Tìm thấy người nhà 24 năm lưu lạc ở khu cách ly

Cuộc đời khổ ải

Một phụ nữ lưu lạc 24 năm được ngành chức năng Trung Quốc trao trả đã tỉnh cơn trầm cảm khi nhận được sự chăm sóc, gần gũi của y bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn trong khu cách ly và điều kỳ diệu đã đến là được đoàn tụ với gia đình và người mẹ già 97 tuổi sau 1/4 thế kỷ.


Bà Huệ (thứ 2 từ trái sang) vui mừng đoàn tụ với gia đình.

Ngày 3/7, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, bà Trần Thị Huệ (SN 1962), trú tại tổ 29, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là một trong số người do cơ quan công an Quảng Tây, Trung Quốc trao trả do cư trú bất hợp pháp trong chiến dịch kiểm soát, phòng chống COVID-19 ở nước bạn. Bà Huệ được cách ly theo dõi 14 ngày tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Điều dưỡng Lưu Hải Châu, Trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, phụ trách khu cách ly cho biết, lúc vào viện, bà Huệ có dấu hiệu rối loạn tâm thần, thường xuyên kích động, đập phá. Bản thân không ý thức được mình, không nhớ tên tuổi, địa chỉ.

Trong gần một tuần đầu, bà Huệ co mình vào góc giường, thẫn thờ nhìn trần nhà. Khi người lạ đến thì hét toáng lên, bỏ chạy. “Bà Huệ được nhân viên y tế đưa cơm đến tận giường, bón cho ăn. Nhưng bà cầm lấy khẩu phần ăn rồi mang vứt vào sọt rác. Tương tự, tất cả xà phòng, khăn mặt, bàn chải đánh răng đều bị bà cho vào cầu tiêu, sọt rác”, điều dưỡng Châu kể lại.

Theo điều dưỡng Châu, đôi khi bà Huệ lại tỏ ra nhút nhát, e dè. Chính vì vậy, nhiều hôm Châu dành thời gian đến gần tỉ tê hỏi chuyện. Từ những gợi mở, dần dà, bà Huệ nhớ được tên phố nhà mình. Ngay lập tức điều dưỡng Châu tìm kiếm thông tin trên Internet. May mắn, có số điện thoại của một cán bộ phường Thanh Lương và sự kết nối mang đến hiệu quả bất ngờ.

Nửa ngày sau, ông Trần Thế Nguyên (anh trai bà Huệ) điện lên xác nhận, có em gái đã mất tích cách đây 24 năm, chưa tìm ra manh mối. Thông qua những hình ảnh trao đổi, ông Nguyên cho biết, đó chính là người thân của họ.

Theo trí nhớ của bà Huệ và xác nhận của gia đình, bà Trần Thị Huệ là con gái thứ ba trong 5 người con của bà Trần Thị Miên (năm nay 97 tuổi), đang sinh sống tại tổ 29, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bà Huệ vốn chậm chạp từng là công nhân nhà máy dệt 8/3. Thời gian này, do mai mối nên bà nên duyên với một người đàn ông cũng có hoàn cảnh tương tự. Hai người sinh được một người con trai bụ bẫm, khỏe mạnh, tuy nhiên, khi được 3 tuổi thì đột ngột qua đời.

Vì cú sốc này, bệnh tình bà Huệ trở nên trầm trọng. Bà nghỉ việc ở nhà máy dệt, ngày đêm cắp rổ bánh mì, bánh rán bán dạo khắp bến xe, phố phường Hà Nội.

Điều dưỡng Lưu Hải Châu cho biết, càng gần gũi, động viên khéo léo thì bà Huệ lại minh mẫn hơn và kể lại quãng đời với nhiều thông tin rõ nét. Sau khi mất đứa con, vợ chồng bà cũng tan vỡ. Bà lang thang đây đó và lại “cặp” với một gã “tứ chiếng giang hồ” với bao trận đòn của gã chồng hờ làm sức khỏe và tâm thần bà nặng hơn.

Lúc này, có kẻ xấu đã lợi dụng, lừa bà Huệ lên khu vực biên giới và bán sang Trung Quốc. “Theo như bà Huệ nói, bà lưu lạc nhiều nơi ở Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây. Trong quãng đời 24 năm nơi đất khách, phần nhiều bà Huệ sống trong cảnh nghèo khó, bức bách bởi những người đàn ông sống ở vùng núi đá, hẻo lánh được coi làm chồng nhưng rất vũ phu.

Bà bảo, đã có hai con đang ở Trung Quốc. Có thể, do thần kinh vốn không ổn định, cuộc sống khổ ải lại do phía bên kia cho uống thuốc quên đường về nên gần như bà Huệ không biết rõ mình là ai, quốc tịch gì. Chỉ đến khi dịch COVID-19 hoành hành, các cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm tra gắt gao, bà Huệ bị bắt giữ và đẩy về Việt Nam”, điều dưỡng Châu kể lại.


(Ảnh minh họa: Nguoiduatin.vn)

Ðoàn tụ

Càng gần thời điểm kết thúc đợt cách ly, sức khỏe, tâm lý của bà Huệ càng ổn định hơn. Khi biết người thân đã nhận ra, bà Huệ vui mừng khôn xiết.
Sáng 17/7, ông Trần Thế Nguyên cùng 2 người thân trong gia đình bắt ô tô lên Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn.

Cảm xúc vỡ òa khi người anh trai của bà Huệ gặp lại em gái mình sau 24 năm xa cách. Tấm ảnh kỷ niệm cả gia đình mà ông mang theo giúp bà Huệ nhận ra người thân của mình. Người mẹ già 97 tuổi cũng chờ giây phút được gặp lại con gái.

Ông Nguyên, anh trai bà Huệ cho biết, từ năm 1996, bà Huệ đã bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đưa đi khỏi nhà. Khi đó, gia đình đã thông báo với chính quyền địa phương về sự việc và nỗ lực tìm kiếm bà Huệ nhiều năm liền nhưng không có kết quả. Ngày 18/7, trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Trần Thế Nguyên cho biết, bà Trần Thị Miên năm nay 97 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Khi được ôm đứa con lưu lạc hàng chục năm trời, hai mẹ con không nói lên lời, không muốn rời nhau.

“Tuy sức khỏe của Huệ còn yếu song tinh thần ổn định. Em tôi chỉ ăn được quả chuối, bánh mì, ít ăn cơm. Có thể ký ức xưa vẫn còn hằn sâu và cuộc sống khốn khó ở bên kia biên giới đã tạo thói quen như vậy. Được trở về nhà, với sự chăm sóc thương yêu của gia đình cũng như kế hoạch chữa bệnh cho em, hy vọng em tôi sẽ sớm bình phục và ổn định cuộc sống sau này”, ông Nguyên nói.

“Thời gian qua, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Lạng Sơn đã tham gia cách ly được gần 500 lượt người, chủ yếu là những người đến từ các vùng có dịch ở Trung Quốc, ca bệnh có triệu chứng nghi ngờ, bệnh lý mãn cấp tính phải điều trị. Trong đó, đã đỡ đẻ thành công 2 trường hợp và nhiều trường hợp phẫu thuật thông thường”. (trích Báo cáo của Bệnh viện Ða khoa Lạng Sơn)

NGUYỄN DUY CHIẾN (Nguồn: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tim-thay-nguoi-nha-24-nam-luu-lac-o-khu-cach-ly-1690682.tpo)