Số liệu “Thống kê dân chính quý 2 năm 2024” do Bộ Dân chính Trung Quốc mới công bố cho thấy, trong nửa đầu năm nay, cả nước có 3,43 triệu cặp kết hôn và 1,274 triệu vụ ly hôn được đăng ký. Trong số đó, số cặp đăng ký kết hôn không bằng một nửa so với 6,94 triệu cặp cùng kỳ năm 2014, lập mức thấp kỉ lục mới trong 10 năm qua.
Một nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do số người trong độ tuổi kết hôn ngày càng giảm. Từ năm 2014 đến năm 2022, dân số Trung Quốc trong độ tuổi 20-40 đã giảm 55,099 triệu người. Trong số những người trong độ tuổi kết hôn hiện nay, tình trạng mất cân đối giới tính rất nghiêm trọng: năm 2021, trong độ tuổi kết hôn 20-40, nam nhiều hơn nữ 17,52 triệu người và tỷ lệ giới tính nam/nữ là 108,9/100.
Bất chấp ảnh hưởng của nhân tố khách quan này, quan niệm về hôn nhân của giới trẻ cũng đang dần thay đổi. Một số bạn trẻ chọn tổ chức đám cưới với đối tượng ảo, hoặc tổ chức đám cưới cho mình và những người mình thích trên mạng…
Xét từ tỷ lệ những người không kết hôn không sinh con suốt đời, số người Trung Quốc không lập gia đình vẫn chỉ là thiểu số. Khi tính tổng tỷ suất sinh theo nhân khẩu học, giới hạn độ tuổi tối đa để phụ nữ sinh con là 49. Vì vậy, một số nhà nghiên cứu định nghĩa nhóm dân số từ 50 tuổi trở lên chưa kết hôn là nhóm cả đời không lập gia đình. Từ năm 1990 đến năm 2020, tỷ lệ người dân Trung Quốc cả đời không lập gia đình luôn ở mức dưới 2%.
So với Nhật Bản, đặc điểm của hôn nhân phổ thông ở Trung Quốc rõ ràng hơn. Năm 2020, tỷ lệ không kết hôn suốt đời của đàn ông Trung Quốc là 3,25% và của phụ nữ là 0,24%. Nhật Bản năm 2020, tỷ lệ nam giới không kết hôn suốt đời lên tới 14,1%, của phụ nữ cũng là 7,71%. Tỷ lệ không kết hôn suốt đời ở các quốc gia như Mỹ cũng cao hơn nhiều so với Trung Quốc. Tỷ lệ không kết hôn suốt đời của người Mỹ năm 2020 là 8,92%.
Trong 20 năm qua, tỷ lệ đàn ông Trung Quốc suốt đời không kết hôn luôn cao hơn nhiều so với phụ nữ. Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số lần thứ 7, nam giới có trình độ học vấn thấp có nhiều khả năng không kết hôn suốt đời. Phụ nữ thì ngược lại. Phụ nữ càng có học vấn cao thì khả năng sống độc thân suốt đời càng nhiều.
Trong quần thể người cao tuổi không bao giờ kết hôn trong tương lai, tỷ lệ phụ nữ thành thị có xu hướng tăng lên. Vương Lũy, nhà nghiên cứu tại Viện Dân số và Kinh tế Lao động thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng điều này là do quy mô số phụ nữ có trình độ học vấn cao, thu nhập cao và vị trí cao ở khu vực thành thị phía Hoa Đông sẽ tiếp tục tăng lên, trong khi phụ nữ lớn tuổi chưa kết hôn ở các thành phố sẽ tiếp tục tăng, dẫn đến tỷ lệ phụ nữ trọn đời không kết hôn ngày càng tăng.
Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho thấy, mặc dù tỷ lệ người chưa kết hôn trong độ tuổi 20-29 ở Trung Quốc đang tăng lên hàng năm, nhưng tỷ lệ người chưa kết hôn sau 35 tuổi vẫn ở mức thấp. Điều này có nghĩa là mặc dù ngày càng nhiều người không kết hôn ở độ tuổi từ 20 đến 29 nhưng nhìn chung họ chọn kết hôn trước 35 tuổi.
Số lượng cặp đăng ký kết hôn giảm cũng đồng nghĩa với tỷ lệ kết hôn giảm. Từ năm 2013 đến năm 2022, tỷ lệ kết hôn ở nhiều nơi trên cả nước đã giảm mạnh. An Huy là tỉnh có tỷ lệ kết hôn giảm mạnh nhất trong thập kỷ qua, chỉ có Tây Tạng là có tỷ lệ gia tăng.
Nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ kết hôn ở các nơi năm 2022, Hà Nam, Quý Châu, Tây Tạng là những nơi có tỷ lệ kết hôn cao nhất, trong khi Thượng Hải, Phúc Kiến có tỷ lệ kết hôn thấp nhất.
Nhà nhân khẩu học Hà Á Phúc cho rằng, kinh tế càng phát triển thì tỷ lệ kết hôn càng thấp. Tỷ lệ kết hôn thấp hơn ở một số đô thị hạng nhất là do các yếu tố như dân số di cư lớn và giá nhà đất cao. Tuy nhiên, các khu vực như Tây Tạng vẫn giữ được văn hóa truyền thống về hôn nhân và sinh con, đồng thời chi phí hôn nhân ở địa phương thấp, tiền thách cưới và giá nhà ở cũng thấp.
Tỷ lệ kết hôn giảm không chỉ liên quan đến các yếu tố như độ tuổi kết hôn giảm mà còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như sự thay đổi trong quan niệm kết hôn và việc lùi tuổi kết hôn lần đầu.
Năm 2020, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình ở Trung Quốc là 28,67, muộn hơn gần 4 năm so với độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu năm 2010 (24,89 tuổi).
Việc kéo dài số năm đi học cho thanh niên chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thời điểm họ bước vào hôn nhân, và ở một mức độ nào đó sẽ đẩy tuổi kết hôn trung bình lần đầu muộn hơn. Với việc mở rộng tuyển sinh đại học, số người có bằng cử nhân trở lên hàng năm ngày càng tăng. Theo số liệu của Bộ Giáo dục, năm 2023, tổng tỷ lệ nhập học giáo dục đại học là 60,2%, tăng 25,7 điểm phần trăm so với mức 34,5% 10 năm trước.