Khuếch trương lối sống tối giản
Nguyễn Thanh Tùng (người sáng lập group “Sống tối giản” đầu tiên ở Việt Nam hiện có tới 823.000 thành viên) chia sẻ: “Từ sau Covid-19, số lượng yêu cầu gia nhập nhóm của chúng tôi tăng đột biến, có ngày có tới hơn 15.000 đề nghị gia nhập, điều chưa từng xảy ra trước đó.
Covid-19 đã khiến người ta nhận ra nhiều điều, họ bắt đầu quan tâm đến nhu cầu thực sự của cuộc sống, những conditions de base (điều kiện cơ bản, cốt lõi) giúp chúng ta sống còn và sống ổn. Và như thế, sau khi làm phương pháp loại trừ, hóa ra, để sống tốt, thực ra tất cả chúng ta đều không cần nhiều vật chất đến thế. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc bạn tối giản hóa một căn phòng”.
Theo những thống kê trong nhóm “Sống tối giản”: Căn phòng riêng hạnh phúc của những người theo trường phái này thường chỉ cần ba đến bốn món đồ ở bên trong. Có nghĩa là, người ta có thể bỏ đi cả một núi rác bao gồm: tủ quần áo, kệ đầu giường, bàn, ghế, đồ trang trí, thảm (nhất là thảm trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như ở Việt Nam), kệ treo, tivi, và 3/4 quần áo, phụ kiện mà chúng ta đang sở hữu v.v...
Nhóm người này tôn sùng lý thuyết của “kẻ ích kỷ lãng mạn” - Frédéric Beigbeder: “Tôi chỉ thích đọc, viết và làm tình. Vì thế với tôi một căn hộ nhỏ là đủ để sống, với điều kiện nó có một giá sách, một máy vi tính và một cái giường”.
Chi Nguyễn, một trong những tác giả Việt đầu tiên ra sách về chủ nghĩa tối giản chia sẻ: “Từ việc dọn dẹp căn nhà, bạn trở nên có ý thức hơn với thói quen mua sắm của bản thân. Bạn nhận ra càng mua nhiều thứ không cần thiết thì căn nhà mình càng nhỏ lại. Nhận thức này phần nào giúp bạn chọn lọc hơn trong việc mua sắm và quản lý tài chính. Tính cá nhân của chủ nghĩa tối giản là một điều rất tuyệt vời, vì nó khuyến khích mọi người nhìn vào bên trong chính mình, vốn là một trải nghiệm hiếm có trong một thế giới ồn ào”.
Trần Lan Hương (28 tuổi, Ngân hàng SHB) cho biết: “Từ ngày tối giản lại căn nhà, tôi thấy cuộc sống đơn giản, nhẹ nhõm hẳn. Ban đầu chồng tôi cũng không ủng hộ việc “vứt đồ” nhưng giờ đã thích nghi thì tiếc lắm, vì mình đã không làm việc này sớm hơn. Như trong dịch Covid-19, thu nhập của chúng tôi đều giảm nhưng cả hai đều không sợ, tin rằng mình vẫn có thể xoay xở được. Kiểu như mình có thể sống vui vẻ trong một căn phòng gần như trống không thì mình có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh”.
Anh Nguyễn Thanh Tùng cũng cho biết: khi Covid-19 reo rắc nỗi sợ ở tất cả mọi quốc gia thì nhóm sống tối giản hầu hết vẫn có thể bình tĩnh không tham gia vào các cuộc tranh cướp cũng như tích trữ thực phẩm. “Đa số chúng tôi đều có năng lực sinh tồn cao, bởi vì cuộc sống ít tiện nghi nên cái gì cũng phải tự làm, cho nên nói thật là quẳng đâu cũng sống được. Củ khoai lang luộc, khóm rau càng cua mọc dại ở gốc cây cũng có thể xong bữa. Tôi nghĩ nếu mỗi người đều cắt giảm một nửa nhu cầu vật chất có lẽ thế giới cũng sẽ ít đi một nửa các cuộc khủng hoảng”.
Đầu tư vào các ngành nghề “thiết thực”
Năm ngoái, Trần Hoàng Nam (sinh viên khoa tâm lý học giáo dục, ĐH Berkeley, Mỹ) có dịp đi Bhutan và chứng kiến cuộc sống bình thản, an nhiên của những người dân nước này khiến anh nung nấu một ý định táo bạo.
“Đến Bhutan và nghe những câu chuyện về vị quốc vương vẫn thường xuyên ra đồng làm việc khiến tôi băn khoăn về ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Nói thật, Covid-19 là một cú tát vào tất cả chúng ta. Nó cũng khiến tôi nhận ra giá trị của lương thực, thực phẩm. Tôi vẫn nhớ khi vụ việc Goerge Floyd xảy ra, tôi nói chuyện qua mạng với giáo sư của mình, và anh ấy nói rằng: Việt Nam của “chúng mày” thực may mắn vì vẫn có thể tự chủ về lương thực. Khi đó, tôi đã quyết định chính thức bỏ học và về quê trồng lúa”.
Hai tháng trước, quyết định này của Nam bị cả nhà phản đối dữ dội. Nhưng anh vẫn quyết định về quê nội ở Cần Thơ cùng người chú thầu ruộng làm nông. Cách đây mấy ngày rộ lên thông tin cơ quan Thực thi di trú và Hải quan Mỹ thông báo học sinh, sinh viên quốc tế phải trở về nước nếu trường thực hiện chương trình học trực tuyến, Nam mới “được thông cảm” hơn một chút.
Những sinh viên lựa chọn ngược đời như Nam hiện không hiếm. Trên báo chí, mỗi ngày đều có thể thấy những ví dụ kiểu như: “bỏ công việc lương cao về quê trồng nấm”, “tiến sĩ bỏ phố lên rừng nuôi bò”, hay “CEO địa ốc khởi nghiệp rau sạch ở tuổi 40” v.v...
“Từ nhỏ, câu cửa miệng của bà nội đã in vào trí nhớ của tôi, bà hay nói: “Không có gì làm ta yên tâm hơn bằng việc có đất đai trong tay. Có đất thì không lo bị đói”. Lúc ấy nghĩ bà lạc hậu, thời nào rồi mà còn lo đói, cho đến khi tôi nghe lệnh cách ly và tất cả mọi người hoảng loạn lao ra đường thu gom thực phẩm. Nghỉ ở nhà hai tháng vì dịch bệnh, tôi đã quyết định chuyển qua đầu tư trồng rau sạch. Người ta có thể không cần địa ốc, không cần thời trang, nhà hát... nhưng rau với gạo thì ai cũng cần”, Nguyễn Huy Quang – nguyên CEO địa ốc chuyển ngành kinh doanh rau sạch chia sẻ.
Theo nhận định của Tiến sĩ kinh tế Phạm Hồng Hải, xu hướng đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi sẽ tăng lên từ giờ đến cuối năm. Đầu tư vào những lĩnh vực này khiến người ta yên tâm hơn, nhất là trong tình hình thế giới vẫn luôn “nơm nớp” với viễn cảnh Covid-19 sẽ tái bùng phát. “Cũng giống như việc có khủng hoảng thì vàng luôn tăng giá, những giá trị nền sẽ tỏ rõ thế mạnh của mình trong những hoàn cảnh có tính bất ổn cao”, ông Hải nhấn mạnh.
Việc không có sẵn thì tạo ra việc
Dù không muốn chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng, thị trường việc làm sẽ không trở lại bình thường, ít nhất là trong thời gian này. Thay vì loay hoay chen chúc trong những khe cửa hẹp, nhiều người đã tự tạo ra những công việc khá mới mẻ, thậm chí chưa từng có tiền lệ.
Nhà văn Trang Hạ cho biết, vì không có nhiều thời gian, chị phải đăng tuyển thuê một sinh viên đọc sách hộ với mức lương 5 triệu đồng một tháng. Theo đó, mỗi tuần hai buổi, “nhân viên” của chị sẽ phải báo cáo hai lần về bản đồ tư duy một cuốn sách mà chị yêu cầu và cung cấp tất cả thông tin xung quanh cuốn sách đó, thậm chí mở rộng so sánh với cũng cuốn sách cùng thể loại. Công việc gần như “hiếm có” và không dễ nhưng vẫn có nhiều ứng cử viên muốn thử sức, nhà văn bổ sung.
Hiện nay, đọc sách thuê đã trở thành một đầu việc được giao bán trên các trang việc làm, giá trung bình của một giờ đọc sách thuê là 50.000 đồng -150.000 đồng tùy mức độ và loại sách. Đối tượng khách hàng chính của dịch vụ này là những người già ốm phải nằm một chỗ.
Một việc làm cũng khá mới nhưng lại đắt khách trong thời gian gần đây là các khóa học tận dụng thực phẩm để khỏe và đẹp. Chị Nguyễn Ánh (Đà Nẵng), người khởi xướng những khóa học này cho biết: "Ban đầu tôi xuất phát từ tâm lý muốn tận dụng các loại hoa quả thừa, hoặc “khó ăn”, cho tất cả vào máy sinh tố xay lên, thêm chút đường hoặc sữa thế là đều dễ uống hết. Sau, tôi thấy lạm dụng đường sữa không tốt, mới mày mò thay bằng các loại quả ngọt khác, rồi lại thêm rau, thêm các loại hạt. Giờ các công thức đồ uống này hoàn toàn có thể thay thế một bữa ăn, có tác dụng rất tốt trong giảm cân, làm đẹp da”.
Chị Ánh cũng chia sẻ, những khóa học (chỉ trong 1 ngày, dạy cách làm sinh tố tận dụng và cách kết hợp thực phẩm để ăn ít mà vẫn đảm bảo sức khỏe) của chị khá đông khách, thậm chí học viên ở tỉnh khác cũng yêu cầu chị đến dạy học. Theo như phương pháp của chị Ánh, người ta có thể sống khỏe trong nhiều ngày chỉ với một cái máy sinh tố và tất cả “những gì còn lại trong tủ lạnh”.
Chị Trịnh Vân (38 tuổi, Hà Nội) sở hữu một giọng nói rất ấm và tình cảm. Những clip chị quay vui trên facebook được bạn bè ủng hộ và share nhiệt tình. Trong dịp nghỉ ở nhà vì Covid-19, chị đều đặn đưa lên trang cá nhân những clip đọc truyện đêm khuya cho các con. Nhiều gia đình chờ đến 9h tối để con “nghe ké” chuyện của chị Vân. Sau đó có người đề nghị góp quỹ ủng hộ để chị “đọc truyện theo yêu cầu”. Sau ba tháng, hiện chị Vân đã có một thu nhập “tàm tạm” nhờ công việc mới mẻ này.
Hình ảnh quốc vương Bhutan thường xuyên dạy con trai xuống đồng làm việc đã tạo cảm hứng làm ruộng cho nhiều người trẻ
Chi Nguyễn góp phần lan tỏa trào lưu sống tối giản
"Tại Hà Nội, có gần 80% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, khoảng 20% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. 6 tháng đầu năm cả nước có gần 8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc. Theo Bộ LĐ- TB&XH, kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm rất thấp (ước tính giải quyết việc làm cho 540 nghìn lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra", ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.