Chiến thuật du học
Đoàn Thị Hải Dương (sinh năm 1993) từng theo học một trường cấp 3 dân lập ở Hải Phòng. Sớm có ước mơ đi du học y khoa ở nước ngoài nên ngay từ khi bước chân vào trường, Dương chú trọng vào môn Sinh học và tiếng Anh.
Hoàn cảnh gia đình không khá giả nên việc học ngoại ngữ của Dương bị hạn chế và hẹp cơ hội hơn so với các bạn khác. Cô bạn đã tìm mua sách ở hiệu sách cũ và mua băng đĩa về tự học. Ngày ấy, Dương hay đứng ở ban công trường nhìn sang trung tâm ngoại ngữ bằng ánh mắt "thèm thuồng" khi thấy các bạn được học với giáo viên bản xứ. Lên lớp 11, nữ sinh gom hết tiền mừng tuổi và tiền tiết kiệm để đi học tiếng Anh ở một trung tâm khác gần trường với học phí rẻ hơn.
Học hết cấp 3, Dương đăng ký thi vào ĐH Y Dược Hải Phòng và ấp ủ dự định du học thạc sĩ về Y khoa. Nhưng ước mơ của cô bạn lại bị "xé ngang" bởi cú sốc đầu đời: 2 lần thi đại học đều trượt nguyện vọng 1.
Lấy lại tinh thần, Hải Dương quyết định đi đường vòng, nộp hồ sơ vào ngành Công nghệ Sinh học của Đại học Hải Phòng để tìm kiếm cơ hội đi du học. Vừa duy trì lịch học chính khóa trên lớp, Dương vừa xin đi làm trợ giảng ở các trung tâm ngoại ngữ để có thêm thu nhập, nâng cao trình độ.
Sau khi tốt nghiệp ĐH, cô bạn tự nhận thấy hồ sơ của mình chưa đủ ấn tượng để xin học bổng Thạc sĩ và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học còn ít. Vì thế, Dương xin lên Viện Di truyền Nông nghiệp để làm nghiên cứu viên 1 năm (môn Sinh học phân tử). Dưới sự dẫn dắt của PGS.TS. Lê Hùng Lĩnh và TS. Chu Đức Hà, cô gái từng trượt đại học ngày nào đã trở thành tác giả, thành viên nghiên cứu trong nhiều đề tài khoa học có tính thực tiễn cao.
Thấy được tinh thần ham học hỏi và khát vọng chinh phục trong cô gái trẻ, tháng 6/2017, GS.Kim Jae Yean (Hàn Quốc) đã gửi lời mời phỏng vấn và chính thức nhận Dương vào học Thạc sĩ tại khoa Khoa học ứng dụng, trường ĐH Quốc gia Gyeongsang, Jinju, Hàn Quốc.
Tuy ước muốn ban đầu của Dương là đi du học tại Mỹ hoặc Châu Âu nhưng vì hồ sơ mỏng nên nữ sinh đã chọn Hàn Quốc làm bước đệm đầu tiên để tích lũy thành tựu nghiên cứu.
Đến Viện nghiên cứu hàng đầu thế giới
Sau hơn 2 năm học tập, nghiên cứu ở Hàn Quốc, Hải Dương bảo vệ khóa luận đúng hạn và nhận thông báo tốt nghiệp thạc sĩ vào tháng 8/2020. Trùng thời điểm đó, cô suy sụp hoàn toàn khi nhận tin dữ: bố mất do bệnh ung thư gan.
"Bố đã không kịp nhìn thấy tấm bằng thạc sĩ của mình, chưa kịp nhìn thấy thành quả nỗ lực của mình sau một thời gian dài. Không về được để ôm bố lần cuối, mình đã thực sự suy sụp và bị trầm cảm, mất ngủ, chán ăn kéo dài... khi mất đi nguồn động lực lớn nhất trong cuộc đời", cô bạn nhớ lại.
Nhiều ngày sau, Dương vực dậy bản thân bằng cách chấp nhận sự thật, cố gắng ăn uống đầy đủ, ngủ nghỉ đúng giờ, đọc sách về tâm lý học, tập thể dục thể thao, và đi chùa mỗi cuối tuần. Đầu năm 2021, nữ sinh bắt đầu tìm hiểu và chuẩn bị hồ sơ phỏng vấn, xin học bổng tiến sĩ.
Cô bạn kiên trì gửi hồ sơ tới 10 trường nhưng chỉ có 3 trường gọi phỏng vấn (VIB (Bỉ); University of Jena (Đức) và Viện nghiên cứu Max Planck for Plant Breeding (Đức)). Dương tận dụng mọi cơ hội, lần lượt đi phỏng vấn theo lịch của 3 trường đã xác nhận nhưng đều... trượt.
Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn ngoại lệ của giáo sư Viện nghiên cứu Max Planck for Plant Breeding (Đức) đã được diễn ra để trao cơ hội cho cô gái trẻ nếu vượt qua câu hỏi cuối cùng: "Em có đủ vững tinh thần để học tiến sĩ không?".
Dương trả lời: "Em đã học được cách tin tưởng vào bản thân, biết được giá trị của mình ở đâu, hiểu ưu điểm và nhược điểm của mình là gì nên khi nhận được bất cứ lời khen ngợi hay chê bai nào, em cũng không bị lung lay.
Em tin rằng, em có đủ nghị lực và quyết tâm để theo đuổi con đường này. Ngoài nắm vững kiến thức chuyên môn, em cho rằng, bản thân sẽ không bao giờ nhụt chí kể cả khi bị người khác cố vùi dập mình, hay không cao ngạo khi có người khen ngợi, biết động viên khích lệ những người xung quanh là một trong những yếu tốt cốt lõi tạo nên một nhà khoa học thành công”.
Quả thật, câu trả lời ấn tượng với giọng nói đầy quyết tâm của Dương đã đưa cô đến với Viện nghiên cứu Max Planck for Plant Breeding, chinh phục thành công học bổng tiến sĩ trị giá trên 4 tỉ đồng của Đức. (Hiệp hội Max Planck được đánh giá là một trong những hiệp hội hàng đầu thế giới và châu Âu về tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ, với 33 nhà khoa học nghiên cứu ở hội đã được trao giải Nobel - PV).
Hiện tại, hướng nghiên cứu chính của cô là chỉnh sửa hệ gene thực vật và công nghệ nhân giống cây trồng mới để tạo ra các giống cây ưu việt ứng phó với biến đổi khí hậu.
"Khi lựa chọn con đường này, mình đã biết mình được gì và mất gì. Đặc biệt là phụ nữ, mình lại mất nhiều thời gian hơn các bạn cùng trang lứa nên cũng có cân nhắc đến những vấn đề cá nhân khác như xây dựng gia đình, định kiến phụ nữ học cao quá sẽ không tốt, không ai dám làm quen, tiếp tục xa gia đình và bạn bè...
Nhưng mình chấp nhận những điều đó để tiếp tục con đường mình đam mê. Bởi lẽ, chúng ta không thể thay đổi định kiến, thay đổi suy nghĩ của người khác, miễn sao bản thân hạnh phúc với con đường mình đang đi và chấp nhận những gì phải mất khi lựa chọn con đường đó" - Dương bày tỏ.