Ứng dụng mạng xã hội được coi là hiện tượng toàn cầu của Trung Quốc với gần 2 tỷ lượt tải xuống đang chịu những đòn giáng nặng nề từ chính phủ Mỹ.
Đầu tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc cấm một số các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc bao gồm TikTok. Ông Pompeo gọi ứng dụng này là một mối đe dọa an ninh và cáo buộc TikTok đã chia sẻ dữ liệu của người dùng với chính phủ Trung Quốc.
Trước đó, Ấn Độ đã cấm ứng dụng này trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề biên giới. Australia cho biết cũng đang cân nhắc cấm TikTok ở nước này.
Chiều hôm 31/7, Tổng thống Mỹ đã đưa ra tuyên bố trên khi trả lời phóng viên báo chí trên chuyến bay cùng ông. Ông Trump cũng cho biết, ông có thể sử dụng các quyền lực kinh tế khẩn cấp hoặc một sắc lệnh hành pháp để chính thức cấm công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ. Ngoài ra, ông cũng cảnh báo không ủng hộ việc cho phép một công ty Mỹ mua lại TikTok.
Sau đó, đài CBS đã ghi nhận một số người dùng phản ứng mạnh với tuyên bố của tổng thống Mỹ. Theo CBS, một người dùng đã la lớn "Ông không thể cấm TikTok!" trước cổng tòa Trump Tower ở New York và chia sẻ clip này lên mạng. Một người tên Alyssa Cornetta đến từ New Jersey cũng tuyên bố thẳng thừng: "Không bất cứ thứ gì giống TikTok!".
Hôm 1/8, đại diện TikTok tuyên bố hiện "không có kế hoạch rời khỏi Mỹ” sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo cấm ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ. Trong một tuyên bố đưa ra trên nền tảng TikTok, Giám đốc TikTok tại Mỹ, bà Vanessa Pappas, khẳng định: “Chúng tôi không có kế hoạch đi đâu hết". Bà đồng thời lưu ý công ty dự kiến tạo thêm 10.000 việc làm tại Mỹ trong 3 năm tới.
Tới hôm 2/8, chưa đầy 24h sau tuyên bố của bà Pappas, ít nhất 2 nguồn thạo tin của Reuters cho biết, ByteDance đã chấp nhận bán toàn bộ cổ phần tại TikTok cho Microsoft, đồng nghĩa TikTok sẽ trở thành một công ty Mỹ 100%.
Ông Satya Nadella - CEO của Microsoft sẽ có những chiến lược nào cho Tiktok tại Mỹ?
Sau Huawei, TikTok trở thành mục tiêu mới nhất lọt vào tầm ngắm của Mỹ. Các quan chức ở Washington cảnh báo những dữ liệu thu được từ TikTok sẽ lọt vào tay chính quyền Bắc Kinh bởi TikTok là công ty con của một công ty Trung Quốc. Theo kế hoạch mới, dữ liệu của các TikToker Mỹ sẽ được lưu trữ trong các trung tâm dữ liệu của Microsoft.
Cũng theo ngoại trưởng Pompeo, Tổng thống Trump đánh giá các phầm mềm có liên quan đến Bắc Kinh gây ra hàng loạt rủi ro an ninh quốc gia của Mỹ. Do đó, ông chủ Nhà Trắng sẽ sớm triển khai hành động trong những ngày tới.
Nếu thương vụ giữa Microsoft và ByteDance thành công, hoạt động kinh doanh của TikTok nhiều khả năng sẽ phải phân chia thành nhiều bộ phận riêng biệt gồm một bộ phận kinh doanh dành riêng cho thị trường Mỹ mà có thể là cả Bắc Mỹ, Úc hay New Zealand và bộ phận kinh doanh dành cho phần còn lại của thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, Mỹ không phải thị trường đông người dùng nhất trên thế giới của TikTok với hơn 80 triệu người dùng. Dù vậy, để những dữ liệu của chừng ấy người dùng nằm ngoài nước Mỹ là điều không thể chấp nhận được với chính quyền nước này.
(Tổng hợp)