Vì sao show truyền hình thực tế về việc làm gây "sốt" cộng đồng mạng?

Cùng điểm lại những màn trình diễn tài năng của ứng viên qua phần trả lời chất vấn đầy cam go và thương lượng lương kịch tính đến phút chót sau 16 tập phát sóng.

Chương trình truyền hình thực tế về việc làm “Cơ Hội Cho Ai - Whose Chance” vừa chính thức kết thúc mùa 1 vào cuối tháng 12/2019. Khi nghe thông tin từ BTC về tập 16 là tập cuối cùng phát sóng, đã có rất nhiều khán giả để lại bình luận trên page của chương trình để bày tỏ sự tiếc nuối. Đồng thời, BTC đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi vì đã tạo ra sân chơi bổ ích và nhiều cảm xúc cho khán giả xem Đài và kênh Youtube ở mỗi tập phát sóng.

Khán giả Trần Chị Ngọc Hoa chia sẻ: “Ít khi xem chương trình nào mà tiếc khi hết mùa như chương trình này, hy vọng chương trình sẽ trở lại với nhiều sếp mặn hơn”. Nhận xét về format chương trình, bạn Mạc Kì Lam đánh giá “Format chương trìnhh hay, sáng tạo và rất thực tế, ủng hộ nhiều mùa sau nữa”. Gửi ý kiến về các Sếp và MC “Hội tụ toàn ông lớn trong ngành, chương trình rất hay, hy vọng mùa sau sẽ có nhiều điểm bứt phá và sáng tạo hơn” (Giang Thanh), ”Mỗi sếp là một cá tính, mỗi tập là mỗi bài học hay mà mình nhận được trong suốt mùa 1. Kết nhất vẫn là bác Sâm" (Tài Bùm).

Giải mã về những yếu tố độc lạ giúp chương trình hấp dẫn như nhiều khán giả đã nhận xét, hãy cùng tổng kết lại mùa 1 với nhiều ẩn số thú vị.

19 việc làm với đa dạng ngành nghề

Sau 16 tập lên sóng, “Cơ Hội Cho Ai– Whose Chance?” đã mở ra cánh cửa cho doanh nghiệp và nhân sự đến gần với nhau hơn, tạo ra cơ hội việc làm thực sự cho tất cả mọi người. Có 19 ứng viên đã chốt được thương lượng thành công với các Sếp với mức lương bằng hoặc cao hơn mức lương kỳ vọng. Mức lương cho deal cao nhất là 45,678,900 đồng.

Các ứng viên đã tìm được cơ hội việc làm trong các lĩnh vực như: Kinh doanh, Marketing, Quản lý Mua hàng, Kế toán, Tài chính, Nhân sự, Kĩ sư môi trường, quản lý chất lượng, truyền thông nội bộ, quản lý dự án. Các Sếp cũng đã tìm được cho mình những nhân viên nhiệt huyết ở các cấp từ nhân viên đến cấp giám đốc bộ phận, đánh dấu một hành trình mới cho cả ứng viên và doanh nghiệp, hứa hẹn sự hợp tác đôi bên cùng phát triển.

Vì sao show truyền hình thực tế về việc làm gây "sốt" cộng đồng mạng? - 1

Vì sao show truyền hình thực tế về việc làm gây "sốt" cộng đồng mạng? - 2

19 ứng viên đã chốt được thương lượng thành công với các Sếp với mức lương bằng hoặc cao hơn mức lương kỳ vọng.

Từ chối lương cao gấp đôi

Không phải cứ lương cao là chiêu mộ được nhân tài! Những tưởng giữa các yếu tố thương lượng công khai này, thu nhập sẽ là yếu tố tiên quyết khiến các ứng viên cân nhắc lựa chọn. Tuy nhiên, thực tế diễn ra sau mùa 1 không khỏi khiến người xem đầu tiên là ngạc nhiên, sau đó là thích thú, hào hứng với chương trình.

Nhiều ứng viên lựa chọn về với Sếp đưa ra mức lương thấp hơn. Ở tập 1, ứng viên Tiến Quyết từ chối sếp Lưu Nga - Nhà sáng lập, TGĐ thương hiệu Thời trang đề xuất lương 25 triệu, quyết định đầu quân cho sếp Ngô Hoàng Gia Khánh (PCT Đầu Tư và Phát Triển Doanh Nghiệp Tập Đoàn Tìm Kiếm & Tiết Kiệm với trang thương mại điện tử lớn nhất ở Việt Nam) với lương chỉ 20 triệu.

Tương tự, ứng viên Trần Quốc Tuấn ở tập 3 cũng bỏ qua cơ hội “về đội” sếp Khánh với mức lương 45 triệu cho vị trí quản lý ngành hàng, để về với sếp Nga cùng mức “chốt deal” 40 triệu cho vị trí quản lý khu vực.

Vì sao show truyền hình thực tế về việc làm gây "sốt" cộng đồng mạng? - 3

Hoàng Thị Huyên và Sếp Thanh Hưng.

Đường đua cạnh tranh ứng viên của các Sếp trở nên gay cấn hơn khi ở tập 14, ứng viên Hoàng Thị Huyên từ chối mức lương 32 triệu đồng của Sếp Trần Tuấn Anh – Giám đốc Điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử, đầu quân cho công ty của Sếp Phạm Thanh Hưng- Phó Chủ tịch Tập đoàn bất động sản với mức lương chỉ bằng một nửa 15,5 triệu đồng. Lý giải về sự lựa chọn của mình, Hoàng Thị Huyên cho biết lương luôn là điều quan trọng với các ứng viên khi quyết định làm việc cho một đơn vị nào đó và cô cũng vậy.

Ban đầu, Huyên nghiêng về một Sếp khác nhưng trước sự mời chào quá hấp dẫn của Sếp Thanh Hưng và nhận thấy đây là vị Sếp có nhiều điều để cô học hỏi. Ngoài ra quyền lợi và môi trường mà Sếp Thanh Hưng đưa ra thực sự phù hợp với và thu hút cô muốn vào làm việc.

Đếm bước chân đoán mức lương

Nhờ “nghe nhạc hiệu để đoán chương trình", quan sát vẻ mặt và bước chân của MC Sâm, Sếp Phùng Tuấn Hà đã chiêu mộ chàng trai trẻ Mai Lý về đầu quân cho Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí khi bất ngờ nâng mức lương đề xuất từ 16 lên 25 triệu.

Vì sao show truyền hình thực tế về việc làm gây "sốt" cộng đồng mạng? - 4

Mai Lý - MC Lại Văn Sâm và Sếp Tuấn Hà ôm nhau trong niềm vui.

“Tôi rất quý anh Sâm vì anh ra sức bảo vệ người lao động. Tôi sẽ điều chỉnh chế độ khác để tập trung vào lương", Sếp Hà chia sẻ và hài hước bầu chọn MC Lại Văn Sâm làm Chủ tịch Công Đoàn vì luôn bảo vệ quyền lợi của ứng viên.

Trong khi đó, ‘Sếp’ Hưng phát hiện MC Lại Văn Sâm bước đi 24 bước khi nói về lương. Kết quả, mức lương kỳ vọng của Mai Lý là 20 triệu đồng, đồng nghĩa với việc anh sẽ đầu quân về công ty của ‘Sếp’ Hà.

Sự tinh ý của các Sếp khi quan sát MC Lại Văn Sâm cũng là một trong những cơ sở để các Sếp đoán mức lương kỳ vọng của ứng viên và tung “chiêu” thu hút được ứng viên phù hợp với doanh nghiệp mình.

Từ chối mức lương “khủng”, ra về “tay trắng”

Trường hợp hi hữu xảy ra trong chương trình “Cơ Hội Cho Ai- Whose Chance?” tập 8 gọi tên chàng sinh viên của Đại học Ngoại thương, Hoàng Lê Trung Kiên. Mặc dù mức lương kỳ vọng của nam ứng viên là 9 triệu, nhưng đứng trước hai cơ hội lớn từ sếp Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm– lương 30 triệu cho vị trí chuyên gia phân tích dữ liệu, và sếp Tuấn Hà – 15 triệu cho vị trí thủ kho, Trung Kiên bất ngờ từ chối, chấp nhận ra về “tay trắng” vì cảm thấy bản thân chưa xứng đáng.

“Em cảm ơn hai anh. Sau chương trình, em rất mong giữ được liên hệ của anh. Khi em đạt đến kỳ vọng như anh mong muốn, em sẽ gặp lại anh để ứng tuyển” – nam ứng viên chia sẻ.

Quý trọng đức tính chân thành của Trung Kiên, MC Lại Văn cho biết: “Không phải ai cũng làm được, đó là một quyết định khó khăn... Chú ủng hộ quyết định của cháu”.

Vì sao show truyền hình thực tế về việc làm gây "sốt" cộng đồng mạng? - 6

TRung Kiên và MC Lại Văn Sâm.

Những bài học giá trị cho người lao động

Với sự sâu sắc, trải nghiệm của những doanh nhân thành đạt, luôn quan tâm đến các ứng viên, mong muốn chia sẻ những định hướng để các bạn có thể phát triển nghề nghiệp tốt hơn trong tương lai, do đó những chia sẻ, hướng dẫn từ các Sếp với ứng viên đã trở thành những bài học vô cùng giá trị cho người lao động tham gia chương trình và khán giả.

Ở tập 4, khán giả có dịp chứng kiến sự phản ứng thẳng thắn của sếp Hà khi bấm ngay đèn đỏ để “cảnh tỉnh” ứng viên trẻ Hồng Ngọc tốt nghiệp đại học ngành Luật nhưng muốn làm lễ tân: “Bố mẹ đã mất rất nhiều tiền nong và tạo mọi điều kiện nhưng ra trường bạn không theo nghề, lại xin đi làm lễ tân. Tôi không đánh giá thấp nghề này, nhưng 4 năm tiền bạc, thời gian, đã được trang bị những kiến thức thì bạn nên nỗ lực. Vì bạn bỏ cuộc nên tôi bấm đèn đỏ ngay, tôi phê bình để cảnh tỉnh các bạn chứ không phải ác ý hay không thiện cảm gì cả”.

Quyết định bấm đèn xanh để dạy dỗ ứng viên Trần Thị Phương Thảo ở tập cuối của chương trình, sếp Hưng thẳng thắn đưa ra quan điểm “Khi bạn đi làm đừng đến nói với các Sếp rằng em muốn đến đây để được học hỏi, được thăng tiến, được cái này cái kia. Thế chúng tôi được cái gì?Em mang đến cho Sếp cái gì? Ít nhất cái mà bạn luôn cần có là thời gian, tuổi trẻ và sự nhiệt huyết”.

Trước lựa chọn của ứng viên Tiến Quyết ở tập 1, 'Sếp' Gia Khánh nhẹ nhàng hướng dẫn: “Cơ hội của bạn rất nhiều. Dù bạn có đến tổ chức nào, công ty nào, chỉ cần bạn giữ nhiệt huyết, sự ham học hỏi và khiêm nhường thì bạn sẽ thành công”.

Vì sao show truyền hình thực tế về việc làm gây "sốt" cộng đồng mạng? - 7

Ứng viên Huyên và Sếp Hưng.

Thông tin hữu ích về tuyển dụng và tiền lương

Với tiêu chí “Phỏng vấn thật, thương lượng thật, việc làm thật”, chương trình tạo nên tính hấp dẫn và thu hút người xem khi lần đầu tiên, các Doanh nghiệp công khai thương lượng với ứng viên trên sóng truyền hình quốc gia về mức lương, chế độ đãi ngộ khi tuyển dụng người lao động ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và kí kết hợp đồng lao động.

Theo bà Nguyễn Thu Trang – Giám đốc Dịch vụ Tuyển dụng và Tư vấn Nhân sự, điều hấp dẫn của chương trình là thông qua những màn đàm phán với các "sếp", ứng viên không chỉ bộc lộ  bản lĩnh, cá tính từng người, mà nhiều câu chuyện "bí mật" trong tuyển dụng, dùng người cũng được các "sếp" tiết lộ, mức lương ký kết được công khai, mang đến nhiều thông tin hữu ích cho khán giả.

"Chương trình mang đến những góc nhìn cho người lao động, như cần có định hướng nghề nghiệp rõ ràng; đề xuất, tìm kiếm công việc phù hợp với năng lực của bản thân; thể hiện rõ những giá trị có thể mang lại cho doanh nghiệp, thay vì chỉ tập trung vào thương lượng những con số lương thưởng", sếp Phùng Tuấn Hà chia sẻ.