩ. Nói nôm na, vì sao có người chỉ là thợ vẽ còn người lại là Picaso. Do đó, không phải chuyện gì cứ đi học cũng được.

Biết hát và hát hay là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn là khán giả. Khán giả muốn gọi ai là ca sĩ thì người ấy là ca sĩ.

- Từng 2 lần ngồi ghế HLV The Voice, huấn luyện nhiều giọng ca trẻ, chị nghĩ gì khi các học trò của mình dù có năng lực như vẫn chới với trong nghề, không nổi tiếng bằng các hot girl đi hát?

- Tôi có chút trăn trở, nhưng thị trường âm nhạc là vòng xoay cũng như xu hướng thời trang vậy. Tôi vẫn nói với các học trò rằng khi khán giả chán nghe những gì quá nghiêm túc, cao siêu, nghe là phải suy nghĩ thì họ sẽ tìm đến những món ăn chơi, vui. Nhưng đến khi họ ngán những món ăn đơn giản thì lại trở về. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Tôi tin nghệ thuật có hai trường phái thì khán giả cũng vậy. Chẳng hạn các nghệ sĩ hát nhạc đỏ, họ không có những fan tuổi teen kêu la ầm trời nhưng các anh chị ấy cũng có khán giả riêng.